Sự kiện ra mắt phim The Avengers hoành tráng tại rạp |
Nhưng nguyên nhân thực sự không hẳn chỉ là thế, Variety nhận định.
Cuộc chiến đã khơi mào
Suốt nhiều năm qua, không có vấn đề nào có khả năng kích động những cuộc chiến lớn hơn là "theatrical windowing" - thuật ngữ chuyên ngành chỉ thời gian một bộ phim xuất hiện độc quyền tại các rạp chiếu.
Các hãng phim cho rằng họ cần ra mắt các bộ phim trên các nền tảng giải trí tại nhà sớm hơn để có thể đối phó với nạn vi phạm bản quyền và giảm kinh phí cho các chiến dịch PR, tiếp thị đắt đỏ khi ra mắt ở các rạp chiếu.
Các rạp lại có ý kiến trái ngược, nếu thời gian chiếu độc quyền ngắn hơn sẽ ảnh hưởng đến doanh thu bán vé và khuyến khích khán giả bỏ qua việc đi xem ở rạp để đợi đến khi có thể thuê hoặc mua phim.
Hiện tại, hầu hết các phim ra rạp đều không thể mua hoặc thuê được trên bất kỳ nền tảng giải trí tại nhà nào trong suốt 90 ngày, kể từ khi chúng được ra mắt ở các rạp chiếu.
Năm 2017, các hãng phim và những chuỗi rạp lớn đã gần như sắp đạt được một thỏa thuận quan trọng cho phép các nhà phân phối ra mắt các bộ phim theo yêu cầu chỉ sau vài tuần kể từ khi chúng ra rạp. Đổi lại, các rạp chiếu sẽ có được vài phần trăm lợi nhuận từ việc thuê hoặc mua các phim trong khoảng thời gian này. Thời điểm đó, tất cả hãng phim lớn (trừ Disney) đều tham gia vào vài cuộc đàm phán.
Đáng tiếc, chúng đều bị đình trệ và bị cấm khi Disney thông báo kế hoạch mua lại 21st Century Fox. Điều này đã làm yếu đi vị thế của các hãng phim và ngăn việc rút ngắn thời gian chiếu độc quyền ngoài rạp. Vấn đề càng phức tạp hơn khi Warner Bros. - hãng ủng hộ việc giảm thời gian chiếu độc quyền, phải đối phó với những vấn đề nội bộ cấp bách trong thời gian chờ công ty mẹ là Time Warner được bán cho AT&T.
Giá vé xem phim ở Mỹ đang ở mức 9,18 USD/vé, thuê bao Netflix là 11 USD/tháng, Hulu là 8 USD/tháng, Amazon là 8,99 USD/tháng; doanh thu video theo yêu cầu đạt 15.589 triệu USD năm 2018, dự kiến đạt 17.086 triệu USD vào năm 2022. Có 1% người lớn Mỹ được hỏi cho biết họ đi xem phim mỗi ngày, 21% thường chi 10 USD/tháng hoặc ít hơn cho vé xem phim, 19% đi xem phim một lần/tháng. Người Mỹ chi trung bình 107 USD cho xem phim/năm. Tổng doanh thu phòng vé Bắc Mỹ năm 2017 đạt 11,07 tỷ USD, dự kiến là 11,3 tỷ USD vào năm 2021. Năm 2015, tổng số rạp chiếu phim ở Mỹ là 44.000, dự kiến là 47.000 vào năm 2021. So với xem video tại nhà, khi đến rạp xem phim, ngoài tiền mua vé, khán giả Mỹ phải tốn thêm chi phí đi lại và một số vấn đề cần xử lý.
Dù vậy, Warner Bros. (thuộc sở hữu của AT&T) vẫn giữ ý định ra mắt các bộ phim tại nhà sớm hơn và mong muốn thảo luận với các chủ rạp một lần nữa vào năm 2019.
Viễn cảnh tương tự cũng xảy ra với Universal Filmed Entertainment Group, thuộc sở hữu của Comcast, khi Jeff Shell - Chủ tịch của tập đoàn này đã thẳng thắn đề nghị rút ngắn thời gian chiếu độc quyền.
Các hãng phim khác có thể sẽ làm theo, nếu Warner Bros. hay Universal đạt được các bước tiến nhất định.
Đâu là lý do thực sự?
Tuy nhiên, John Fithian - Chủ tịch Hiệp hội Các chủ sở hữu rạp chiếu phim quốc gia của Mỹ tiết lộ gần đây không diễn ra cuộc thảo luận nào. Còn các chủ rạp tin rằng nếu thời gian độc quyền được đem ra bàn luận, họ sẽ ở thế thượng phong. Một khi Disney thành công trong việc mua lại Fox, họ sẽ có được một người bảo vệ vững chắc cho các chiến lược ra mắt truyền thống.
Disney và Fox là 2 hãng phim sở hữu các series nổi tiếng như X-Men, Star Wars, Avatar, Avengers và chiếm hơn 40% thị phần nội địa. Disney hiện chưa thông báo cách Hãng tích hợp Fox vào các hoạt động của mình, nhưng đã báo hiệu cho các chủ rạp rằng Fox Searchlight - hãng phim độc lập của Công ty, sẽ tiếp tục ra mắt các bộ phim ở rạp.
Những bộ phim trước đó của Searchlight là The Shape of Water và Birdman đều nhận được giải Oscar. Không có Fox giúp đỡ thúc đẩy cắt giảm thời gian chiếu độc quyền, Universal và Warner Bros. có thể sẽ nhận ra họ không có đủ sản phẩm để khiến các rạp phim thỏa hiệp.
Bob Iger - CEO của Disney từng cho biết: "Chúng tôi có một hãng phim đang rất thành công và một công thức ra mắt hoàn hảo cho doanh thu phòng vé”. Nhưng các hãng phim đối thủ cảm thấy Disney không thành thật, bởi Công ty đang chuẩn bị ra mắt dịch vụ phát trực tuyến Disney+ và sẽ rút nhiều bộ phim có kinh phí cao khỏi danh sách phát hành trước tại rạp. Chúng bao gồm một bản "làm lại" của Lady and the Tramp với người đóng, phim hài Noelle và một phiên bản của The Sword in the Stone.
Chủ tịch John Fithian bày tỏ thêm: "Ra mắt phim qua các nền tảng giải trí tại nhà cũng ổn thôi, nhưng chúng tôi mong những phim chất lượng có cơ hội đạt doanh thu phòng vé đáng kể vẫn tiếp tục được ra mắt tại rạp chiếu phim. Chúng tôi tự tin rằng Disney sẽ tôn trọng thời gian chiếu độc quyền". Universal và Warner Bros. có những lý do riêng cho việc yêu cầu rút ngắn thời gian độc quyền.
WarnerMedia - cái tên mới cho nhánh giải trí của AT&T, đang chuẩn bị ra mắt dịch vụ phát trực tuyến riêng vào năm 2019 và Comcast đang kỳ vọng có thể khai thác thế giới video kỹ thuật số sâu rộng hơn. Để thành công, các công ty này phải cung cấp những nội dung cao cấp cho người dùng và việc ra mắt phim ở rạp sớm hơn trên dịch vụ có thể gây bất bình cho những người đăng ký.