Nhà sáng lập Gcall: Liên tục thất bại vẫn quyết tâm khởi nghiệp

ANH KHOA| 14/12/2016 09:55

Startup Gcall là một trong 8 doanh nghiệp công nghệ trẻ được Tổng thống Obama mời tham dự Hội nghị thượng đỉnh doanh nhân toàn cầu 2016 tại Thung lũng Silicon.

Nhà sáng lập Gcall: Liên tục thất bại vẫn quyết tâm khởi nghiệp

Gcall đã đoạt giải Ý tưởng sáng tạo nhất tại Startup Wheel và Giải nhất AngelHack ở Việt Nam, giành vé sang Thung lũng Silicon trình bày với các nhà đầu tư ở Mỹ. 

Đọc E-paper

Đáng kể hơn, Gcall là một trong 8 doanh nghiệp công nghệ trẻ được Tổng thống Obama mời tham dự Hội nghị thượng đỉnh doanh nhân toàn cầu 2016 tại Thung lũng Silicon.Hai chàng trai Phạm Tấn Phúc và Nguyễn Xuân Bằng, bằng đam mê và quyết tâm, đã đưa được Gcall đến Singapore để đi những bước đầu tiên trong tham vọng trở thành công cụ nền tảng cho ngành chăm sóc khách hàng.

Liên tục thất bại

Từ lúc còn là sinh viên, cả Phúc và Bằng đã "máu me" khởi nghiệp. Trong khi Bằng tốt nghiệp "top 3" ngành Quản lý công nghiệp thì Phúc từ lúc học năm hai đã có nhiều giải thưởng về lập trình và tham gia làm phần mềm hệ thống cho Chính phủ và Bộ Công an.

Dự án đầu tiên của Phúc và Bằng là "Click now" - một bản đồ doanh nghiệp với ý tưởng liên kết giữa thế giới thực và thế giới ảo trong game.

Click now cho phép khách hàng định vị các vị trí trong game và thiết kế các nhiệm vụ. Nếu người chơi nhận nhiệm vụ, có thể đến cửa hàng của doanh nghiệp dùng thử món hàng nào đó với giá khuyến mãi, khi hoàn thành sẽ được nhận các phần thưởng tương xứng.

Sau hơn 6 tháng hoạt động, Click now... chết, mang theo số vốn 6 triệu đồng của 6 thành viên được huy động từ... học phí.

"Giấc mộng làm giàu" chưa hết với cả hai chàng sinh viên. Thời điểm đó (năm 2012), các doanh nghiệp nhỏ rất khó khăn trong tuyển dụng lao động kỹ thuật. Các website tuyển dụng sơ sài, thông tin tuyển dụng không kết nối được doanh nghiệp và người lao động. Doanh nghiệp thường mất 2 - 3 tháng mới tuyển được một kỹ sư, mà chưa chắc phù hợp.

Cả hai lại "ra khơi" với con tàu mang tên HR Key nhằm giảm thiểu thời gian tuyển dụng cho doanh nghiệp và tăng tỷ lệ đơn xin việc. Sau 8 tháng làm việc vất vả, HR Key đi theo... Click now.

Kể về thất bại với giọng hài hước, Phạm Tấn Phúc nói: "Mỗi dự án là một trải nghiệm quý. Với Click now, tụi mình đã dở lại còn đông nên trở thành ăn hại. Có quá nhiều đồng sáng lập, toàn sinh viên năm hai và ba. Kinh nghiệm làm việc và độ hiểu biết về thị trường không có. Vừa học vừa làm mà học và làm sai cũng chẳng biết. Mọi người đều ngang quyền nhau, không thống nhất ý kiến được. HR Key đã rút được kinh nghiệm từ Click now, nhưng vẫn thất bại do mục tiêu quá lớn so với sức lực hiện tại của đội ngũ”.

Gác lại khao khát khởi nghiệp, Bằng đi du học Đức và làm việc cho các tập đoàn lớn, còn Phúc vẫn miệt mài theo đuổi các ý tưởng công nghệ. Đáng kể nhất là dự án "Bản đồ chống hàng giả" đoạt giải nhất Cuộc thi Lập trình ứng dụng quốc tế và được Ngân hàng Thế giới (WB) đầu tư. Nhưng dự án lại bị "đóng băng" vì kinh phí đầu tư "mồi" từ WB không đủ sức đi đường dài cho một ứng dụng quy mô quốc gia.

Cùng lúc này (đầu năm 2014), Bằng về nước, cả hai lại bắt tay nhau làm lại từ đầu, và Gcall ra đời khi cả hai nhận thấy lĩnh vực thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam rất tiềm năng nhưng đang giống... bom nổ chậm. Nhiều người tham gia nhưng thiếu độ "bật" vì hệ sinh thái phụ trợ (vận tải giao hàng, thanh toán trực tuyến v.v...) còn yếu. Nhất là lỗ hổng trong chăm sóc khách hàng với hệ thống giao tiếp chuyên biệt vẫn chưa có.

Gcall được xây dựng như một tổng đài thông minh với khả năng biến địa chỉ URL của website khách hàng thành hotline trực tuyến. Gcall cũng cho phép doanh nghiệp tiếp cận lực lượng lao động nhàn rỗi địa phương để trở thành nhân viên chăm sóc khách hàng trong hệ thống lao động đã đăng ký trên ứng dụng.

Khách khi truy cập vào website, nếu có nhu cầu hoặc câu hỏi về hàng hóa và đơn hàng, chỉ cần bấm vào biểu tượng Gcall trên website, lập tức tín hiệu sẽ được truyền đến điện thoại của các tổng đài viên trang web đó. Với Gcall, người dùng không cần phải tìm kiếm số điện thoại liên lạc trên trang web, không cần bỏ tiền để thực hiện cuộc gọi như những tổng đài điện thoại truyền thống.

Gcall đã "ghi tên" Phạm Tấn Phúc vào danh sách 8 doanh nhân đổi mới Việt Nam được Tổng thống Mỹ Barack Obama mời tham dự Hội nghị thượng đỉnh doanh nhân toàn cầu 2016 tại Thung lũng Silicon.

Nuôi khát vọng từ khó khăn

Tháng 9/2015, Phúc và Bằng mang Gcall sang Singapore thành lập Công ty Gcall Vietnam Pte. Ltd., và đã nhanh chóng thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư lớn. Bên cạnh sự tham gia của quỹ đầu tư mạo hiểm Muru-D và BFBZ, Gcall đã nhận đầu tư trực tiếp của Tập đoàn Viễn thông Telstra (Úc).

Làm cách nào để một dự án khởi nghiệp có thể thu hút sự chú ý của các ông lớn nhanh như vậy? Phúc chia sẻ: "Mình bỏ tiền mua tài khoản trên LinkedIn để gửi email. Giống như cách các doanh nghiệp đang bán hàng B2B vậy, khác chút là mình bán công ty. Đều đặn mỗi ngày gửi 15 email đến các nhà đầu tư để trao đổi thông tin về công ty, theo đúng tinh thần... "rải truyền đơn". Sau khi có sự tham gia của một nhà đầu tư uy tín là Muru-D, việc gọi vốn của mình trở nên dễ dàng hơn".

Anh cho biết, thành lập công ty ở Singapore có ưu điểm là thủ tục hành chính nhanh, không gặp nhiều rào cản pháp lý, giao dịch quốc tế dễ dàng. Theo Phúc, để mở công ty tại Singapore, nếu qua dịch vụ phải tốn từ 3.000 - 5.000 SGD, nhưng nếu tự làm có thể giảm được 30%.

Tuy vậy, Gcall cũng chưa nhận được ưu đãi gì từ chính quyền sở tại, đôi khi còn bị áp lực về vấn đề visa lao động. Thời điểm đó, Gcall vẫn trong giai đoạn thử nghiệm nên việc giới thiệu và tiếp cận khách hàng ở Singapore gặp khá nhiều khó khăn.

"Tụi mình vượt qua bằng mối quan hệ với người Việt ở Singapore. Từ đầu mối này dẫn dắt sang đầu mối khác", Phúc chia sẻ kinh nghiệm.

Cuối năm 2014, chưa thành lập công ty, nhưng khi chào thử dòng sản phẩm đầu tiên ở Singapore, Gcall đã thu hút hơn 40 doanh nghiệp vừa và nhỏ quan tâm. Hai năm sau, sản phẩm thứ hai ra mắt, số doanh nghiệp đã tăng lên 170, trong đó có nhiều doanh nghiệp của Mỹ. Hiện tại, Gcall đã triển khai giải pháp cho hơn 30 doanh nghiệp và đang tiếp tục với hơn 350 doanh nghiệp đã đăng ký lẫn chờ dùng thử hệ thống.

Doanh thu năm 2015 của Gcall là trên 200 triệu đồng. Doanh thu trong tháng 9/2016 là gần 45 triệu đồng. Nhân lực hiện có 15 kỹ sư làm việc toàn thời gian cho dự án để tập trung vào việc ổn định chất lượng sản phẩm và nghiệp vụ hỗ trợ kỹ thuật cho khách hàng.

Khó khăn lớn nhất của Gcall hiện tại là nghiệp vụ kinh doanh, chăm sóc khách hàng và liên kết đối tác phân phối. Thêm vào đó, tài chính bị giới hạn khiến việc mở rộng nhân sự kinh doanh và hỗ trợ kỹ thuật cho khách hàng bị hạn chế.

Theo tính toán của Phúc và Bằng, khi lượng khách hàng tăng lên mà khả năng hỗ trợ không tương thích sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng sản phẩm. Bên cạnh đó, việc chưa thiết kế được một cấu trúc giá và mô hình kinh doanh phù hợp với thị trường cũng là những "chướng ngại vật" khiến Gcall chưa thể có những hợp đồng cung cấp dài hạn.

Gcall đang mở rộng huy động vốn và hai nhà sáng lập không giấu tham vọng đưa Gcall thành nền tảng chăm sóc khách hàng có thể ứng dụng trong tất cả các lĩnh vực. Mục tiêu năm 2017 của Phúc và Bằng là mở rộng ứng dụng đến người dùng phổ thông.

Bằng việc cài đặt ứng dụng vào smartphone, bất cứ lao động nhàn rỗi nào biết trên 2 ngoại ngữ, hoặc có các kỹ năng bán hàng/tư vấn đặc biệt đều có thể dễ dàng kiếm được một việc làm thời vụ từ các cửa hàng online. Gcall cũng dự định mở rộng sang thị trường Việt Nam và hiện tại đã có một vài thương hiệu thử nghiệm như traicayvanphong.info, yousport.vn, vuong.com.vn...

Từ những trải nghiệm thất bại trong giai đoạn đầu, Phúc và Bằng cho rằng xây dựng nhóm 2 - 3 người làm việc ban đầu sẽ tốt hơn số đông. Mỗi người phải đa nhiệm, đa năng.

Ngoài ra, tuy là hoạt động trong lĩnh vực công nghệ nhưng không phải cái gì cũng có thể đưa công nghệ hay tự động hóa vào ngay từ đầu, có những lúc phải "làm thủ công" để tiết kiệm chi phí và thời gian. Vì, một startup chưa có nhà đầu tư mà vẫn "sống" và phát triển tốt thì mới có quyền lựa chọn nhà đầu tư phù hợp.

>>Ông Nam Đỗ: Việt Nam đủ lực để trở thành vệ tinh khởi nghiệp 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Nhà sáng lập Gcall: Liên tục thất bại vẫn quyết tâm khởi nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO