Ông Lê Hoài Anh - Giám đốc Điều hành Khu vực Châu Á - Thái Bình Dương của Credit Suisse - nói rằng, kênh huy động vốn từ thị trường các nước hay của tổ chức tài chính quốc tế (sau đây gọi tắt là huy động vốn nước ngoài) giúp doanh nghiệp Việt Nam giảm phụ thuộc vào nguồn vốn trong nước và điều kiện vay không đến nỗi khắt khe.
* Huy động vốn nước ngoài đang được xem là một kênh quan trọng, nhưng trên thực tế, số doanh nghiệp huy động được nguồn vốn này không nhiều. Theo ông, nguyên nhân do đâu?
- Nhà đầu tư nước ngoài quan tâm đến giao dịch với lượng tiền đủ lớn. Nếu là trái phiếu thì mỗi đợt phát hành thường phải từ 200 triệu USD trở lên, còn với cổ phiếu phải từ khoảng 100 triệu USD trở lên.
Huy động vốn nước ngoài đòi hỏi sự chuẩn bị công phu hơn so với huy động vốn trong nước, doanh nghiệp phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định, kể cả luật nước ngoài nếu niêm yết trên thị trường các nước, phải có hệ số tín nhiệm nếu là phát hành trái phiếu, đáp ứng các yêu cầu kiểm toán, minh bạch và thường xuyên cung cấp thông tin cho các nhà đầu tư.
* Ông giải thích thế nào về xu hướng huy động vốn nước ngoài, trong khi doanh nghiệp có thể tìm kiếm nguồn vốn từ nhiều kênh khác?
- Có mấy lý do. Thứ nhất, huy động được nguồn vốn lớn. Ví dụ, doanh nghiệp huy động 50 triệu USD qua phát hành cổ phiếu nếu chỉ dựa vào nhà đầu tư cá nhân trong nước là rất khó, nhưng có thể huy động năm, bảy trăm triệu từ các nhà đầu tư nước ngoài, như Credit Suisse hồi tháng 5 đã huy động lượng vốn lớn cho Vinhomes. Thứ hai, huy động được vốn trung và dài hạn. Việc huy động nguồn vốn từ 5 - 7, thậm chí là 10 năm từ thị trường vốn trong nước là không dễ, nhưng có thể thực hiện được với nguồn vốn nước ngoài.
Đối với nhiều doanh nghiệp, vấn đề quan trọng không chỉ là lượng vốn huy động được, thời gian hoàn vốn, mà còn hướng tới chiến lược tiếp cận thị trường vốn nước ngoài cũng như sự đa dạng các nhà đầu tư trên thế giới.
Credit Suisse đã huy động lượng vốn khá lớn cho Chính phủ, nhà nước và tư nhân của Việt Nam, khoảng hơn 7 tỷ USD kể từ năm 2001. Theo nghiên cứu của chúng tôi, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đang có nhu cầu huy động vốn nước ngoài.
Chúng tôi muốn đồng hành cùng doanh nghiệp từ khi họ mới khởi nghiệp, quy mô nhỏ và đi cùng họ trong thời gian dài, như chúng tôi đã đi cùng Vingroup từ khi mới niêm yết vốn hóa vài trăm triệu, nay trở thành tập đoàn trị giá hàng chục tỷ USD. Hiện nay, chúng tôi không chỉ huy động vốn cho Vingroup mà còn cho các thành viên của doanh nghiệp này, như Vincom Retail, Vinhomes, Vinpearl và Vinfast.
Ông Lê Hoài Anh - Giám đốc Điều hành Khu vực Châu Á - Thái Bình Dương của Credit Suisse |
* Phía tổ chức của các ông có bao giờ từ chối cho doanh nghiệp Việt Nam vay vốn?
- Có thể từ chối vì doanh nghiệp nào đó chưa đáp ứng được các điều kiện về cấu trúc sở hữu, quản trị và minh bạch thông tin. Cạnh đó, tình trạng sổ sách kế toán và kiểm toán, tình hình tài chính, dòng tiền chưa sẵn sàng, hoặc lượng vốn doanh nghiệp định huy động quá nhỏ, chỉ 10 - 20 triệu USD. Nhưng cũng có một vài trường hợp chúng tôi từ chối cho vay tại thời điểm nhất định, nhưng vẫn giúp doanh nghiệp chuẩn bị các điều kiện để có thể huy động vốn nước ngoài.
* Theo ông, điểm khác biệt trong huy động vốn nước ngoài và trong nước là gì?
- Tôi nghĩ vấn đề là cách tiếp cận. Tổ chức tài chính các nước hay quốc tế cho vay trên cơ sở phân tích tổng quan tình hình doanh nghiệp, xu hướng ngành nghề, lĩnh vực tham gia, đánh giá tiềm năng phát triển trong tương lai gần, đội ngũ lãnh đạo, quản lý và dựa vào phân tích tình hình tài chính, dòng tiền. Các khoản vay thường là trung và dài hạn, từ 3 đến 5 năm, có thể dài hơn. Trong khi đó, các khoản vay ngân hàng trong nước chủ yếu vẫn là thế chấp, khoản vay ngắn hơn, quy định sử dụng vốn cũng chi tiết, chặt chẽ hơn.
* Nhưng một cách làm khác có thể đặt giao dịch trước rủi ro?
- Điều đó yêu cầu phải hiểu thị trường và đánh giá, nắm bắt được tình hình doanh nghiệp vay vốn, trong đó chủ doanh nghiệp và ban lãnh đạo, quản lý là yếu tố quan trọng nhất. Chúng tôi phải cảm thấy tin tưởng khi cân nhắc quyết định một khoản vay bên cạnh các yếu tố kỹ thuật, điều kiện tài chính, tình hình hoạt động của doanh nghiệp.
* Cảm ơn ông!