Đó là nhận xét của TS. Liz Allen thuộc Trường Đại học ANU xếp hàng đầu nước Úc khi trả lời phỏng vấn cho đài sắc tộc SBS mới đây. Theo bà, ngay cả khi cửa biên giới sắp tới được mở hoàn toàn đi nữa thì tỷ lệ gia tăng dân số 1% hằng năm vẫn khó thể nào đạt được. Và đó sẽ là một tai họa cho nền kinh tế và các doanh nghiệp vốn đã kêu gào thiếu nhân lực từ trước khi có dịch cúm xuất hiện.
Thủ hiến bang NSW vừa nhậm chức Dominic Perrottet cũng vừa phát biểu là nước Úc không những cần mở cửa biên giới sớm, mà còn phải có chính sách di trú khẩn cấp và khôn ngoan để thu hút ngay nguồn nhân công quốc tế mà đặc biệt là đội ngũ di dân có tay nghề cao, trước khi họ đi đến các nước khác.
Một quan điểm và chủ trương được cho là hoàn toàn đảo ngược lại so với người tiền nhiệm là cựu thủ hiến Gladys Berijiklian. Covid-19 là tác nhân của sự thay đổi lớn này.
Tờ báo về kinh tế hàng đầu của Úc là Australian Financial Review thì cho biết là nhiều quan chức cao cấp trong chính phủ bang NSW còn đề nghị thủ hiến mới nên xem xét tăng số lượng di dân lên đến con số 2 triệu người hằng năm trong vòng 5 năm tới.
Đây là con số kỷ lục trong lịch sử thu hút di dân của Úc có vẻ đang được cả giới chuyên gia và chính khách ủng hộ. Nói như TS. Liz Allen, thời điểm này là thời điểm mang tính bước ngoặt về chính sách di dân của Úc nhằm tái thiết nền kinh tế thời hậu Covid-19, không khác gì thời hậu chiến tranh thế giới năm 1945.
Mà cũng đúng, mọi sự đều bắt đầu từ con người và do con người vận hành. Nên không có con người, không có nhân công thì làm sao tái thiết, đừng nói chi phát triển. Và nền kinh tế càng tổn thương thì nhu cầu tái thiết càng lớn.
Một bài toán nhân sự thật đơn giản nhưng vô cùng khẩn trương không chỉ dành riêng cho bang NSW hay nước Úc, mà cho tất cả thành phố, quốc gia khác trên thế giới.