Bản tin tổng hợp

TP.HCM mở rộng mạng lưới đường sắt đô thị sau sáp nhập

TH 22/05/2025 16:13

Việc mở rộng địa giới hành chính kết hợp TP.HCM với các địa phương lân cận như Bà Rịa - Vũng Tàu và Bình Dương đặt ra yêu cầu cấp thiết về việc phát triển mạnh mẽ và đồng bộ mạng lưới đường sắt đô thị nhằm phục vụ nhu cầu đi lại và thúc đẩy liên kết vùng.

Sáng ngày 22/5, Ban Chỉ đạo phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị TP.HCM đã tổ chức phiên họp đầu tiên tại Thành ủy TP.HCM.

Phiên họp do Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên chủ trì, với sự tham dự của Phó Bí thư Thường trực Nguyễn Thanh Nghị, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Văn Được cùng lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan.

phiên họp thứ nhất về phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị
Bí Thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên chủ trì phiên họp thứ nhất về phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị. Ảnh: ĐT

Tại phiên họp, Chủ tịch UBND TP.HCM nhấn mạnh, việc sáp nhập địa giới hành chính khiến quy mô dân cư và nhu cầu giao thông tăng cao, đòi hỏi thành phố phải nhanh chóng cập nhật, điều chỉnh và mở rộng quy hoạch các tuyến đường sắt đô thị theo hướng liên kết vùng, đặc biệt kết nối các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu. Thành phố cũng cần đổi mới mô hình quản lý để đảm bảo tính linh hoạt và hiệu quả, phù hợp với thực tiễn phát triển.

Chủ tịch UBND TP.HCM nhận định, việc chỉ dựa vào ngân sách nhà nước để phát triển đường sắt đô thị là không khả thi và không hiệu quả. Do đó, TP.HCM sẽ tiếp tục kêu gọi đầu tư từ các thành phần kinh tế trong và ngoài nước, đặc biệt là thông qua hình thức hợp tác công tư (PPP) và các nguồn vốn ODA, đồng thời xử lý triệt để những tồn tại trong các dự án trước đây.

Một trong những định hướng quan trọng là thành lập công ty vận hành hệ thống metro theo mô hình hiện đại mà nhiều quốc gia trên thế giới đã áp dụng. Cùng với đó là việc vận dụng linh hoạt các cơ chế, chính sách đặc thù trong huy động vốn, giải phóng mặt bằng, đào tạo nhân lực và phát triển công nghiệp đường sắt nội địa.

71-1717551786-metro.jpg

Thành phố cũng lên kế hoạch phát hành trái phiếu chính quyền địa phương và tổ chức đấu thầu các dự án chỉnh trang đô thị gắn với khai thác quỹ đất.

Theo Sở Xây dựng TP.HCM, hệ thống đường sắt đô thị sẽ được phát triển dựa trên quy hoạch đã được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định 568, đồng thời cập nhật bổ sung theo Đề án 49 để phù hợp với thực tế mở rộng vùng đô thị.

Cụ thể, đến năm 2035, thành phố sẽ hoàn thành khoảng 355km đường sắt đô thị, nâng tổng chiều dài lên khoảng 510km vào năm 2045 (chưa bao gồm tuyến Trung tâm TP.HCM - Cần Giờ dài 48,7km và tuyến Thủ Thiêm - Long Thành dài 41km). Tổng vốn đầu tư đến năm 2035 ước tính khoảng 40,21 tỷ USD, triển khai 7 tuyến chủ lực kết nối toàn thành phố và vùng phụ cận.

Danh mục các tuyến metro quy hoạch gồm: Tuyến 1: Bến Thành- An Hạ; Tuyến 2: Củ Chi - Thủ Thiêm; Tuyến 3: Hiệp Phước - Tân Kiên - Bình Triệu; Tuyến 4: Đông Thạnh – KĐT Hiệp Phước; Tuyến 5: Long Trường - Đa Phước; Tuyến 6: Vành đai trong; Tuyến 7: Tân Kiên - Vinhomes Grand Park.

Bên cạnh đó, TP.HCM sẽ tiếp tục xúc tiến các dự án đường sắt đô thị trọng điểm như tuyến Thủ Thiêm - Long Thành (đang chờ chỉ đạo từ Thủ tướng Chính phủ) và tuyến Trung tâm TP.HCM - Cần Giờ (giao Tập đoàn Vingroup nghiên cứu theo mô hình PPP).

Ban Quản lý Đường sắt đô thị TP.HCM (MAUR) cũng đang nghiên cứu bổ sung các tuyến metro 8, 9, 10 và các tuyến Tramway/LRT ven sông, kết hợp phát triển không gian xung quanh nhà ga theo mô hình đô thị định hướng giao thông công cộng (TOD).

duong-sat-do-thi-2.jpg
Phiên họp thứ nhất Ban Chỉ đạo

Theo kế hoạch, TP.HCM sẽ khởi công tuyến metro số 2 vào tháng 12/2025. Đây là dự án đầu tiên áp dụng Nghị quyết 188, với mặt bằng đã được giải phóng hoàn toàn. Từ nay đến tháng 4/2025, các thủ tục chuyển đổi nguồn vốn từ ODA sang đầu tư công sẽ được hoàn thiện. Đồng thời, sáu tuyến metro còn lại cũng sẽ được lập, thẩm định và phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi cùng các kế hoạch bồi thường, hỗ trợ và tái định cư.

Tại phiên họp, Thành ủy TP.HCM đã công bố Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị. Ban Chỉ đạo do Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên làm Trưởng ban, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Văn Được giữ vai trò Phó Trưởng ban Thường trực. Các Phó Trưởng ban gồm các lãnh đạo chủ chốt của Thành ủy, HĐND, UBMTTQ cùng 19 thành viên khác.

Ban Chỉ đạo có nhiệm vụ triển khai các kết luận, nghị quyết của Trung ương về định hướng phát triển giao thông vận tải đường sắt đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, tập trung cụ thể vào việc hiện thực hóa các mục tiêu đề ra tại TP.HCM.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
TP.HCM mở rộng mạng lưới đường sắt đô thị sau sáp nhập
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO