Trong nước

Đẩy nhanh đề án phát triển công nghiệp đường sắt và đào tạo nhân lực, hoàn thành trong tháng 6/2025

Hùng Nguyễn 09/04/2025 06:15

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành liên quan khẩn trương hoàn thiện các đề án về phát triển công nghiệp đường sắt và nguồn nhân lực, trình Chính phủ ban hành trong tháng 6/2025. Đây là nhiệm vụ cấp bách nhằm chuẩn bị lực lượng và nền tảng cho những công trình, dự án quan trọng quốc gia trong lĩnh vực đường sắt.

Theo chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Xây dựng được giao chủ trì xây dựng đề án phát triển nguồn nhân lực phục vụ ngành đường sắt. Trong quá trình thực hiện, Bộ sẽ phối hợp với Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, các cơ sở đào tạo, địa phương và đơn vị liên quan để xác định nhu cầu, hình thức, quy mô và lộ trình đào tạo phù hợp với yêu cầu thực tiễn.

Song song đó, Bộ Xây dựng còn được giao nhiệm vụ phối hợp với Bộ Tài chính và các bộ, ngành liên quan rà soát chính sách để huy động sự tham gia của các tập đoàn, tổng công ty lớn vào việc đầu tư, phát triển hệ thống đường sắt quốc gia. Đáng chú ý, Bộ cũng sẽ chủ trì đề xuất giao Tập đoàn Viettel và VNPT đảm nhận vai trò tiếp nhận, phát triển và làm chủ công nghệ trong các hệ thống thông tin, tín hiệu và điều khiển, những yếu tố then chốt trong các dự án đường sắt hiện đại.

TP.HCM khởi công Metro số 2: Bến Thành – Tham Lương vào cuối 2025 – Tạp Chí Giáo Dục TP.Hồ Chí Minh

Về phía Bộ Tài chính, cơ quan này có trách nhiệm chủ trì lập Đề án tái cơ cấu Tổng công ty Đường sắt Việt Nam theo định hướng mô hình tập đoàn. Mục tiêu là giúp doanh nghiệp đủ năng lực tham gia toàn diện vào các dự án ngay từ giai đoạn chuẩn bị đầu tư, triển khai thi công đến vận hành, bảo trì hạ tầng sau khi hoàn thành. Đề án này cũng phải hoàn tất trong tháng 6/2025.

Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ chủ trì rà soát, quy hoạch hệ thống đại học, cao đẳng có ngành nghề liên quan đến đường sắt, đảm bảo năng lực đào tạo trong nước đáp ứng đủ nhu cầu phát triển ngành trong dài hạn.

Trong khi đó, Bộ Công Thương được giao chủ trì xây dựng Đề án phát triển công nghiệp đường sắt, phối hợp với Bộ Xây dựng và các cơ quan liên quan, trình Chính phủ trong tháng 6 năm nay.

Phát biểu tại phiên họp đầu tiên của Ban Chỉ đạo các công trình, dự án quan trọng quốc gia trong lĩnh vực đường sắt, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính - Trưởng ban Chỉ đạo, nhấn mạnh vai trò then chốt của ngành đường sắt trong phát triển kinh tế - xã hội, kết nối vùng miền và thúc đẩy hội nhập quốc tế. Trong đó, các tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, đường sắt đô thị tại Hà Nội, TP.HCM, cũng như các tuyến kết nối cảng biển, khu công nghiệp và quốc tế đóng vai trò chiến lược.

Theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Kết luận số 49-KL/TW ngày 28/2/2023 của Bộ Chính trị, ngành đường sắt được xác định là lĩnh vực cần ưu tiên đầu tư. Với những lợi thế như vận tải khối lượng lớn, tốc độ cao, chi phí thấp, an toàn và thân thiện môi trường, đường sắt là mảnh ghép quan trọng trong việc tạo lập hệ thống vận tải đồng bộ, kết nối hiệu quả giữa đường bộ, đường thủy, hàng hải và hàng không.

Giai đoạn tới, Việt Nam sẽ đầu tư mạnh mẽ vào nhiều tuyến đường sắt trọng điểm, bao gồm: đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, Lạng Sơn - Hà Nội, Hải Phòng - Hạ Long - Móng Cái, cùng các tuyến đô thị tại Hà Nội, TP.HCM...

Đây chính là thời cơ vàng để Việt Nam không chỉ nhập khẩu công nghệ mà còn tiến tới làm chủ, sản xuất, phát triển ngành công nghiệp đường sắt quốc gia, hướng tới mục tiêu đến năm 2030 - 2045 có thể tự chế tạo đầu máy, toa xe và xây dựng hệ sinh thái công nghiệp đường sắt đồng bộ, hiện đại.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Đẩy nhanh đề án phát triển công nghiệp đường sắt và đào tạo nhân lực, hoàn thành trong tháng 6/2025
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO