Bản tin tổng hợp

Khởi động dự án 17.500 tỷ đồng phát triển tổ hợp công nghiệp đường sắt quốc gia

TH 27/05/2025 - 15:25

Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) vừa đề xuất chủ trương đầu tư dự án Tổ hợp công nghiệp đường sắt quốc gia với tổng vốn đầu tư 17.509 tỷ đồng. Dự án được kỳ vọng sẽ trở thành hạt nhân trong quá trình làm chủ công nghệ, nội địa hóa sản xuất thiết bị, phương tiện ngành đường sắt và phát triển hệ sinh thái công nghiệp phụ trợ trong nước.

Dự án Tổ hợp công nghiệp đường sắt dự kiến được triển khai tại địa bàn huyện Phú Xuyên và huyện Ứng Hòa (Hà Nội), với quy mô khoảng 250 ha. Toàn bộ dự án sẽ sử dụng 100% vốn nhà nước, thông qua cơ chế tăng vốn điều lệ tại doanh nghiệp nhà nước hiện hữu.

Mục tiêu trung hạn là xây dựng một tổ hợp sản xuất đồng bộ, bao gồm nhà máy lắp ráp đầu máy, toa xe, các trung tâm nghiên cứu - phát triển (R&D), trung tâm bảo trì - sửa chữa và hệ thống hạ tầng kết nối với mạng lưới đường sắt quốc gia.

Tổng vốn đầu tư 17.509 tỷ đồng được chia làm ba cấu phần chính. Thứ nhất, nguồn vốn đầu tư công sẽ phục vụ xây dựng tuyến đường sắt kết nối với hạ tầng quốc gia, hệ thống kỹ thuật và các hạng mục R&D.

Nhà thầu đòi gần 4.000 tỷ đồng chi phát sinh ở dự án Metro số 1 TP.HCM - Xã hội

Thứ hai, phần vốn bổ sung vào doanh nghiệp sẽ dùng để đầu tư nhà máy lắp ráp và các hạng mục kỹ thuật liên quan. Thứ ba, VNR cũng đề xuất huy động thêm vốn từ các nhà đầu tư chiến lược để hợp tác triển khai và vận hành các phân khu chức năng trong tổ hợp.

Nếu được cấp có thẩm quyền phê duyệt, dự án sẽ khởi động giai đoạn chuẩn bị đầu tư trong vòng 1 năm, và tiến hành xây dựng trong 3 năm tiếp theo, với mục tiêu hoàn tất giai đoạn I vào năm 2029. Trong giai đoạn từ 2029 đến 2031, tổ hợp sẽ ưu tiên lắp ráp đầu máy điện, toa xe khách tốc độ dưới 160 km/h và đoàn tàu EMU phục vụ đường sắt đô thị. Đồng thời, tổ hợp cũng sẽ sản xuất toa xe hàng tốc độ 120 km/h cho tuyến Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng.

Từ năm 2032 đến 2035, dự án sẽ nâng cao năng lực sản xuất, tiến tới làm chủ công nghệ lắp ráp toa xe khách và toa xe hàng tốc độ dưới 160 km/h, đồng thời nâng tỷ lệ nội địa hóa lên 30%. Các vật tư, phụ tùng phục vụ sửa chữa thiết bị đường sắt và hạ tầng tín hiệu cũng sẽ được đưa vào sản xuất.

Đối với tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, tổ hợp sẽ tham gia sản xuất, lắp ráp đoàn tàu EMU theo cơ chế chuyển giao công nghệ. Đến năm 2035, mục tiêu là làm chủ hoàn toàn quy trình công nghệ và đạt tỷ lệ nội địa hóa 20%. Giai đoạn 2040 - 2050 sẽ là thời kỳ tăng tốc nội địa hóa, với kỳ vọng đạt 80% đối với đoàn tàu EMU và toàn bộ hệ thống phụ trợ cho khai thác đường sắt tốc độ cao.

Theo tính toán, từ năm 2030 đến 2050, tổ hợp công nghiệp đường sắt có thể tạo ra doanh thu lên tới 228.102 tỷ đồng, mang lại lợi nhuận bình quân khoảng 1.141 tỷ đồng mỗi năm. Thời gian hoàn vốn của dự án ước tính vào khoảng 16 năm. Ngoài ra, dự án còn được kỳ vọng thúc đẩy mạnh mẽ ngành cơ khí chế tạo, công nghiệp phụ trợ và chuyển giao công nghệ trong nước.

Để đảm bảo sự phát triển đồng bộ, VNR kiến nghị bổ sung các sản phẩm thuộc công nghiệp đường sắt, bao gồm đầu máy, toa xe EMU, đoàn tàu tốc độ cao vào danh mục sản phẩm cơ khí trọng điểm quốc gia. Đồng thời, cần mở rộng danh mục công nghệ khuyến khích chuyển giao sang các thiết bị chuyên dụng, công nghệ chế tạo vật tư cho đường sắt đô thị và đường sắt điện khí hóa.

Bên cạnh đó, VNR cũng đề xuất đưa các sản phẩm công nghệ cao thuộc lĩnh vực đường sắt vào danh mục ưu tiên phát triển công nghệ cao quốc gia. Điều này sẽ tạo tiền đề thuận lợi cho doanh nghiệp nghiên cứu, sản xuất và cung ứng các giải pháp công nghệ phục vụ các dự án đường sắt chiến lược trong tương lai.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Khởi động dự án 17.500 tỷ đồng phát triển tổ hợp công nghiệp đường sắt quốc gia
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO