Giải pháp để phát triển logistics

Hồng Nga| 12/10/2022 01:46

Logistics là ngành dịch vụ có quy mô lên đến 22 tỷ USD, chiếm 20,9% GDP của cả nước, tốc độ tăng trưởng hằng năm từ 20-25%. Tại TP.HCM, trong những năm qua, tốc độ tăng trưởng doanh thu dịch vụ logistics của doanh nghiệp (DN) TP.HCM bình quân 14%/năm. Tỷ trọng đóng góp của logistics vào GRDP TP.HCM năm 2018 ước đạt 8,3%, năm 2019 xấp xỉ 8,7%. Tuy nhiên...

Yếu về hạ tầng và nhân lực 

Chia sẻ tại Diễn đàn Logistics TP.HCM 2022 hồi cuối tuần qua, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Phan Thị Thắng cho biết, thành phố đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng doanh thu dịch vụ logistics của DN TP.HCM đạt 15% vào năm 2025 và đạt 20% vào năm 2030; tỷ trọng đóng góp của logistics vào GRDP của thành phố đến năm 2025 đạt 10% và đến năm 2030 đạt 12%; góp phần kéo giảm chi phí logistics cả nước so với GDP quốc gia đến năm 2025 còn khoảng 10-15%.

Thế nhưng, hiện nay ngành logistics của TP.HCM còn rất yếu. TP.HCM chiếm 31% số DN logistics cả nước và 54% số DN logistics chuyên nghiệp. Điều đáng nói là DN logistics TP.HCM chỉ có ưu thế về hoạt động nội địa, chủ yếu cung cấp dịch vụ logistics giản đơn 2 PL, đóng vai trò như vệ tinh cho DN cung cấp dịch vụ logistics tích hợp (3 PL, 4 PL) của nước ngoài. Bên cạnh đó, DN logistics có quy mô nhỏ và vừa nên thường gặp khó khăn về vốn đầu tư và đào tạo, giữ chân nguồn nhân lực chất lượng cao. DN logistics ứng dụng công nghệ thông tin cũng còn nhiều hạn chế, phần lớn website thiếu các tiện ích mà khách hàng cần, như công cụ theo dõi đơn hàng, theo dõi chứng từ, xem lịch tàu, e-booking... 

Bên cạnh đó, hạ tầng logistics cũng quá yếu và thiếu. TP.HCM vẫn còn thiếu các trung tâm logistics để làm nơi lưu trữ, chuyển tải hàng hóa. Với mức tăng trưởng sản lượng 36,7%/năm, kéo theo lượng ô tô lưu thông tăng cao (cao điểm trên 3.000 lượt/ngày) dẫn đến tình trạng ùn tắc giao thông xảy ra thường xuyên trên các tuyến đường kết nối vào cảng (đường số 1, đường số 2) và cả trên xa lộ Hà Nội. Trong khi đó, cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất thường xuyên quá tải.

Theo đề án phát triển logistics TP.HCM đến năm 2025 và tầm nhìn 2030 của Sở Công Thương TP.HCM, căn cứ vào nhu cầu sản xuất, lưu thông hàng hóa trong khu vực và xuất nhập khẩu, đồng thời trên cơ sở rà soát nguồn quỹ đất hiện có, thành phố cần có 7 trung tâm logistics đạt chuẩn. 

-6168-1665546635.jpg

Đầu tư cho tương lai

Bên cạnh đầu tư về hạ tầng, nguồn nhân lực đóng vai trò quan trọng trong phát triển bền vững ngành logistics ở Việt Nam. Tuy nhiên, hiện nay nhân lực ngành logistics thiếu về số lượng và yếu về chất lượng. Theo tính toán của ông Lê Huỳnh Minh Tú - Phó giám đốc Sở Công Thương TP.HCM, bình quân mỗi DN có 20 người và với nhu cầu tăng trưởng ấy, DN TP.HCM sẽ cần 8.400-10.000 lao động/năm. Tuy nhiên, các trường đại học, cao đẳng, trung học nghề trên địa bàn chỉ đào tạo được 2.500 sinh viên, học viên/năm, mới đáp ứng được 30% nhu cầu. Giảng viên và cơ sở vật chất phục vụ đào tạo nhân sự cho logistics vẫn còn thiếu và chất lượng chưa cao. Chương trình đào tạo chưa được chuẩn hóa, phù hợp với đòi hỏi của thực tiễn Việt Nam và thương mại, hàng hải quốc tế. Trong đào tạo và tuyển dụng, việc hợp tác giữa các trường và DN chưa chặt chẽ...

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, ngay từ bây giờ cần phải có định hướng phát triển nguồn nhân lực cho ngành logistics, cần phải đẩy mạnh đào tạo nghề về logistics, định hướng đào tạo kỹ năng nghề theo dự báo nhu cầu về chuyển đổi số trong ngành logistics. Cụ thể, hình thành và phát triển trung tâm đào tạo nguồn lực logistics của toàn vùng. Tăng cường hội nhập, hợp tác quốc tế trong đào tạo, nghiên cứu, kết nối đào tạo giữa nhà trường và DN để nâng cao chất lượng đào tạo học viên, sinh viên các ngành, nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành logistics Việt Nam. Về lâu dài, nhân lực sẽ là yếu tố quyết định giúp DN logistics Việt Nam nhanh chóng bắt kịp với các nước, nâng cao tính cạnh tranh, mở rộng thị trường trong nước, khu vực và quốc tế.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Giải pháp để phát triển logistics
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO