Sáng 20/4/2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị công bố và triển khai quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn đến 2050 và hội nghị toàn quốc về đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng công tác quy hoạch thời kỳ 2021-2030. Hội nghị công bố và triển khai quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn đến 2050 lấy chủ đề "Tư duy mới - Tầm nhìn mới - Cơ hội mới - Giá trị mới", được kết nối trực tuyến đến 63 điểm cầu là các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong cả nước.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, quy hoạch tổng thể quốc gia có ý nghĩa rất quan trọng và được xây dựng dựa trên định hướng quy hoạch tổng thể quốc gia đã được Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII thông qua tại Kết luận số 45-KL/TW ngày 17/11/2022. Tại phiên bế mạc Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: "Ban Chấp hành Trung ương đã dành nhiều thời gian để nghiên cứu, thảo luận, tạo sự thống nhất cao về sự cần thiết phải ban hành và tổ chức thực hiện thật tốt quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2050, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trung ương xem đây là nhiệm vụ chính trị rất quan trọng có ý nghĩa chiến lược, cơ bản, lâu dài, nhưng cũng là vấn đề rất rộng lớn, rất mới, rất khó, rất nhạy cảm và chưa có tiền lệ".
Quy hoạch tổng thể quốc gia lần đầu tiên được xây dựng ở nước ta, là quy hoạch vừa mang tính tổng thể, vừa mang tính chiến lược, bao trùm mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội và được lập cho 10 năm (trước đây chỉ có chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của cả nước). Do đó, việc quy hoạch tổng thể quốc gia được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 81/2023/QH15 là một bước quan trọng và có thể được đúc kết lại trong 12 chữ "tư duy mới - tầm nhìn mới - cơ hội mới - giá trị mới".
Quy hoạch tổng thể quốc gia là căn cứ pháp lý, công cụ quan trọng giúp Nhà nước hoạch định, kiến tạo động lực, không gian phát triển, bảo đảm tính kết nối đồng bộ giữa quy hoạch cấp quốc gia với quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh, nhằm khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của đất nước để phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bao trùm và bền vững (hay nói cách khác quy hoạch tổng thể quốc gia là căn cứ để lập quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch sử dụng đất quốc gia, quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng và quy hoạch các địa phương); đẩy nhanh việc thực hiện đột phá chiến lược về phát triển hạ tầng; đồng thời loại bỏ các quy hoạch chồng chéo, cản trở phát triển, gây khó khăn cho việc huy động các nguồn lực của doanh nghiệp và người dân, phát huy tối đa các nguồn lực trong hoạt động đầu tư và phát triển của cả đất nước, của từng vùng và từng địa phương với tầm nhìn dài hạn, tổng thể.
Sau khi được Quốc hội thông qua, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp với các bộ, ngành và địa phương xây dựng chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 81/2023/QH15 ngày 9/1/2023 của Quốc hội và Kế hoạch thực hiện quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, trình Chính phủ ban hành, triển khai.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng công bố Nghị quyết số 81/2023/QH15 của Quốc hội về quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Những nội dung chủ yếu của quy hoạch gồm quan điểm phát triển, mục tiêu phát triển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, các định hướng phát triển không gian kinh tế - xã hội, phát triển hệ thống đô thị và nông thôn quốc gia, định hướng phát triển không gian biển, định hướng phát triển và phân bố không gian các ngành quan trọng, định hướng phát triển hạ tầng cấp quốc gia...
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, thực hiện Nghị quyết số 81/2023/QH15 ngày 9/1/2023 của Quốc hội, Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp với các bộ, ngành và địa phương xây dựng chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 81/2023/QH15. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã xây dựng, xin ý kiến và hoàn thiện dự thảo nghị quyết trình Chính phủ. Nội dung dự thảo nghị quyết đã cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp và giao trách nhiệm cho các bộ, ngành và địa phương tổ chức triển khai thực hiện quy hoạch tổng thể quốc gia.