Trong nước

Khám phá sự thi vị trước khi chỉnh trang không gian Bến Bạch Đằng

Trữ Quân - Vương Tử Quỳnh 25/06/2024 16:49

Để tìm được phương án kết nối tối ưu cho không gian Công trường Mê Linh phối hợp hài hoà với quần thể đôi bờ sông Sài Gòn trong hình tượng của một cặp âm dương tích cực, trước hết phải tìm hiểu những nét đặc trưng tạo nên sự thi vị của bối cảnh.

Thật thiếu sót nếu đề xuất không gian quảng trường tại Bến Bạch Đằng, TP.HCM bên sông Sài Gòn mà không nói đến tính kết nối với không gian tượng đài Đức Thánh Trần tại Công trường Mê Linh. Sự kết nối này thực hiện thành công thì không gian công cộng này sẽ là hình bán thân của một người đang dang hai tay như đón nhận ai đó, hay thể hiện sự bao dung, che chở, độ lượng. Phần đầu của hình chân dung này chính là vòng xoay Công trường Mê Linh.

cvbd.jpg

Theo quan niệm của phong thuỷ truyền thống Đông phương thì trong vòng xoay cong tròn là nơi tụ khí. Vị trí này lại nằm ở giữa trung tâm đô thị lõi, và cũng là “mặt tiền” đắc địa nhất của TP.HCM (mặt tiền của mặt tiền). Sự phối hợp tạo hình của Công trường Mê Linh với Bến Bạch Đằng thành một chân dung bán thân nhìn ra sông Sài Gòn còn đặc biệt hơn nữa là phía bờ bên kia - bán đảo Thủ Thiêm có dòng nước uốn cong tròn gần như khép kín tạo cho nơi đây là nơi tụ khí rất tốt.

Theo nguyên lý của chuyển động cong, nếu bán đảo Thủ Thiêm là nơi tụ khí (hướng tâm), thì ắt hẳn bên Bến Bạch Đằng có phần cong sông Sài Gòn ăn sang phải là nơi tán khí (ly tâm). Nhưng cái hay ở đây là khi xưa quy hoạch đô thị, người Pháp đã hoạch định được nút giao lộ Công trường Mê Linh là nơi tụ khí. Cho nên ở đây yếu tố âm dương chuyển động luôn có sự cân bằng.

Căn cứ vào đặc tính trên đối với đôi bờ sông Sài Gòn ở Bến Bạch Đằng, cho thấy, thứ nhất, theo cấu trúc vòng tròn âm dương thì nó là ranh giới của đôi bờ, mà nước thì uyển chuyển, linh hoạt cho nên đây là yếu tố khá nhân hoà, trung dung. Thứ hai, về phía bên Thủ Thiêm, như đã nói trên, cũng là bên tụ khí, cho nên đây chính là nửa dương trong cấu trúc vòng tròn âm dương. Và trong tương lai gần, ở đây sẽ có quảng trường trung tâm của TP.HCM hướng ra sông Sài Gòn. Ở phương diện tương quan này, đó là cái đẹp, là cấu trúc không gian âm. Thứ ba là bờ bên Bến Bạch Đằng. Đây là bên tán khí, tức thuộc cấu trúc âm của vòng âm dương. Nhưng ở đây lại có vòng xoay Công trường Mê Linh là nơi tụ khí, thuộc dương. Như vậy là nửa vòng tròn âm này lại chứa yếu tố dương bên trong nó. Thiên cơ lộ diện, quá hoàn mỹ, đăng đối. Một cấu trúc vòng tròn âm dương hoàn hảo, mà nếu quy hoạch bài bản thì nơi đây sẽ hứa hẹn một bộ mặt đô thị xứng tầm quốc tế.

Theo kinh dịch, cũng như triết học hiện đại, vũ trụ vốn là một tổng thể hỗn độn, nhưng luôn tồn tại những mặt đối lập như là âm và dương. Nhờ chuyển động không ngừng của vạn vật, càn khôn mà vũ trụ có thể kiến tạo những tồn tại, đặc trưng cho tính thống nhất và đối lập. Nhờ có tính chất này mà vạn vật sinh sôi nảy nở, nên người ta tin rằng tất cả mọi vật trong vũ trụ đều tồn tại với hai dạng năng lượng âm dương song song, liên hoàn, liên tụ, trong đó, dương tượng trưng cho nguồn năng lượng mạnh mẽ của mặt trời, ánh sáng và sự sống, hướng ngoại, âm tượng trưng cho nguồn năng lượng của mặt đất và bóng tối, hướng nội. Đây là hai mặt đối lập nhau, nhưng tương trợ, hòa hợp lẫn nhau để tạo nên sự sống và duy trì sự sống.

Theo quan niệm ấy thì cấu trúc đôi bờ sông tại trung tâm TP.HCM là cấu trúc theo xu hướng này vì khá ổn định, ít bị ảnh hưởng bởi những yếu tố cực đoan. Tạo hóa đã phú cho nơi đây những yếu tố hài hoà nên ít thấy thiên tai khắc nghiệt, nơi dân cư tứ chiếng sum tụ. Nhưng cái gì cũng có tính hai mặt, đất lành chim đậu, nó sẽ ảnh hưởng đến chỉnh trang và quy hoạch phát triển đô thị, nếu quy hoạch không đi trước được sự phát triển, ắt sẽ bị động và nan giải trong quản lý.

Có thể sẽ bi quan về hiện trạng chỉnh trang đô thị tại Bến Bạch Đằng hiện nay, nhưng hãy bình tĩnh nhìn lại lịch sử. Để có được trung tâm chính trị Ba Đình khang trang, hài hoà và thiêng liêng như ngày nay thì 79 năm trước, cha ông chúng ta trong hoàn cảnh rất khó khăn đã quy hoạch quảng trường này. Vì Hà Nội hồi đó, người Pháp chọn Hồ Gươm là trung tâm kết nối trục Đông - Tây trong chỉnh trang đô thị, chứ không phải khu Quảng trường Tròn. Khu chính trị Ba Đình khi đó còn là khu đất trống hoang sơ. Đầu tháng 8/1945, khi được Chính phủ Trần Trọng Kim bầu làm Thị trưởng Hà Nội, lập tức ông Trần Văn Lai ra lệnh cho dỡ bỏ những di sản liên quan đến thực dân Pháp, lấy tên các danh nhân văn hoá, các anh hùng dân tộc đặt lại cho các địa danh, trong đó có việc đổi tên Quảng trường Puginier (Quảng trường Tròn) thành Vườn hoa Ba Đình để vinh danh tinh thần chống thực dân Pháp của phong trào Cần Vương cuối thế kỷ XIX ở Thanh Hóa. Điều thú vị là ngày 2/8/1945, quyết định trên được đăng báo, thì đúng một tháng sau, ngày 2/9/1945, nơi đây đã diễn ra sự kiện lịch sử vô cùng trọng đại của dân tộc ta: Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà.

Sau 9 năm kháng chiến trường kỳ trở về, cha ông chúng ta, những thế hệ kiến trúc sư đầu tiên như Ngô Như Quỳnh, Hoàng Lâm Tiếp bắt tay vào sửa quy hoạch Vườn hoa Ba Đình. Sau này, dưới sự giúp sức của chuyên gia Liên Xô, cùng với việc xây dựng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và những lần sửa chữa sau, rút kinh nghiêm thực tiễn từ nền quảng trường bê tông vốn không thuận lợi cho xứ nhiệt đới, đến năm 1975 mới có được một quảng trường hình chữ nhật trồng cỏ hài hòa như ngày nay. Thú vị và thiêng liêng ở chỗ, tháng 5/1974, bản thiết kế Quảng trường Ba Đình được phê duyệt và bắt đầu xây dựng thì ngày 2/9/1975, kỳ Quốc khánh đầu tiên của nước Việt Nam thống nhất, Nhà nước đã long trọng tổ chức lễ mít tinh tại đây bằng một lễ duyệt binh hoành tráng.

Như vậy là, để tìm được phương án kết nối tối ưu cho không gian Công trường Mê Linh phối hợp hài hòa với quần thể đôi bờ sông Sài Gòn trong hình tượng của một cặp âm dương tích cực, trước hết phải tìm hiểu những nét đặc trưng tạo nên sự thi vị của bối cảnh. Tức là muốn kết nối được sự phát triển đô thị nơi đây, trước tiên phải chuẩn bị nền tảng đủ mạnh là sự hiểu biết kiến trúc và không gian kiến trúc. Với tính chất tán khí của bên Bến Bạch Đằng, ta lại thấy được ý nghĩa của vòng xoay Công trường Mê Linh là bên tụ khí để điều chỉnh quy hoạch trong chỉnh trang đô thị. Chỉ có sự hiểu biết đúng đắn tổng thể về không gian chung thì mới đề xuất được phương án bố cục chi tiết thế nào cho tương xứng, cho hài hoà, tránh tuyệt đối lối chỉnh trang đô thị tuỳ tiện, nghĩ sao làm vậy.

Muốn biết Công trường Mê Linh cần nên chỉnh trang theo hướng nào thì phải tiếp tục tìm hiểu không gian chung có liên quan đến vòng xoay nhỏ xinh xắn này và tránh lặp lại những sự phát triển cục bộ…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Khám phá sự thi vị trước khi chỉnh trang không gian Bến Bạch Đằng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO