Cuốn sách kinh điển về lịch sử nghệ thuật lần đầu được dịch sang tiếng Việt

Thu Nga| 11/10/2020 07:30

Câu chuyện nghệ thuật", một trong những tác phẩm kinh điển về lịch sử nghệ thuật vừa ra mắt độc giả Việt Nam với phần dịch của Lưu Bích Ngọc.

Câu chuyện nghệ thuật (tên tiếng anh The Story of Art) của nhà sử học nghệ thuật gốc Áo E. H. Gombrich được in lần đầu năm 1950.

Trong 70 năm qua, cuốn sách này đã được dịch ra gần 30 thứ tiếng với hơn 8 triệu bản được bán ra toàn cầu. Ấn bản mới nhất được ra mắt là tái bản lần thứ 16 đã có mặt tại Việt Nam với bản dịch tiếng Việt được dàn số trang tương đương với bản gốc tiếng Anh của nhà xuất bản Phaidon, để đảm bảo tương ứng giữa nội dung và hình ảnh minh họa.

story-of-art-01-9275-1602412672.jpg

Câu chuyện nghệ thuật mang đến cho người đọc cái nhìn khái quát về lịch sử nghệ thuật châu Âu từ thời cổ đại đến hiện đại, dựa trên những khảo sát và đánh giá của Gombrich về nhiều lĩnh vực khác nhau như hội họa, điêu khắc, kiến trúc… song hành với những chuyển biến và giao thoa của các nền văn hóa, chính trị, và tôn giáo.

Thay vì chỉ đơn thuần liệt kê các yếu tố lịch sử và nghệ thuật, E. H. Gombrich tập trung lột tả những thay đổi liên tục trong mục đích nghệ thuật để biến chúng thành dòng chảy chủ đạo cho câu chuyện trong cuốn sách, cũng như chỉ ra sự tương đồng hay đối lập giữa các tác phẩm của mỗi thời đại, từ đó mang đến một cái nhìn bao quát về nghệ thuật châu Âu qua từng thời kỳ.

Bức Những đứa bé lang thang của Bartolomé Estebán Murillo, 1670-1675, sơn dầu trên vải

Bức Những đứa bé lang thang của Bartolomé Estebán Murillo, 1670-1675, sơn dầu trên vải

Với khoảng 60% dung lượng dành cho ảnh màu minh họạ, ấn bản thứ 16 được bổ sung các trang gấp mô phỏng nhiều bức họa cùng tác phẩm khổ lớn, phần chú thích cuối sách cũng được cập nhật đầy đủ hơn so với các phiên bản trước đây… Đặc biệt, 600 trang sách được kể một cách dễ hiểu, không sử dụng bất kì biệt ngữ hay các ẩn dụ lý thuyết phức tạp, bởi ban đầu Gombrich viết cuốn sách với mong muốn dành cho các độc giả trẻ vừa bước chân vào thế giới nghệ thuật.

Tác phẩm mở đầu với câu nói nổi tiếng của Gombrich: "Không có thứ gọi là Nghệ thuật. Chỉ tồn tại những nghệ sĩ". 28 chương sách sau đó đưa người đọc vào hành trình khám phá sự phát triển của nghệ thuật châu Âu lần lượt qua 5 giai đoạn Cổ đại và Trung cổ, Phục hưng và Kiểu cách, Chủ nghĩa Baroque và Tân cổ điển, Thế kỷ XIX và Thời đại hiện đại. 

Bức Căn phòng với người phụ nữ đang gọt táo của Pieter de Hooch, 1663, sơn dầu trên vải

Bức Căn phòng với người phụ nữ đang gọt táo của Pieter de Hooch, 1663, sơn dầu trên vải

Lật giở từng chương, độc giả sẽ được dẫn dắt vào một cuộc hành trình khám phá nghệ thuật châu Âu xuyên suốt từ thời cổ đại. Chương đầu tiên là nội dung khảo sát về nghệ thuật thời tiền sử và các nền văn hóa bản địa. Bốn chương tiếp theo dành riêng cho các nền văn hóa cổ đại quy mô hơn, trong đó không thể không nhắc đến Hy Lạp và La Mã.

Bắt đầu từ chương 8, Gombrich tập trung nói về nghệ thuật Trung Âu và mang đến một cái nhìn toàn cầu hơn trong chương 24 khi đề cập đến nghệ thuật cuối thế kỷ 18 và đầu thế kỷ 19 ở Anh, Pháp và Mỹ.

Ở cuối mỗi chương, hình ảnh minh họa đặc trưng cho giai đoạn sẽ khái quát đặc trưng nghệ thuật và thế giới của người nghệ sĩ trong thời kỳ đó. Những bức tranh này tạo nên một chuỗi ngắn hình ảnh độc lập minh họa cho sự thay đổi trong vị trí xã hội của nghệ sĩ lẫn công chúng, mang đến một bức tranh kiên cố về bối cảnh thế giới vào thời điểm nghệ thuật của quá khứ trỗi dậy.

Bức Thiên Thần của Melozzo de Forlì, 1480, chi tiết trên một bức bích họa

Bức Thiên Thần của Melozzo de Forlì, 1480, chi tiết trên một bức bích họa

Lựa chọn khảo sát nghệ thuật từ góc nhìn lịch sử, E. H. Gombrich mong muốn giúp độc giả hiểu được ý đồ nghệ thuật mà các bậc thầy muốn nhắm tới. Mỗi thế hệ nghệ sĩ, ở mức độ nào đó, đều thực hiện "cuộc cách mạng" chống lại các tiêu chuẩn mà những bậc tiền bối đã đặt ra; mỗi tác phẩm nghệ thuật đều cuốn hút người đương thời không chỉ bằng những điều nó đã đạt được, mà cả bằng những điều nó chưa chạm tới.

Ham muốn trở nên khác biệt có thể không phải là ham muốn tột bậc nhất ở một nghệ sĩ, nhưng không có nghĩa là không có. Và thái độ trân trọng sự khác biệt trong ý đồ của các nghệ sĩ sẽ giúp chúng ta tiếp cận nghệ thuật của quá khứ một cách dễ dàng nhất.

Với cái nhìn chân thực từ góc độ phê bình nghệ thuật với lối viết mạch lạc, dễ hiểu và nền tảng kiến thức đa dạng, E. H. Gombrich đã tạo nên cuốn sách kinh điển, phù hợp với mọi độc giả yêu thích tìm hiểu về nghệ thuật ở nhiều lứa tuổi khác nhau.

"Khó mà cho rằng sự hứng khởi của tôi dành cho ấn bản mới của cuốn sách này là phóng đại khoa trương, nhất là tác phẩm này nằm trong số những cuốn sách trọng tâm của sự nghiệp vĩ đại nhằm mục tiêu mang con người và nghệ thuật đến gần nhau. Cách thiết kế mới tao nhã, mang lại sự tương thích trực quan giữa hình ảnh minh họa và nội dung; cùng sắc màu rực rỡ của các hình ảnh, nhiều trong số đó hoàn toàn mới; và lối diễn đạt sáng sủa đậm tính lan tỏa, đã được cập nhật bổ sung, tất cả kết hợp làm vang danh cho ấn bản này. Một cuốn sách để đọc, đọc đi đọc lại, và, với thiết kế lần này, để thưởng thức một cách đầy nâng niu như một tác phẩm xuất sắc kinh điển" - J. Carter Brown - Giám đốc Danh dự, Phòng trưng bày Nghệ thuật Quốc gia, Washington DC, Chủ tịch, Ủy ban Mỹ thuật Mỹ, 1995.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Cuốn sách kinh điển về lịch sử nghệ thuật lần đầu được dịch sang tiếng Việt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO