Tìm cơ hội trong nguy khốn

DNSG| 22/04/2023 08:00

Trong tất cả các rủi ro xảy đến thì cái mà chúng ta sợ nhất là tinh thần. Các nhà lãnh đạo phải thấy cái rủi ro, nhìn nó như một sự thách thức để chúng ta vượt qua và chúng ta coi đó là cơ hội. Trong quyển sách tôi đưa ra công cụ là bạn không nhìn cái gì là nguy cơ mà bạn hãy gọi là cơ trong nguy”, đó là chia sẻ của ông Mã Thanh Danh - Phó tổng giám đốc Tập đoàn Kido, Chủ tịch HĐQT Công ty Tư vấn quốc tế CIB, đồng thời cũng là tác giả của cuốn sách “Chinh phục cơn hoảng loạn”.

Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn xin giới thiệu cuộc trò chuyện với ông Mã Thanh Danh về nội dung cuốn sách Chinh phục cơn hoảng loạn.

* Trong thời gian bùng phát dịch Covid-19 ở Việt Nam nói chung và ở TP.HCM nói riêng, bản thân ông có bị khủng hoảng hay không? Ông đã làm thế nào để xử lý được cơn khủng hoảng?

- Tất cả chúng ta đều hoảng loạn bạn ạ, không những cá nhân mà tất cả các doanh nghiệp. Từ đó với vai trò là phó tổng về quản trị rủi ro toàn tập đoàn, thì tôi thấy là mình nên sử dụng những kinh nghiệm của mình để xử lý rủi ro. Đó là lý do tại sao tôi viết tác phẩm Chinh phục cơn hoảng loạn để đúc kết những vấn đề xảy ra, đề ra những công cụ cũng như biện pháp giúp cho chúng ta giả sử có đối mặt thêm những cuộc khủng hoảng kế tiếp nữa vẫn có đủ tư liệu và kinh nghiệm để cùng nhau vượt qua cơn khủng hoảng.

* Ông đã áp dụng những giải pháp nào để giúp bản thân và doanh nghiệp?

- Tập đoàn chúng tôi đã đưa ra tới 17 kịch bản, trong đó tôi đưa ra khái niệm là không ai cứu chúng ta được bằng chính chúng ta. Đặc biệt là các nhà lãnh đạo phải có cái đầu tỉnh táo, nhìn thấy là phải tồn tại trước khi phát triển. Chúng ta thường thấy hai chữ là nguy cơ nhưng mà đảo ngược lại, cơ hội nào trong nguy và từ đó vạch ra những kịch bản cụ thể. Trong trường hợp Covid-19 kéo dài 2 tháng 3 tháng phải làm thế nào? Trong trường hợp ở nhà máy có nhiều người bị nhiễm Covid-19 thì làm sao để chuỗi cung ứng không gián đoạn? Trong từng kịch bản phải có giải pháp. Chúng tôi xây dựng một đội khẩn cấp lúc nào cũng cập nhật thông tin và ứng phó kịp thời. Tôi từng nói mọi người trong công ty là hãy xem đây là cơ hội chứ đừng coi là nguy cơ, giúp vực dậy tinh thần anh em, cùng nhau đoàn kết vượt qua những tình huống khẩn cấp, vượt qua được cái cơn đại dịch này.

ông Mã Thanh Danh - Phó tổng giám đốc Tập đoàn Kido, Chủ tịch HĐQT Công ty Tư vấn quốc tế CIB, đồng thời cũng là tác giả của cuốn sách “Chinh phục cơn hoảng loạn”

ông Mã Thanh Danh - Phó tổng giám đốc Tập đoàn Kido, Chủ tịch HĐQT Công ty Tư vấn quốc tế CIB, đồng thời cũng là tác giả của cuốn sách Chinh phục cơn hoảng loạn

* Ông nhận xét gì về sự thay đổi lối sống và hành vi mua sắm sau đại dịch?

- Sau đại dịch, người tiêu dùng tiết kiệm hơn, phòng thủ hơn. Cộng với bối cảnh hiện nay lạm phát đang gia tăng toàn cầu thì người tiêu dùng bây giờ họ rất tiết kiệm và dè xẻn, chỉ chi cái gì thiết yếu thôi, giảm tiêu dùng xa xỉ. 

Giờ đây, mọi người “work from home” hoặc là chúng ta chia thời gian làm việc nửa ở văn phòng, nửa tại nhà thì nhu cầu về hàng thời trang hay phụ kiện cũng giảm dần. Thêm nữa khi ra ngoài uống cà phê hay ăn nhà hàng, chúng ta ưng lựa chọn không gian ngoài trời hơn vì có cảm giác an toàn hơn.

Do đó người tiêu dùng hiện nay có 3 xu hướng thường thấy. Thứ nhất họ sẽ tiết kiệm hơn, chi tiêu vào những gì cần thiết yếu và hành vi thì muốn tìm những nơi an toàn. Từ lúc đi mua sắm, lúc thư giãn uống cà phê cũng đòi hỏi tính an toàn. Từ hồi có đại dịch đến nay, chúng tôi có khái niệm là phải an toàn thì mới sản xuất kinh doanh, sản xuất kinh doanh là phải an toàn. Tất cả sản phẩm mới của chúng tôi bây giờ đều cộng thêm vitamin, khoáng chất, giúp người dùng tăng cường sức khỏe.

* Ông nhắn các bạn trẻ ứng phó với những rủi ro như thế nào?

- Trong tất cả các rủi ro xảy đến thì cái mà chúng ta sợ nhất là tinh thần. Các nhà lãnh đạo phải thấy cái rủi ro, nhìn nó như một sự thách thức để chúng ta vượt qua và chúng ta coi đó là cơ hội. Trong quyển sách tôi đưa ra công cụ là bạn không nhìn cái gì là nguy cơ mà bạn hãy gọi là cơ trong nguy. Ví dụ từ tập đoàn của chúng tôi, chúng tôi thấy là trong mùa lockdown thì đứt gãy chuỗi phân phối, chúng tôi không thể phân phối hàng kem tới người tiêu dùng được nhưng mà tôi đặt câu hỏi là người tiêu dùng họ có nhu cầu ăn không, vẫn có. Như vậy thì mình không tới được họ thì mình phải làm gần họ hơn và tôi phân phối đến gần các chung cư các chuỗi tiện lợi, các kênh online. Ở nhà họ vẫn ăn kem được, ăn kem để giảm stress. Trong công cụ tôi nói là hãy nghĩ người ta không đến mình được thì mình phải đến với người ta và đó là cơ hội tốt nhất mà chúng ta không có đối thủ. Như thế thì các bạn hãy suy nghĩ là trong nguy lúc nào cũng có cơ và chúng ta hãy nhìn cơ hội trong nguy trước.

* Các doanh nghiệp startup sẽ đối mặt với rủi ro gì? Ông có lời khuyên gì cho các doanh nghiệp mới thành lập?

- Doanh nghiệp khởi nghiệp trong bối cảnh bình thường không bị khủng hoảng thì bản chất họ cũng là yếu rồi các bạn. Thường tôi mentor các doanh nghiệp startup thì thấy các bạn chỉ có một điểm yếu thôi là yếu toàn diện. Các bạn chỉ có khát khao thôi, đúng không? Mà trong môi trường càng biến động thì bạn càng bị khó khăn hơn nữa nhưng mà tôi khuyên các startup là chúng ta hãy nên thu gọn lại và tập trung về mục tiêu chiến lược, một mũi nhọn thôi, các bạn đừng quá dàn trải. 

Như bạn mơ thì mơ thật xa nhưng mà hành động phải thật gần, các bạn tiếp cận thị trường thì phải vô được rồi hãy phát triển. Tôi gặp rất nhiều bạn trẻ vạch ra kế hoạch rất dài nhưng bây giờ mình phải trụ được thị trường cái đã, rồi mình mới phát triển. Và đặc biệt trong cuộc khủng hoảng hai năm vừa qua thì tất cả những mô hình startup tôi thường đặt một câu hỏi cuối cùng là nếu giả sử có dịch Covid-19 tới, có biến chủng tới thì doanh nghiệp bạn và bạn làm sao vượt qua được?

Những mô hình biz model nào mà startup vượt qua được thì mô hình mới bền vững. Và tôi nhắc cho các bạn là bạn hãy chịu khó đầu tư vào xây dựng những mô hình có thể vượt qua được dịch Covid. Chẳng hạn như chuyển đổi số, các bạn sống trên nền tảng số và một điều may mắn cho startup là chính dịch Covid-19 đã giúp doanh nghiệp, trong khi có một số ngành lại trở về từ đầu. Ví dụ bây giờ bạn khởi nghiệp ngành du lịch thì bạn thấy những ông lớn trong ngành cũng bắt đầu lại, khởi nghiệp ngành F&B thì bạn thấy bây giờ nó cũng bắt đầu lại. Những doanh nghiệp mà càng nhiều chuỗi thì trong dịch Covid càng bị tổn hại. Do đó doanh nghiệp startup phải xây dựng được mô hình mới, luật chơi mới và chính các bạn là người tạo luật chơi mới.

cuốn sách Chinh phục cơn hoảng loạn.

Bìa cuốn sách Chinh phục cơn hoảng loạn

* “Nghĩ lớn, bắt đầu nhỏ và hành động nhanh”, đó có phải là điều ông muốn nhắn gửi các startup không?

- Khi các bạn khởi nghiệp về nền tảng số, các bạn nên khởi động các mô hình về chuyển đổi số. Các bạn thấy trong mùa dịch vừa qua chúng ta vẫn coi Netflix và nền tảng coi phim kỹ thuật số tăng trưởng nhiều nhất. Trong những ngày vừa qua, các bạn thấy những mô hình chuyển đổi số vẫn phát triển được. Ví dụ như chuỗi Chuk - Chuk chúng tôi vẫn ra và hiện nay chúng tôi lên tới 100 rồi. Trong lúc hoảng loạn có khi lại là cơ hội để chúng ta phát triển và tái lập lại, ra một thương hiệu mới với một tư thế mới, với một sự sẵn sàng mới. Vì thế, luôn phải chuẩn bị các kịch bản để chúng ta vượt qua những khó khăn. 

Đó là lời khuyên các startup, chúng ta hãy bắt đầu xác lập lại cuộc chơi và nếu chúng ta có mô hình tốt, mô hình chuyển đổi số tốt thì chúng ta vẫn tăng trưởng trong thời đại hiện nay.

* Cảm ơn ông.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Tìm cơ hội trong nguy khốn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO