Tuyến metro số 1 TP.HCM đề xuất bổ sung 445 tỷ đồng vốn ODA cấp phát từ trung ương
Ban Quản lý Đường sắt Đô thị TP.HCM (MAUR) vừa đề xuất UBND TP.HCM kiến nghị Bộ Tài chính phân bổ thêm 445 tỷ đồng vốn ODA cấp phát từ ngân sách Trung ương cho tuyến Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) trong kế hoạch vốn năm 2025.
Theo báo cáo gửi Sở Xây dựng TP.HCM, MAUR cho biết tính đến thời điểm hiện tại, tuyến Metro số 1 đã giải ngân được 32.085 tỷ đồng trên tổng mức đầu tư là 43.757 tỷ đồng, tương đương 73,33%.
Trong kế hoạch năm 2025, UBND TP.HCM đã phân bổ 2.150 tỷ đồng vốn ODA vay lại và 365,6 tỷ đồng vốn đối ứng. Tuy nhiên, tính đến nay, dự án mới giải ngân được 711 tỷ đồng, đạt 28,27% so với kế hoạch cả năm.
Riêng phần vốn ODA cấp phát từ ngân sách Trung ương chưa được đăng ký trong kế hoạch vốn do cần rà soát lại theo hạn mức vốn chưa giải ngân của năm 2024. Do đó, MAUR kiến nghị bổ sung khoản vốn 445 tỷ đồng nhằm đảm bảo tiến độ giải ngân cho các gói thầu thuộc hiệp định vay VN15-P5 trước khi hiệp định hết hiệu lực.

Tuyến Metro số 1 dự kiến vận hành thương mại từ ngày 22/12/2024. Tuy nhiên, một số hạng mục phụ trợ như hệ thống công nghệ thông tin phục vụ công tác vận hành và bảo dưỡng (O&M) cùng với tòa nhà văn phòng O&M vẫn đang thi công, dự kiến hoàn tất vào tháng 6/2025.
Trên cơ sở đó, MAUR đã kiến nghị điều chỉnh mốc hoàn thành toàn bộ dự án sang cuối quý IV/2025, nhằm đảm bảo đầy đủ cơ sở pháp lý cho việc nghiệm thu, thanh quyết toán các phần công việc còn lại.
Một trong những thách thức lớn hiện nay là xử lý các khiếu nại, khiếu kiện kéo dài từ các nhà thầu, phát sinh từ năm 2012 đến nay vẫn chưa được giải quyết triệt để.
Theo Thông báo số 78/TB-VPCP ngày 4/3/2025, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã yêu cầu các cơ quan chức năng tập trung tháo gỡ các vướng mắc liên quan đến thanh toán cho nhà thầu và hoàn tất trước ngày 30/4/2025. Tuy nhiên, MAUR cho biết nhiều vướng mắc nằm ngoài thẩm quyền của chủ đầu tư cũng như UBND TP.HCM.
Nguyên nhân chủ yếu là do sự khác biệt giữa quy định pháp luật trong nước và thông lệ quốc tế, thiếu cơ chế giải quyết cụ thể, ngân sách hạn hẹp và sự chồng chéo trong hệ thống pháp luật hiện hành.
Đối với các vấn đề thuộc thẩm quyền địa phương, MAUR đang phối hợp cùng các sở, ngành liên quan để nỗ lực xử lý trong quý II/2025. Riêng các khiếu nại vượt thẩm quyền, đặc biệt là liên quan đến các gói thầu CP2 và CP3, cần có chỉ đạo từ cấp Trung ương.
Trong trường hợp cần thiết, UBND TP.HCM sẽ trình Ban Thường vụ Thành ủy, Thủ tướng Chính phủ hoặc Bộ Chính trị để xin chủ trương về phương án hòa giải.
Hiện nay, MAUR cùng các nhà thầu đang xây dựng trình tự và thủ tục để tổ chức đàm phán trực tiếp, đồng thời thành lập Hội đồng hòa giải thương mại tại các trung tâm hòa giải quốc tế đặt tại Việt Nam. Mục tiêu là hoàn tất công tác hòa giải trong năm 2025.