Văn hóa kinh doanh trong giao thương quốc tế
Mỗi doanh nghiệp đều có đặc điểm văn hóa riêng. Cái riêng đó là yếu tố chính làm nên thành công hay thất bại. Trong cái riêng có cái chung. Cái riêng cần được xây dựng trên nguyên tắc phù hợp với cái chung. Cũng như điều lệ, văn hóa của công ty phải phù hợp với luật pháp quốc gia.
Tôi rất vinh hạnh được góp phần truyền thông sâu rộng bộ tiêu chí văn hóa kinh doanh Việt Nam của Hiệp hội Phát triển Văn hóa Doanh nghiệp Việt Nam và 6 quy tắc đạo đức doanh nhân Việt Nam của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI). Theo tôi, đây là những quy chế và quy tắc làm căn cứ quan trọng trong việc xem xét trao tặng các giải thưởng cho doanh nhân, doanh nghiệp.
Ông Lê Viết Hải |
Trong thời kỳ hội nhập, doanh nhân Việt Nam phát triển kinh doanh ra thị trường nước ngoài cần có văn hóa kinh doanh trong giao thương quốc tế với tiêu chí phù hợp. Đó là tiêu chí về đóng góp vào việc bảo vệ và phát triển nền văn minh nhân loại, sự thịnh vượng của toàn cầu, đóng góp vào việc bảo vệ môi trường sống.
Tôi kiến nghị Hiệp hội Phát triển Văn hóa Doanh nghiệp Việt Nam bổ sung vào bộ tiêu chí văn hóa kinh doanh Việt Nam 3 chỉ tiêu sau đây:
Thứ nhất, doanh nghiệp Việt Nam đóng góp phát minh, sáng chế sản phẩm và dịch vụ chất lượng vượt trội, tiết kiệm tài nguyên, thân thiện với môi trường, phù hợp với các chỉ tiêu ESG (Environmental, Social and Governance)cũng như định hướng kinh tế tuần hoàn (Circular Economy) của thế giới.
Thứ hai, trong phát triển sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp phải quan tâm và có hành động cụ thể trong việc bảo tồn, tôn tạo di sản vật thể và phi vật thể của quốc gia, đóng góp vào việc bảo vệ và phát triển nền văn minh của nhân loại.
Thứ ba, qua giao thương quốc tế, doanh nghiệp lan tỏa văn hóa kinh doanh đặc sắc của Việt Nam, văn hóa tốt đẹp của dân tộc, thể hiện lòng nhân ái, đức hy sinh của người Việt Nam, đóng góp tích cực vào việc đem lại hòa bình cho nhân loại, nỗ lực thực hiện nhiệm vụ đại sứ văn hóa và đại sứ hòa bình.
Đạo đức doanh nhân trong kỷ nguyên hội nhập toàn cầu
Khi doanh nghiệp Việt Nam hội nhập với nền kinh tế thế giới, theo tôi nên có thêm những quy tắc đạo đức hướng đến lợi ích chung của nhân loại.
Chúng ta nhận thức rõ rằng không có cái chung thì cũng không có cái riêng. Điều đó đã thể hiện rất rõ qua nhiều giai đoạn lịch sử, qua nhiều cuộc chiến chống ngoại xâm, bảo vệ Tổ quốc.
Hiện nay, những vấn đề toàn cầu ngày càng nhức nhối với nguy cơ đe dọa nghiêm trọng đến trái đất - ngôi nhà chung của loài người, thậm chí có thể hủy hoại hoàn toàn môi trường sống của muôn loài, nền văn minh của nhân loại có thể lụi tàn bởi sự ô nhiễm môi trường, cạn kiệt tài nguyên, bởi chiến tranh, thiên tai và dịch bệnh. Trong đó, nguy cơ đáng sợ nhất là chiến tranh. Vì vậy, sự đóng góp của văn hóa doanh nghiệp cần được xem là một sứ mệnh thiêng liêng. Sự cống hiến, phụng sự cho nhân loại, bảo vệ môi trường sống trên trái đất cần được xem là nghĩa vụ cao đẹp của doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam chứ không chỉ là trách nhiệm xã hội.
Thực hiện được những việc ấy, cùng với những hoạt động tích cực để gìn giữ hòa bình là đóng góp rất quan trọng và có giá trị vô cùng to lớn đối với nền văn minh của nhân loại.
Doanh nhân Việt Nam cần biết nuôi dưỡng lòng nhân ái, vị tha và đức hy sinh thì mới tạo nên sự khác biệt lớn. Chúng ta hãy mở rộng lòng nhân ái để yêu thương con người và muôn loài trên hành tinh.Văn hóa kinh doanh Việt Nam cần đặt trên nền tảng đạo đức của doanh nhân, đạo đức của từng công dân Việt Nam và đạo đức cần được xây dựng dựa trên lòng yêu nước thương dân và nuôi dưỡng các đức tính tốt đẹp nói trên.
Vì lẽ đó mà càng yêu dân, yêu nước bao nhiêu, chúng ta lại càng cần phải yêu trái đất, yêu sự sống của muôn loài và hướng đến việc cống hiến cho sự phát triển lành mạnh, tốt đẹp của cả thế giới, phụng sự cho lợi ích của nhân loại nhiều bấy nhiêu.
Với quan niệm đó, với tinh thần và thái độ đó, chắc chắn doanh nhân Việt Nam sẽ được cả thế giới tôn trọng, trân quý. Điều đó nhất định sẽ mang lại sự thịnh vượng vững bền cho quốc gia.
Bằng trải nghiệm của chính mình và của Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình, tôi xin phép đóng góp bổ sung thêm 6 quy tắc trong bộ quy tắc đạo đức doanh nhân Việt Nam do VCCI soạn thảo, ban hành để phù hợp hơn trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên hội nhập toàn cầu:
1. Tạo giá trị kinh tế cho xã hội
2. Tuân thủ pháp luật
3. Minh bạch, công bằng, liêm chính
4. Sáng tạo, hợp tác cùng phát triển
5. Tôn trọng thiên nhiên, bảo vệ môi trường
6. Yêu nước, có trách nhiệm với xã hội và gia đình.
Như vậy, bộ quy tắc đạo đức doanh nhân Việt Nam sẽ có 10 quy tắc được xếp theo thứ tự từ tổng thể cho đến thành phần, từ chung cho đến riêng, từ lớn cho đến nhỏ, nhưng không hẳn là từ nặng đến nhẹ. 10 quy tắc đó là:
1. Yêu trái đất, yêu nhân loại
2. Yêu nước, yêu dân
3. Bảo vệ môi trường, bảo vệ tài nguyên
4. Bảo vệ di sản vật thể và phi vật thể
5. Tuân thủ nghiêm pháp luật
6. Tạo giá trị kinh tế cho xã hội
7. Có trách nhiệm với gia đình
8. Minh bạch, công bằng, liêm chính
9. Đổi mới, phát minh, sáng chế
10. Đoàn kết, hợp tác cùng phát triển.
Tôi hy vọng nội dung chia sẻ này sẽ góp phần hoàn thiện bộ tiêu chí văn hóa kinh doanh Việt Nam, bộ quy tắc đạo đức doanh nhân Việt Nam. Đồng thời, tôi mong rằng bộ tiêu chí văn hóa kinh doanh Việt Nam và bộ quy tắc đạo đức doanh nhân Việt Nam sẽ được cộng đồng doanh nghiệp, đội ngũ doanh nhân xem đó là "kim chỉ nam" trong quản lý, điều hành và phát triển doanh nghiệp.
(*) Chủ tịch Hội đồng sách Doanh nhân,
Phó chủ tịch Hiệp hội Phát triển Văn hóa Doanh nghiệp Việt Nam,
Chủ tịch Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình
Ông Nguyễn Văn Hùng - Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch: Văn hóa doanh nghiệp là hệ thống các giá trị, chuẩn mực, quan niệm và hành vi chi phối hoạt động mọi thành viên trong doanh nghiệp, tạo nên bản sắc riêng của doanh nghiệp. Chiều sâu văn hóa doanh nghiệp là không đơn thuần chạy theo lợi nhuận bằng mọi giá, mà cần đề cao đạo đức kinh doanh, trách nhiệm với xã hội, thượng tôn pháp luật, cạnh tranh lành mạnh, bảo vệ môi trường. Các giá trị văn hóa sẽ giúp doanh nghiệp có nền tảng vững chắc để xác định triết lý kinh doanh, sứ mệnh, tầm nhìn, giá trị cốt lõi một cách đúng đắn, nâng tầm quản trị, điều hành doanh nghiệp cũng như trong ứng xử với nhân viên, đối tác, khách hàng, từ đó tạo dựng nên uy tín, thương hiệu trên thương trường. Văn hóa doanh nghiệp được xem là chìa khóa và sự bảo đảm cho doanh nghiệp trong quá trình phát triển bền vững. Bà Hà Thu Thanh - Chủ tịch Hội đồng thành viên Deloitte Việt Nam: Không một thương hiệu doanh nghiệp mạnh nào không xây dựng dựa trên một nền tảng văn hóa kinh doanh vững chắc. Trong xu thế phát triển bền vững, văn hóa kinh doanh được xem là một yếu tố "lõi" của năng lực cạnh tranh, là nền tảng phát triển của doanh nghiệp. Văn hóa kinh doanh là yếu tố nội sinh từ bên trong doanh nghiệp, chịu sự tác động của thể chế chính trị, kinh tế và văn hóa... chủ doanh nghiệp có vai trò quyết định kiến tạo, định hình và thực thi văn hóa của doanh nghiệp. Chủ doanh nghiệp cần phải liêm chính, liêm chính là văn hóa chủ doanh nghiệp (doanh nhân) không được ủy quyền, mà phải đi tiên phong thực thi đầu tiên và thực thi trong mọi trường hợp. Cộng đồng doanh nghiệp phát triển bền vững, sẽ giúp nền kinh tế cũng như quốc gia phát triển bền vững. Tính bền vững của doanh nghiệp chính là ở khả năng kiến tạo những tác động tích cực đến môi trường, xã hội và kinh tế, thông qua thực tiễn quản trị và sự hiện diện của doanh nghiệp trên thương trường. Ng Quỳnh ghi |