Giá lúa Đông Xuân: Không thể ép người bán

VÂN ANH| 12/03/2010 05:19

thực Việt Nam (VFA) tự định giá thành sản xuất 2.200 đồng/kg lúa và “bảo hiểm” giá mua tại kho doanh nghiệp 4.000 đồng/kg lúa.

Giá lúa Đông Xuân: Không thể ép người bán

Để bảo đảm cam kết với Chính phủ, quý I/2010 xuất 1,2 triệu tấn gạo, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) tự định giá thành sản xuất 2.200 đồng/kg lúa và “bảo hiểm” giá mua tại kho doanh nghiệp 4.000 đồng/kg lúa.

Hiện tỉnh Đồng Tháp chỉ mới thu họach hơn 1/3 diện tích lúa đông xuân, nhưng nông dân vẫn khó bán lúa. Tại huyện Tân Hồng, bà con nông dân phải bán lúa với giá dưới 3.700 đồng/kg. Một số người thu mua lúa ở tỉnh Kiên Giang cho biết, đã bị lỗ vì lỡ mua vào nhưng không bán được do giá lúa cứ giảm dần.

Đến thời điểm này, tỉnh An Giang đã thu hoạch được 35.000/230.000ha lúa đông xuân, năng suất từ 7,3-7,5 tấn/ha, giá thành sản xuất lúa tại An Giang khoảng 2.740 đồng/kg. Ông Vương Bình Thạnh, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh An Giang đề nghị các doanh nghiệp mua lúa cho nông dân giá 4.200 đồng/kg trở lên và hy vọng VFA có kho tồn trữ để thu mua hết lượng lúa có trong dân. Ông Thạnh đề nghị Chính phủ sớm ban hành nghị định điều hành kinh doanh và xuất khẩu gạo để ổn định thị trường.

Ông Trương Thanh Phong, Chủ tịch VFA, tại Hội nghị Tổng kết xuất khẩu gạo năm 2009 và Triển khai công tác thu mua lúa gạo hàng hóa vụ đông xuân 2009-2010 (ngày 2/3/2010) ở An Giang, nói: “Chất lượng lúa năm nay rất thấp. Các tỉnh chưa tính được giá thành nên VFA buộc phải đưa ra giá thành làm định hướng giá mua”.

Có vẻ như VFA ám chỉ người tạo sức ép giảm giá là “hàng xáo”, vì thế mà ông yêu cầu: “hàng xáo” muốn mua lúa phải đăng lý với doanh nghiệp, mua làm sao bảo đảm nông dân có lãi. Đối với doanh nghiệp, phải mua như giá đã thỏa thuận với “hàng xáo”, dù giá xuống thấp; “hàng xáo” phải “khai lý lịch” người bán lúa, gồm họ tên, địa chỉ, giá lúa do nông dân bán. Các doanh nghiệp sẽ hợp tác với các Sở Công Thương để quản lý “hàng xáo” - ông Phong, tỏ vẻ cương quyết.

Tuy nhiên, theo nhiều thương lái từng đưa ghe vô vùng sâu mua lúa, cách ấn định giá thành sản xuất 2.200 đồng/kg lúa và mức “bảo hiểm” giá lúa 4.000 đồng/kg, làm giá mua lúa không thể cao hơn được. Hơn nữa, ai mua lúa làm gì khi các doanh nghiệp không thể bán thấp hơn giá bán tính bằng USD do VFA công bố!

Cũng tại hội nghị trên, ông Nguyễn Hữu An, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật An Giang bức xúc nói: “Hiệp hội Lương thực Việt Nam đã làm thiệt hại lớn cho người trồng lúa. Bởi giá thành sản xuất vụ đông xuân này, nếu thuê đất thì khoảng 3.400 - 3.600 đồng/kg lúa, nếu là đất nhà là 2.800 đồng/kg lúa chứ không phải 2200 đồng/kg, do giá phân bón, nông dược, xăng dầu tăng cao, kéo theo các dịch vụ cày xới, bơm nước, dặm lúa, nhổ cỏ tăng theo".

Trưởng Phòng Nông nghiệp - Phát triển nông thôn huyện An Phú, tỉnh An Giang, kỹ sư Huỳnh Thanh Phong, cho biết, một số nông dân sản xuất giỏi, áp dụng thành thạo các biện pháp “một phải, năm giảm” mới hạ được giá thành sản xuất xuống 3.200 đồng/kg lúa, mà giá bán quy định 4.000 đồng/kg theo mức giá “bảo hiểm” của VFA, chênh lệch giá đầu vào và giá bán khoảng 20%, thấp hơn vụ thu đông, giá lúa từ 5.500 - 6.200 đồng/kg, lời từ 2.500 - 3.000 đồng/kg lúa.

Ông Nguyễn Văn N. - một thương nhân ngành lúa gạo (không thích nêu tên) ở Cần Thơ, nhận xét, cách tạo dư luận thị trường của các tổng công ty giống như gậy ông đập lưng ông khi nói về quyết tâm mua dự trữ, cách ấn định giá thành định hướng và lượng hàng tồn kho. Các nước nhập khẩu nhìn vô giá này thì chắc chắn phải kềm giá thấp.

Cũng theo ông này, năm 2010, VFA ấn định kế hoạch xuất khẩu 6 triệu tấn gạo và đưa ra giá sàn xuất khẩu cho các doanh nghiệp thành viên 400 USD/tấn. Điều đó có thể chấp nhận được, nhưng định giá mua lúa của nông dân thì quả là họ muốn trở lại thời “ngăn sông cấm chợ”. Trong khi kêu gọi người trồng lúa làm tốt mọi giải pháp kỹ thuật để hạ giá thành sản xuất lúa, tăng thêm lợi nhuận, tăng sức cạnh tranh thì nay lại bị VFA ém giá?

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Giá lúa Đông Xuân: Không thể ép người bán
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO