Bản tin tổng hợp

Đề xuất thu phí 13 đoạn tuyến cao tốc Bắc - Nam từ năm 2026

NH 04/07/2025 - 09:36

Cục Đường bộ Việt Nam vừa có đề xuất gửi Bộ Xây dựng nhằm phê duyệt đề án thu phí đối với 13 đoạn tuyến thuộc dự án đường cao tốc Bắc - Nam.

Theo thống kê của Cục Đường bộ, hiện cả nước có 29 đoạn tuyến cao tốc do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và trực tiếp quản lý, khai thác.

Các tuyến đường này nằm trong phạm vi quản lý của Bộ Xây dựng và được xây dựng bằng nguồn vốn ngân sách hoặc vốn vay do Nhà nước bảo lãnh. Đây là các tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ thuộc sở hữu toàn dân, cần được quản lý, khai thác hiệu quả theo đúng quy định của pháp luật.

Trước đó, Bộ Xây dựng đã phê duyệt đề án khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đối với 5 đoạn tuyến gồm: Mai Sơn - Quốc lộ 45, Quốc lộ 45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu, Vĩnh Hảo -Phan Thiết và Phan Thiết - Dầu Giây.

Các đoạn tuyến này sẽ là những tuyến đầu tiên thuộc hệ thống cao tốc Bắc - Nam triển khai thu phí từ tháng 1/2026, đánh dấu bước chuyển đổi trong chính sách quản lý và khai thác kết cấu hạ tầng giao thông hiện đại.

Đề xuất phương án thu phí 13 tuyến cao tốc hoàn thành trong năm 2025

Dựa trên tình hình đầu tư, tiến độ hoàn thiện cơ sở hạ tầng thu phí và các điều kiện kỹ thuật liên quan, Cục Đường bộ tiếp tục kiến nghị đưa thêm 13 đoạn tuyến cao tốc vào diện triển khai thu phí.

Các đoạn tuyến được đề xuất bao gồm: Bãi Vọt - Hàm Nghi, Hàm Nghi - Vũng Áng, Vũng Áng - Bùng, Bùng - Vạn Ninh, Vạn Ninh - Cam Lộ, Hòa Liên - Túy Loan, Quảng Ngãi – Hoài Nhơn, Hoài Nhơn - Quy Nhơn, Quy Nhơn - Chí Thạnh, Chí Thạnh - Vân Phong, Vân Phong - Nha Trang, Cần Thơ - Hậu Giang và Hậu Giang - Cà Mau. Đây đều là những tuyến có vai trò kết nối liên vùng quan trọng, đóng góp trực tiếp vào tăng trưởng kinh tế khu vực.

Việc xác định mức phí được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 130/2024/NĐ-CP về thu phí sử dụng đường cao tốc thuộc sở hữu toàn dân.

Theo đó, có hai mức thu được áp dụng: mức 1 là 1.300 đồng/PCU/km đối với các đoạn tuyến cao tốc có đầy đủ 4 làn xe và làn dừng xe khẩn cấp liên tục; mức 2 là 900 đồng/PCU/km áp dụng cho những tuyến có 4 làn xe nhưng làn dừng khẩn cấp không liên tục. Việc phân loại mức phí này nhằm đảm bảo công bằng và tương xứng với điều kiện hạ tầng từng đoạn tuyến.

Căn cứ trên lưu lượng xe dự kiến và mức thu phí nêu trên, trong năm đầu tiên triển khai thu phí (năm 2026), tổng doanh thu từ 13 đoạn tuyến ước đạt khoảng 2.636 tỷ đồng.

Sau khi trừ chi phí vận hành và tổ chức thu phí, ngân sách nhà nước sẽ được bổ sung hơn 2.465 tỷ đồng.

Trong vòng 7 năm khai thác, tổng doanh thu dự kiến lên tới hơn 24.693 tỷ đồng, trong đó số tiền nộp ngân sách nhà nước sau khi khấu trừ chi phí sẽ vào khoảng 23.088 tỷ đồng. Đây là nguồn thu đáng kể giúp giảm gánh nặng cho ngân sách và tăng hiệu quả sử dụng tài sản công.

Bên cạnh đề xuất mở rộng danh mục các đoạn tuyến thu phí, Cục Đường bộ cũng kiến nghị được giao là cơ quan chủ trì tổ chức thu phí trên các đoạn tuyến cao tốc thuộc sở hữu toàn dân.

Đồng thời, Cục sẽ đảm nhiệm công tác quản lý, bảo trì và bảo dưỡng hệ thống kết cấu hạ tầng này theo đúng quy định pháp luật, nhằm bảo đảm chất lượng vận hành, an toàn giao thông và nâng cao hiệu quả sử dụng tài sản công trong dài hạn.

Ngoài ra, trong quá trình khai thác, Cục Đường bộ sẽ tiếp tục nghiên cứu và đề xuất các hình thức quản lý, khai thác phù hợp với điều kiện thực tiễn và xu hướng phát triển của hạ tầng giao thông hiện đại.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Đề xuất thu phí 13 đoạn tuyến cao tốc Bắc - Nam từ năm 2026
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO