Trong nước

Đề xuất tăng cường quản lý phụ thu của các hãng tàu nước ngoài kinh doanh tại Việt Nam

Nguyễn An 25/03/2024 11:46

Cục Hàng hải Việt Nam vừa tham mưu cho Bộ Giao thông Vận tải đề xuất Bộ Tài chính bổ sung phụ thu của hãng tàu đối với hàng hoá container vào đối tượng kê khai giá trong dự thảo Nghị định hướng dẫn Luật Giá năm 2023.

Đây là một trong những nội dung vừa được Cục Hàng hải Việt Nam gửi tới Hiệp hội Nữ doanh nhân Việt Nam liên quan đến việc tăng cường quản lý phụ thu của các hãng tàu nước ngoài.

van-chuyen-container-bang-duong-bien3.jpg
Các hãng tàu nước ngoài đang thu khoảng gần 10 loại phí, phụ phí với các doanh nghiệp xuất nhập khẩu Việt Nam

Theo đó, để tăng cường công tác quản lý giá các loại phụ thu của hãng tàu, Bộ Giao thông Vận tải đã đề xuất Bộ Tài chính bổ sung phụ thu của hãng tàu đối với hàng hoá container vào đối tượng kê khai giá trong dự thảo Nghị định hướng dẫn Luật Giá năm 2023.

Theo quy định tại Nghị định số 146/2016/NĐ-CP thì giá phụ thu của hãng tàu đối với hàng hóa thuộc danh mục niêm yết giá. Vì vậy các hãng tàu được tự quyết định các loại phụ thu và mức giá, trong trường hợp thay đổi theo hướng tăng giá, hãng tàu phải niêm yết 15 ngày trước khi áp dụng mức giá mới.

Do việc niêm yết giá không quản lý được tình trạng các hãng tàu tăng giá và tăng các loại phụ thu như hiện nay, dẫn đến tình trạng một số loại phụ thu không phản ánh đúng chi phí giá thành, ví dụ phụ thu chứng từ, hãng tàu đang thu với giá 800.000-900.000 đồng/bộ.

Ngoài ra, các hãng tàu nước ngoài còn đang thu 10 loại phụ phí khác như phụ thu chứng từ, xăng dầu, vệ sinh container, giảm thải lưu huỳnh, phí cân bằng container... Tuy nhiên, mức giá và các loại phụ thu này do hãng tàu tự quyết định, không có sự thỏa thuận và gây ảnh hưởng lớn tới khách hàng.

Trong khi đó, chủ hàng Việt Nam không phải là người đàm phán ký hợp đồng vận chuyển nên các điều khoản về phụ thu mà hãng tàu đưa ra, chủ hàng buộc phải chấp nhận để lấy được hàng.

Bên cạnh đó, theo quy định hiện nay, các hãng tàu cung cấp dịch vụ vận chuyên hàng hóa container bằng đường biển khi hoạt động tại Việt Nam không phải đăng ký tuyến vận tải cố định. Do đó, vấn đề mở tuyến, hủy tuyến, bổ sung hay rút tàu đều do hãng tàu tự quyết định.

Điều này đã dẫn đến thực trạng có nhiều trường hợp hãng tàu bỏ chuyến, chậm chuyến ảnh hưởng đến lịch trình vận tải và kế hoạch sản xuất của các doanh nghiệp xuất nhập khẩu trong thời gian qua.

Để giải quyết thực trạng trên và tăng cường công tác quản lý hoạt động vận tải, Cục Hàng hải Việt Nam đang nghiên cứu đề xuất bổ sung cơ chế quản lý tuyến vận tải cố định vào dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 58 của Chính phủ, hướng dẫn Bộ luật Hàng hải Việt Nam về quản lý hoạt động hàng hải theo hướng yêu cầu tổ chức, cá nhân hoạt động vận tải xuất nhập khẩu hàng hóa tại cảng biển Việt Nam theo tuyến cố định phải thực hiện đăng ký tuyến.

Qua đó, góp phần bảo đảm các hãng tàu thực hiện vận tải theo đúng lịch trình và kế hoạch vận tải. Đồng thời, giúp cơ quan quản lý Nhà nước điều tiết được hoạt động của cảng biển để phù hợp với công suất được quy hoạch.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Đề xuất tăng cường quản lý phụ thu của các hãng tàu nước ngoài kinh doanh tại Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO