GS. Berman - tác giả quyển sách Điệp viên hoàn hảo X6 - Cuộc đời hai mặt phi thường của Phạm Xuân Ẩn, phóng viên Reuters, Time, New York, Herald Tribune... và tướng tình báo chiến lược Việt Nam kể, nhờ quyển sách viết về cuộc chiến ở Việt Nam Không hòa bình, không danh dự: Nixon, Kissinger và sự phản bội ở Việt Nam của ông mới giúp ông nhận được cái gật đầu của Tướng Ẩn. Trước đó, có một số tác giả Mỹ ngỏ lời với hợp đồng lên đến nửa triệu USD để viết về tướng tình báo Phạm Xuân Ẩn nhưng ông đều từ chối.
Tướng Ẩn là con người hài hước, nói tiếng Anh rất giỏi. Khi Tướng Ẩn chưa đồng ý cho viết hồi ký về mình, GS. Berman đã tìm đến các trung tâm lưu trữ tài liệu để tìm hiểu cuộc chiến tranh do Mỹ gây ra ở Việt Nam và về ông Ẩn, nhưng tài liệu về việc làm tình báo của Tướng Ẩn không có, chỉ có những người cùng làm việc với ông vẫn nhớ tới một nhà báo rất thu hút người khác vì nhiệt tâm với nghề. Tướng Ẩn nói với ông rằng, người Việt chỉ muốn hòa bình, muốn yên ổn làm ăn. Người Việt muốn tự quyết định vận mệnh của đất nước mình chứ không muốn bị kèm cặp bởi thế lực bên ngoài.
Càng chuyện trò với Tướng Ẩn, GS. Berman càng thấy được vẻ đẹp của những người yêu nước Việt Nam, trong đó có bà Nguyễn Thị Ba - một giao liên cho cụm tình báo H63 suốt 15 năm trời trong vỏ bọc là người bán hàng rong. Để phục vụ Phạm Xuân Ẩn đưa tin tình báo về chiến khu, một nửa trong số những giao liên vũ trang đã hy sinh để đất nước có ngày hòa bình.
GS Larry Berman chỉ vào bức thư của bà Nhàn cảm ơn tác giả quyển sách |
Một vẻ đẹp nữa mà GS. Berman nhận ra qua lời kể của Tướng Ẩn là mong ước khi đất nước hòa bình, người Việt và người Mỹ bắt tay nhau làm hòa. Tướng Ẩn được bố trí du học nghề báo ở Mỹ để chuẩn bị cho công việc tình báo sau này. Ở đó, ông học được cách đối xử nhân văn giữa con người với con người.
Sự phát triển của Mỹ quốc thời bấy giờ là điều Phạm Xuân Ẩn mong mỏi cho Việt Nam - một nền văn hóa lúa nước mới chạm ngưỡng văn minh hiện đại. Điều này gây ra sự ngạc nhiên cho GS. Berman: Tại sao ông chiến đấu với kẻ thù mà lại ngưỡng mộ đất nước của kẻ thù. Cả khi hòa bình đến, Tướng Ẩn đã gửi lời xin lỗi tới những người bạn Mỹ mà mình phải giấu chân tướng thật vì đại nghĩa và mong nhận được sự thông cảm. Đa số họ đều không thay đổi thái độ vì biết được lòng yêu nước của Phạm Xuân Ẩn, dù trong vai diễn của mình, ông không giấu giếm mà thẳng thắn nói lên lòng yêu nước, nói lên chính kiến của mình.
GS. Berman dần dà khâm phục vị tướng Việt Nam, ông hiểu Tướng Ẩn chiến đấu vì tự do cho đất nước chứ chẳng phải cho riêng ông nên sự thù hằn không có trong ông. Dù là người chiến thắng, người Việt ấy vẫn rất khiêm nhường, điều mà GS. Berman cũng nhận ra có ở nhiều người Việt Nam khác mà ông trò chuyện.
Tình cảm của GS. Berman với Tướng Ẩn đã hình thành tình yêu Việt Nam trong ông. Giáo sư đã xem gia đình Tướng Ẩn như người thân của mình. Vợ con Tướng Ẩn đã giúp giáo sư tìm các kỷ vật khi Tướng Ẩn quá yếu. Đối với giáo sư, bà Nhàn - vợ Tướng Ẩn là hình ảnh người phụ nữ Việt Nam tận tụy sát cánh với chồng trong gian khó, hiểm nguy. Anh Hoàng Ân - con trai Tướng Ẩn là hình bóng của Phạm Xuân Ẩn.
Giáo sư không làm gì để ảnh hưởng đến danh tiếng của những người ông yêu mến. Ngược lại, ông muốn đưa những hình ảnh tiêu biểu của người Việt ra thế giới để giải thích tại sao người Việt đứng lên bảo vệ đất nước mình. Cả Tướng Ẩn và giáo sư đều muốn gửi gắm qua quyển sách mong ước Việt Nam và Mỹ bỏ lại thù hận phía sau và bình thường hóa quan hệ ngoại giao.
GS. Berman đã đến Việt Nam hơn 70 lần kể từ ngày gặp Tướng Ẩn ở sân thượng khách sạn Rex và sau này để thực hiện các chương trình hỗ trợ du học cho con em người Việt. Nếu Tướng Ẩn còn sống, ông sẽ rất vui khi thấy GS. Berman góp phần thực hiện ước mơ của mình là hàn gắn quan hệ Việt - Mỹ, hàn gắn những vết thương chiến tranh. Càng đến Việt Nam nhiều, GS. Berman càng yêu mến Việt Nam.
Giáo sư đang viết một quyển sách về nạn nhân chất độc màu da cam ở Việt Nam để cảnh báo hậu quả của cuộc chiến vẫn còn kéo dài. Những quyển sách về chiến tranh Mỹ - Việt của GS. Berman chỉ nhắm đến một thông điệp: Chiến tranh là vô nghĩa, là mang lại sự bất hạnh cho con người. Con đường chấm dứt chiến tranh bao giờ cũng cần đến đối thoại, đàm phán để có được hòa bình.