Vị thế

Hiểu về doanh nghiệp dân tộc

Nhà sử học Dương Trung Quốc 10/02/2024 14:00

Nếu có ai hỏi rằng truyền thống của doanh nhân Việt Nam là gì và có từ bao giờ thì có thể khẳng định một cách tự tin rằng lực lượng ấy chỉ ra đời cùng với công cuộc đổi mới của đất nước.

namcaukien-khat-vong-viet-nam-khuc-trang-ca-cua-doanh-nhan-viet.jpg

Đã từng có khái niệm về một tầng lớp “tư sản dân tộc” xuất hiện trong một giai đoạn lịch sử. Đó là thời kỳ nước ta bước vào thời kỳ “quá độ” để xây dựng một chế độ hoàn toàn mới, hay còn gọi là “thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội” diễn ra tại miền Bắc sau ngày Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà quản lý lãnh thổ nước ta từ vĩ tuyến 17 trở ra theo quy định của Hiệp định Genève (1954).

Khái niệm này nhằm phân biệt với các thành phần kinh tế tư bản chủ nghĩa tồn tại từ chế độ cũ là tầng lớp tư sản thực dân (các nhà kinh doanh chủ yếu là người Pháp), một số chủ doanh nghiệp là Hoa kiều hay Ấn Kiều và “tư sản mại bản” một đối tượng kinh doanh dựa vào thế lực thực dân và cộng tác với những kẻ chiếm đóng (tại vùng tạm bị chiếm sau 1945).

Cho đến khi hoàn thành cuộc chiến tranh giải phóng (1975) và thực hiện thống nhất từ lãnh thổ đến thể chế (1976), thì về căn bản ở miền Bắc đã không còn giai cấp “tư sản dân tộc” nữa. Những nhà “tư sản dân tộc” sau thời gian cải tạo trong các cơ chế “công tư hợp doanh” hay một số tổ chức kinh tế tập thể nay được gọi là “nhân viên bên tư” (cũng được hưởng chế độ hưu trí như cán bộ, công nhân viên nhà nước, nhưng tài sản tham gia hợp doanh nay thuộc về nhà nước).

Trước đó, ngay sau khi nước nhà giành được độc lập (9/1945), Chủ tịch Hồ Chí Minh gọi đó là “các nhà công thương” với tinh thần như một thành phần quan trọng của xã hội và nền kinh tế của quốc gia trong công cuộc bảo vệ nền độc lập non trẻ mới giành được và quan trọng hơn là trong sự nghiệp “xây dựng nền kinh tế và tài chính vững vàng và thịnh vượng” trong mối quan hệ tương hỗ “nền kinh tế quốc dân thịnh vượng nghĩa là các sự kinh doanh của các nhà doanh nghiệp thịnh vượng”.

Khái niệm “Doanh nghiệp dân tộc” cũng cần phải được nhận thức trong sự liên kết, hội nhập ngày càng sâu rộng không chỉ vào thị trường trong và ngoài nước mà cả cơ cấu tổ chức kinh tế theo chiều hương liên kết đa quốc gia.

Đó cũng chính là cơ hội lịch sử để hình thành một lực lượng doanh nhân dân tộc gắn với công cuộc xây dựng một nền kinh tế quốc dân của một quốc gia độc lập. Và trên thực tế, chỉ trong một thời gian rất ngắn không chỉ nguồn lực vật chất như những đóng góp trong “Tuần lễ Vàng”, trong các hoạt động xã hội và chính trị như tổng tuyển cử, chống đói, chống dốt hay đối ngoại, nhiều “nhà công thương” đã tích cực tham gia, kể cả việc cho con em tòng quân giữ nước…

Ngược lịch sử về thời nước ta trở thành thuộc địa của Pháp (bắt đầu từ nửa sau thế kỷ XIX cho đến 1945) nền kinh tế thuộc địa nhằm khai thác tài nguyên và nhân lực của chủ nghĩa thực dân cũng là quá trình quan hệ kinh tế tư bản mà cốt lõi là nền kinh tế thị trường được du nhập tác động theo chiều hướng phục vụ những chính sách thuộc địa. Điều đó dẫn tới sự hình thành một tầng lớp xã hội ban đầu “ký sinh” như một nguồn lực bản địa của công cuộc khai thác thuộc địa. Nhưng cùng với sự tiếp cận với những phương thức kinh doanh mới của một tầng lớp xã hội mà ban đầu là các nho sĩ cấp tiến muốn học hỏi các nước như Nhật Bản, Trung Quốc đã nhận ra cái lạc hậu của các quan điểm Khổng giáo thủ cựu từng chế ngự não trạng xã hội một thời là coi khinh việc kinh doanh, thương mại để mưu sự một cuộc Duy Tân…

Chúng ta vẫn nói đến một nhà nho yêu nước, mang khát vọng duy tân từng là linh hồn của Đông Kinh Nghĩa Thục là Cụ cử Lương Văn Can. Cụ bị thực dân đầy sang Nam Vang (Phnômpênh - Campuchia) nhưng lại bằng hoạt động thực tiễn, cùng gia đình tổ chức các hoạt động thương mại để rồi chính Cụ là người đã viết sách cổ vũ đồng bào tham gia kinh doanh và dấn thân vào thương trường trên nền tảng một “Đạo làm giàu” nhằm chấn hưng đất nước.

Thực ra từ sớm hơn Cụ Lương Văn Can đã xuất hiện những người Việt Nam bước vào kinh doanh hay làm giàu trên việc thâu tóm đất đai thành những điền chủ, chủ các vựa lúa, tham gia chế biến, xuất khẩu gạo ở Nam Kỳ hay một số người làm thầu khoán, khai thác các lĩnh vực dịch vụ, khai mỏ hay mở đồn điền ở Bắc Kỳ... Lịch sử đã ghi nhận tên tuổi những Bạch Thái Bưởi, Nguyễn Hữu Thu, Bùi Huy Tín, Ngô Tử Hạ… như những nhà doanh nghiệp, có những thời điểm kinh doanh đạt tới vị thế khá lớn… cũng đã xuất hiện những “hội buôn” hay công ty nhằm tập hợp nguồn lực… nhưng chưa bao giờ hình thành nổi một đội ngũ “doanh nhân dân tộc” hiểu theo nghĩa nó cấu thành một lực lượng xã hội và một lực lượng kinh tế làm nền tảng cho một chủ nghĩa dân tộc hay những tổ chức mang khuynh hướng chính trị dân tộc giữa lòng xã hội thuộc địa.

Ngay một tổ chức yêu nước dưới hình thức kinh tế như “Công ty Nước Mắm Liên Thành” do những nhà duy tân ở Nam Trung bộ thành lập thì cũng vẫn chưa tạo ra được một lực lượng xã hội và chính tri tương xứng với khái niệm “Doanh nhân dân tộc”.

Trên thực tế, trừ một số doanh nghiệp của người Hoa, phần lớn những doanh nghiệp của người Việt không những không đủ sức tập hợp nhau lại, duy trì vị bền vững vị thế kinh tế của mình. Đơn cử, Bạch Thái Bưởi từng được mệnh danh là “Vua Sông nước Bắc Kỳ”, từng có công xưởng đóng nôỉ một con tàu 600 tấn chạy Duyên hải, chủ mỏ than ở Đông Triều… được Triều đình ban sắc khen thưởng, tham gia nhiều tổ chức kinh tế hay các hội đồng dân cử … nhưng cũng kết thúc sự nghiệp trong cảnh phá sản…

Đi ngược lịch sử để thấy, di sản của toàn bộ thời cận đại trong bối cảnh chung là bị thực dân đô hộ, mất nước chưa thể hình thành một lực lượng xã hội đáng được gọi là “Doanh nhân dân tộc”, quá lắm chỉ có thể điểm được tên tuổi một số doanh nhân và doanh nghiệp Việt Nam, nói đúng hơn là do người Việt Nam làm chủ.

Bởi vậy nếu có ai hỏi rằng truyền thống của doanh nhân Việt Nam là gì và có từ bao giờ thì có thể khẳng định một cách tự tin rằng lực lượng ấy chỉ ra đời cùng với công cuộc đổi mới của đất nước. Lực lượng “Doanh nghiệp đân tộc” ấy còn rất non trẻ, đầy sức phấn đấu nhưng cũng còn phải ngụp lặn, bươn chải giữa vô vàn thử thách không chỉ của thương trường hiện đại, thiên tai, dịch bệnh và cả quá trình hoàn thiện cơ chế pháp luật.

Do vậy, khái niệm “Doanh nghiệp dân tộc” cũng cần phải được nhận thức trong sự liên kết, hội nhập ngày càng sâu rộng không chỉ vào thị trường trong và ngoài nước mà cả cơ cấu tổ chức kinh tế theo chiều hương liên kết đa quốc gia.

Để hiểu đúng “Doanh nghiệp dân tộc”, hãy trở lại với khái niệm phổ quát, linh động và đúng với thực tế hơn là “Doanh nhân Việt Nam trong thời đại hội nhập toàn cầu” và ý thức được rằng thời đại ta đang sống mới chính là cơ hội để xây dựng một “Doanh nghiệp dân tộc” với những nội hàm mới mẻ gắn với công cuộc hội nhập, toàn cầu hóa.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Hiểu về doanh nghiệp dân tộc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO