Diễn đàn

Tại sao TP.HCM không có quảng trường?

Trữ Quân - Vương Tử Quỳnh 12/06/2024 - 13:41

Với những ai quan tâm đến không gian đô thị tại TP.HCM chắc chắn sẽ đặt câu hỏi: Tại sao Thành phố lại không có quảng trường? Với một đô thị lớn có vị trí tầm cỡ, có cả dấu ấn lịch sử văn hóa như TP.HCM mà không hề quy hoạch quảng trường, nhất là quảng trường trung tâm thì hẳn là có gì đó không bình thường.

Cho nên, khi nghe thông tin TP.HCM quy hoạch quảng trường ở Thủ Thiêm và bây giờ là quảng trưởng rộng hơn 23.000m2 ở khu vực Công viên 23/9 thì ai chẳng vui mừng, nhất là cái tên này lại là tên của mốc lịch sử Nam bộ kháng chiến, của người dân Sài Gòn - Gia Định - TP.HCM đảm nhiệm sứ mệnh lịch sử đi trước về sau…

dinhdoclapi-3.jpg

Nhưng điều đáng tiếc là khu vực Công viên 23/9 và cả khu vực vòng xoay trước chợ Bến Thành không phải là trục đô thị trọng điểm, nơi đây không được gắn kết với các kiến trúc đặc biệt như dinh Độc Lập hay toà nhà UBND TP.HCM.

Về phương diện thẩm mỹ, Công viên 23/9 tuy góp phần điểm tô cho không gian đô thị nhưng vô tình sẽ làm thiếu đi sự đăng đối của trục đô thị trung tâm mà lẽ ra đại lộ Nguyễn Huệ phải là không gian quảng trường được thiết kế như quảng trường Ba Đình để làm điểm nhấn. Tương tự là không gian Công viên 30/4 trước dinh Độc Lập, một địa chỉ lịch sử, văn hoá không chỉ của riêng TP.HCM - nơi từng diễn ra diễu binh, diễu hành chào mừng ngày đất nước thống nhất, và là một trong hai trục đô thị quan trọng nhất đối với kiến trúc đô thị của thành pố mang tên lãnh tụ Hồ Chí Minh. Thế nhưng, nếu từ trên nóc dinh Độc Lập nhìn xuống, phần cây xanh dường như đã phủ kín hết không gian đại lộ Lê Duẩn.

Vấn đề đạt ra là nếu như đại lộ Lê Duẩn, đoạn từ đường Phạm Ngọc Thạch đến Nam kỳ Khởi nghĩa được thiết kế như đại lộ Hùng Vương trên quảng trường Ba Đình thì sẽ như thế nào. Và mỗi bên đường sẽ lấy vào đất của Công viên 30/4 khoảng 10-15m để có không gian cho một quảng trường đảm bảo việc tổ chức các sự kiện lớn, thì không gian ở trục đô thị này sẽ ra làm sao. Tương tự, đường Nam kỳ Khởi nghĩa đoạn trước dinh Độc Lập tính từ đường Alexandre de Rhodes đến Hàn Thuyên cũng làm vậy để tạo điểm nhấn không gian cho mặt trước toà dinh thự này, thì sẽ như thế nào?

Như vậy, giữa quảng trường 30/4 (nếu có) và quảng trường 23/9 thì không gian nào cần phải ưu tiên thực hiện trước? Đúng là ý tưởng về quảng trường 30/4 muốn thành hiện thực thì phải “bấm bụng” hy sinh một số cây xanh, nhưng bù lại sẽ có được một không gian đô thị, một trục đô thị lõi trung tâm hợp lý.

Vậy trong bối cảnh hiện nay, TP.HCM nên chọn phương án nào để xây dựng quảng trường?

Thật tiếc nuối và khó hiểu, vì sao trước kia, người Pháp lại quy hoạch Sài Gòn với ba trục đô thị cơ bản, nhưng trục quan trọng nhất lúc đó có không gian âm liên quan đến phủ toàn quyền Đông Dương mà lại thiếu liên kết với hai trục còn lại. Cụ thể là trục đô thị Lê Duẩn (hôm nay) kết nối rất yếu với trục đô thị Nguyễn Huệ và trục Lê Lợi. Trục này không có chung khoảng không gian âm nào với hai trục đô thị còn lại. Về mặt văn hoá bản địa, hình như người Pháp có vẻ như không hiểu, hay là muốn làm khác khi xác lập hướng và vị trí của dinh Norodom (vị trí của dinh Độc Lập sau này). Với địa vị là phủ toàn quyền Đông Dương, tức là cơ quan quan trọng nhất của chế độ thực dân, mà họ xác định hướng và vị trí công trình như thế là không đúng với văn hoá bản địa. Nôm na là cơ quan trung ương thì thường ngự ở vị trí hướng về hướng Nam còn dân bá tánh thì theo hướng ngược lại, cúi mặt xưng thần. Vị trí người Pháp xây dựng phủ toàn quyền tại Sài Gòn được xác định là vị trí dinh tổng trấn Gia Định Lê Văn Duyệt triều Nguyễn. Ở vị trí ấy, hướng ấy, Lê Văn Duyệt xây dựng dinh tổng trấn là hợp lý, bởi ông là một bề tôi nên xây dinh thự hướng về kinh đô Huế là bình thường. Nhưng với người Pháp sau đó, họ đã giành giật được tư cách của kẻ thống trị mà làm như vậy chứng tỏ là không hiểu về phong tục văn hoá bản địa của cha ông ta. Nếu như họ hiểu thì toà dinh thự quyền lực này hoặc là phải có hướng ngược lại, hoặc chí ít thì cũng có hướng nhìn ra sông Sài Gòn.

Gỉa sử như hồi đó, người Pháp hiểu được nền tảng văn hoá lâu đời của người Việt Nam mà đặt dinh toàn quyền ở vị trí trên đường Alexandre de Rhodes, mặt tiền của dinh nhìn ra khoảng không gian âm phía trước là Công viên 30/4 ngày nay thì rất có thể trục đô thị liên quan đến công trình này sẽ là trục đô thị quan trọng số 1 cho đến ngày nay, vị trí của dinh Gia Long và toà đô chính (trụ sở UBND TP.HCM này nay) hay nhà thờ Đức Bà chắc chắn sẽ ở nơi khác. Con đường mang tên anh hùng dân tộc Nguyễn Huệ được đặt sau này, có thể sẽ được kéo dài về phía sau nữa, và có thể con sông (ở đường Nguyễn Huệ bây giờ) đã bị họ lấp đi vẫn có cơ hội tồn tại. Nếu như họ quy hoạch được như thế thì sau này, khi phát triển đô thị Thủ Thiêm, chúng ta sẽ kết nối được những không gian âm cho quảng trường trung tâm có tính thẩm mỹ cao. Nhưng lịch sử đã không có chữ “nếu”. Buồn là họ đã “làm hỏng” đáng kể quy hoạch đô thị Sài Gòn.

Đến hôm nay, TP.HCM vẫn còn thiếu không gian quảng trường trung tâm giống như Ba Đình, cho nên phải cân nhắc kỹ xem không gian quảng trường nào cần phải ưu tiên xây dựng. Đó không chỉ là trách nhiệm của chính quyền mà còn phụ thuộc vào sự lên tiếng của xã hội nữa.

Sang năm là sự kiện 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, Thống nhất đất nước, nếu có một không gian quảng trường đúng nghĩa để tổ chức thì càng thêm ý nghĩa.

Tóm lại, không gian quảng trường gắn liền với khộng gian kiến trúc đô thị. Không gian quảng trường thiết kế mở và đẹp thì sẽ góp phần tôn lên giá trị của những công tình kiến trúc chung quanh. Cho nên vấn đề xây dựng không gian quảng trường tại TP.HCM hiện nay là rất cần thiết, nhưng quy hoạch không gian quảng trường phải thật hợp lý để tăng thêm sự hấp dẫn, sự lắng đọng cho kiến trúc tổng thể đô thị, nhất là TP.HCM luôn luôn là một tâm điểm hấp dẫn du khách bốn phương.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Tại sao TP.HCM không có quảng trường?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO