"Làn sóng VUCA" - doanh nghiệp Việt đã sẵn sàng?

So Vy| 23/06/2020 01:55

Không chỉ dịch Covid-19 vừa qua, giải pháp cho các "làn sóng" VUCA sắp tới vẫn là bài toán khó nhằn với nhiều doanh nghiệp (DN) lớn, nhỏ tại thị trường Việt Nam.

Covid-19 - một "làn sóng" VUCA?

V.U.C.A là thuật ngữ dùng để miêu tả tình trạng bất định của thị trường, là từ viết tắt từ 4 chữ cái đầu tiên của Volatility, Uncertainty, Complexity, Ambiguity. Sự biến động mang tên VUCA khiến các DN phải đau đầu trước những xu hướng thay đổi liên tục trong nền kinh tế và các mô hình kinh doanh. 

Và Covid-19 chính là một trong những "làn sóng" VUCA ảnh hưởng trực tiếp và rõ nét nhất đến các DN cũng như tất cả mọi người trên thế giới. Không một DN nào dám đưa ra giải pháp để kiểm soát dịch Covid-19 một cách tự tin bởi thông tin liên quan đến Covid-19 quá phức tạp cả về mặt y khoa, kinh tế và tác động có liên quan. Dù Covid-19 đã lên đến "đỉnh" dịch và có khả năng giảm dần nhưng "nút thắt" của các DN thì vẫn còn đó.

"Nút thắt" của DN trong bối cảnh Covid

Trong đợt dịch vừa rồi, ngành du lịch là một trong những ngành thê thảm, vì tới giờ nguồn khách nước ngoài vẫn chưa vào, thậm chí mọi người còn có phong trào 'Người Việt Nam du lịch cho Việt Nam', nhưng con số này rất thấp. Các resort ở Việt Nam tới tháng 6 mới bắt đầu mở cửa, nhiều resort chấp nhận mở cửa cuối tuần và mức độ trả lương đều cắt giảm. Trong 7 năm hoạt động, đây là lần đầu tiên The Cliff đứng trước thử thách như vậy", bà Phùng Kim Vy - Chủ tịch HĐQT The Cliff Resort - một khách sạn 4 sao ở Mũi Né, cho biết.

Ông Dương Phú Nam - Tổng giám đốc Sun World cũng chia sẻ: "Trong đợt Covid-19 vừa rồi, Sun World là đơn vị bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Hiện tại, ngành du lịch biến đổi khá nhanh, khách hàng giờ đây đa số tự tổ chức du lịch và sử dụng các thiết bị công nghệ để hỗ trợ, thay vì liên lạc qua các công ty du lịch. Nếu các công ty du lịch hay những DN kinh doanh vui chơi giải trí không dự đoán, thay đổi thích ứng theo thị trường thì chắc chắn sẽ chậm chân hơn đối thủ, không đủ chủ động và không thích ứng kịp với sự thay đổi này, từ đó dẫn đến không tiếp cận được khách hàng cũng như gây mất kiểm soát".

2-Ong-Duong-Phu-Nam-Tong-giam-1428-4755-

Ông Dương Phú Nam

Gỡ nút thắt với mô hình 'năng lực linh hoạt chủ động'

Trải qua mùa Covid-19, sự thật đã chứng minh, các DN có thể vượt qua chính là nhờ những khả năng ứng biến hay thích nghi trước sự biến đổi đột ngột không hề báo trước này. Thế nhưng, 'VUCA World' hiện đã là thế giới mà mọi DN phải đối mặt hằng ngày.

Câu hỏi đặt ra ở đây là liệu DN có thể tiếp tục "bị động" hứng chịu "làn sóng" Covid thứ hai, thứ ba, hay thậm chí là một cơn khủng hoảng tồi tệ hơn không? Để có thể đón đầu từng cơn sóng dễ dàng thay vì chờ chúng ập đến thì người lướt sóng cần có kỹ thuật và tinh thần sẵn sàng mà ở đây điều các DN cần chính là khả năng thích ứng linh hoạt.

Nâng cao năng lực thích ứng linh hoạt sẽ giúp DN có thể nắm bắt, thậm chí là dự đoán tốt hơn các khả năng xảy ra. Từ đó có các bước xây dựng kế hoạch kinh doanh phù hợp và tiết kiệm thời gian, chi phí nhất trong cả thời điểm hiện tại lẫn tương lai. Nhờ đó, sự phát triển bền vững cũng được đảm bảo, vững chắc hơn. 

Mô hình thích ứng linh hoạt được đưa ra trong buổi hội thảo về năng lực thích ứng linh hoạt (Agility) do Trường doanh nhân Dale Carnegie tổ chức đã 'mở ra chân trời mới' cho rất nhiều nhà lãnh đạo hàng đầu.

Thứ nhất, tốc độ phục hồi dựa vào "năng lượng dự trữ" của DN: 

Trong đợt dịch vừa qua, có DN xem đó là "cửa tử" nhưng cũng có DN xem đó là cơ hội để kiểm tra lại niềm tin, niềm tin giữa nhân viên với lãnh đạo, niềm tin với sản phẩm và chất lượng dịch vụ của DN.

Bà Nguyễn Trịnh Khánh Linh - Chủ tịch, Tổng giám đốc Dale Carnegie Việt Nam chia sẻ thêm: "Tôi cũng có một vài người bạn không may mắn rơi vào tình trạng mắc bệnh nặng, nhưng tinh thần chiến đấu, sự tự tin, lạc quan hướng về những điều tốt đẹp chính là liều thuốc tốt nhất giúp họ vượt qua bệnh tật. Đó chính là những yếu tố mà chúng tôi gọi là "nguồn năng lượng dự trữ". Sức mạnh tinh thần sẽ tạo ra sức mạnh thể chất. 

Với các tổ chức, DN, khả năng phục hồi có thể hiểu là thái độ tích cực, cởi mở trước những thông tin tiêu cực và sự tự tin về khả năng có thể đối diện với nghịch cảnh. Thái độ tích cực này cần được làm gương bởi người lãnh đạo cấp cao và lan tỏa đến đội ngũ nhân viên của mình. Có được sự tự tin, DN sẽ sẵn sàng để chuyển đổi, bước ra khỏi vùng an toàn, thử nghiệm những hướng đi mới. Và để làm tốt, DN cần cung cấp những nguồn lực cần thiết để đội ngũ nhân sự có thể tự làm chủ công việc của mình.

4-Ba-Nguyen-Trinh-Khanh-Linh-C-1148-5566

Bà Nguyễn Trịnh Khánh Linh

Thứ hai là vấn đề tận dụng 'trí tuệ xã hội' trong thực tiễn

"Trí tuệ xã hội" được hiểu là khả năng giao tiếp một cách hòa hợp với mọi người xung quanh. Con người vốn là một loài có tính quần thể, nên khả năng tương giao là điều mang ý nghĩa sống còn để chúng ta có thể sống chan hòa, hạnh phúc trong mọi tập thể, cộng đồng

Trong môi trường thích ứng linh hoạt, sẽ rất vất vả để một DN tự vượt qua gian khó một mình. Chúng ta sẽ cần có người cộng sự, người đồng hành hay có thể hiểu là một đội ngũ phía sau đồng lòng chung tay đưa ra giải pháp. Khi đó, khả năng thích ứng sẽ tăng lên rất nhiều.

Một hình dung cụ thể trong ứng dụng trí tuệ xã hội đó là: nhà lãnh đạo cần tạo tâm lý an toàn cho đội ngũ của mình khi lắng nghe và chia sẻ ý kiến, đóng góp những ý tưởng mới, giải pháp mới.

"Khi chúng ta chia sẻ ý tưởng, hoặc nhân viên chia sẻ ý tưởng, họ sẽ dễ rơi vào trạng thái không an toàn về tâm lý, cảm thấy sợ ý tưởng của mình không được hay, dẫn đến không hiểu rõ mục tiêu, mục đích mình đang làm, ảnh hưởng đến kết quả chung. Vì vậy, người lãnh đạo khuyến khích cho nhân viên đưa ra ý kiến, thể hiện tinh thần lắng nghe hết sức có thể", đại diện VMG chia sẻ.

Khi nhà lãnh đạo muốn tạo ra sự an toàn về tâm lý, điều đầu tiên là thay đổi bản thân, thay đổi cách tiếp cận, điều đó sẽ tạo ra sự an toàn về tâm lý cho đội ngũ nhân viên.

Thứ ba, hài hòa 'công cụ' (yếu tố mang đến nguồn lực) và 'quy trình' (yếu tố mang đến sự hỗ trợ)

Nếu có sức mạnh tinh thần, có chủ đích nhưng không có công cụ trong tay, không biết tương tác hay phân tích mọi thứ như thế nào thì chắc chắn chúng ta không thích ứng linh hoạt được.

Các DN cần những công cụ là hệ thống giúp tương tác với nhân viên và khách hàng một cách hiệu quả nhất, giúp phân tích những gì đang diễn ra xung quanh để đặt mình vào đúng bối cảnh. Tuy nhiên, cần phải đảm bảo hệ thống của mình đang được hỗ trợ bởi những quy trình giảm thiểu mọi yếu tố về quan liêu, tập trung hoàn toàn vào hiệu quả, giúp chúng ta đạt được mục đích nhanh nhất có thể.

Một ví dụ rõ nét là trường hợp của "Thế Giới Di Động". Họ đã đạt được hiệu quả rất lớn nhờ vào hệ thống ERP tích hợp mọi chức năng. Điển hình như khi "Thế Giới Di Động" có sự thay đổi về giá sau khi họp bàn chiến lược, họ chỉ cần thay đổi tại trụ sở chính và những giá được thay đổi sẽ tự động hiển thị ngay trên màn hình LED tại tất cả cửa hàng của "Thế Giới Di Động."

Cuối cùng, không bỏ quên 'năng lực hành động' để thích ứng

Điều tập trung lớn nhất khi chúng ta nói đến xây dựng năng lực để hành động cho tổ chức có hai yếu tố quan trọng:

Sẽ không ai muốn đến công ty khi có một đội ngũ không tôn trọng và không yêu thương nhau, họ phải sẵn lòng hợp tác và hỗ trợ nhau. Không thể nào đạt được mục tiêu nếu không cùng đi. Chính vì thế khả năng hợp tác hiệu quả giữa các phòng ban là yếu tố tiên quyết.

Tiếp theo là cung cấp cho đội ngũ khả năng quản trị khi có sự thay đổi. Thay đổi diễn ra hằng ngày, nếu như đội ngũ của chúng ta chưa sẵn sàng ứng phó trước thay đổi sẽ đánh mất cơ hội. VUCA không chờ đợi một ai, đón đầu "lướt sóng" hay bị động "chờ thời", DN của bạn phải nhanh chóng lựa chọn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
"Làn sóng VUCA" - doanh nghiệp Việt đã sẵn sàng?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO