S&P 500 và chỉ số công nghiệp Dow Jones vừa kết thúc tháng 8 tốt đẹp nhất trong gần 40 năm qua |
Chứng khoán Mỹ thăng hoa
Thị trường chứng khoán Mỹ ngày cuối cùng của tháng 8 đã ghi nhận tăng điểm phiên thứ 5 liên tiếp với hầu hết chỉ số. S&P 500 và chỉ số công nghiệp Dow Jones vừa kết thúc tháng 8 tốt đẹp nhất trong gần 40 năm qua với các mã blue-chip tăng trung bình 7,6%. Đây cũng là tháng thứ năm S&P 500 tăng liên tiếp, trung bình 7%. Ngoài ra, chỉ số công nghệ Nasdaq cũng tăng 9,6% trong tháng 8, ghi nhận mức tăng hàng tháng tốt nhất kể từ năm 2000.
Tuy vậy, các chỉ số tương lai ghi nhận mức tăng không đáng kể, hoặc gần như không thay đổi, với Dow Jones tăng khoảng 20 điểm. Các hợp đồng tương lai của S&P 500 và Nasdaq 100 đều ít thay đổi.
Vào tháng 8, các công ty hàng đầu trong S&P 500 trong lĩnh vực khai thác du lịch, hãng hàng không và khách sạn đã sản xuất trở lại. Trong số đó, Royal Caribbean và MGM Resorts đều tăng khoảng 40%, FedEx và Gap tăng 30%.
Các nhà đầu tư đang chờ đợi một báo cáo việc làm quan trọng vào thứ sáu tuần này, dự báo sẽ cho thấy bảng lương tiếp tục phục hồi trong tháng 8. Các nhà kinh tế được thăm dò bởi Dow Jones dự báo 1,255 triệu việc làm đã được tạo ra trong tháng 8.
FED giải nguy nền kinh tế?
"Đối với chỉ số việc làm của Mỹ, điều quan trọng cần lưu ý là chính sách mục tiêu lạm phát mới của Cục Dự trữ Liên bang (FED) có thể ảnh hưởng đến các thị trường", Kristina Hooper của CNBC trích lời Giám đốc Chiến lược thị trường toàn cầu của Invesco.
"Thông thường, một báo cáo việc làm tốt sẽ làm dấy lên lo ngại rằng FED có thể thắt chặt hơn chính sách tiền tệ để chủ động chống lạm phát và sự phát triển quá nóng của nền kinh tế. Mối quan tâm đó đã bị gạt ra ngoài lề, ít nhất là vào lúc này, với chính sách mới của FED", Hooper nói.
Trong một sự thay đổi chính sách lớn, vào thứ năm tuần trước, FED thông báo họ sẽ cho phép lạm phát tăng cao hơn mục tiêu trước khi xem xét tăng lãi suất. Chủ tịch FED Jerome Powell nói cơ quan này sẽ tìm cách nhắm mục tiêu lạm phát trung bình 2% theo thời gian, có nghĩa là nó có thể cho phép lạm phát vượt qua mức đó trong thời kỳ kinh tế phục hồi sau đại dịch.
Điều này ngay lập tức khiến giá vàng và Bitcoin bật tăng trở lại ngay phiên giao dịch ngày hôm sau và cũng khiến chỉ số USD giảm 0.68% so với phiên trước.
Sau khi FED công bố những thay đổi cách thức quản lý lạm phát và thất nghiệp, phân tích mới từ Goldman Sachs ủng hộ dự đoán trước đó rằng ngân hàng trung ương sẽ giữ lãi suất thấp cho đến khoảng năm 2025.
FED hy vọng sự thay đổi này sẽ giúp thúc đẩy thị trường lao động bằng cách giữ lãi suất thấp trong thời gian dài và do đó cung cấp thêm hỗ trợ cho nền kinh tế. Vào đầu năm nay, FED đã giảm lãi suất xuống gần 0 để hỗ trợ nền kinh tế trong những ngày đầu của đại dịch Covid-19. Vào thời điểm đó, FED chỉ ra rằng lãi suất sẽ vẫn ở mức thấp cho đến khi "tự tin rằng nền kinh tế đã vượt qua các sự kiện gần đây và đang đi đúng hướng để đạt được mục tiêu việc làm tối đa và ổn định giá cả".
Theo số liệu từ Cục Phân tích Kinh tế Hoa Kỳ (BEA), GDP quý II/2020 của Mỹ đã giảm xấp xỉ 33% - mức giảm thấp nhất trong lịch. Trước đó, kinh tế Mỹ đã giảm 5% trong ba tháng đầu năm nay và chính thức rơi vào suy thoái do đại dịch Covid-19, chấm dứt chuỗi tăng trưởng kéo dài liên tục hơn 10 năm - giai đoạn tăng trưởng dài nhất trong lịch sử Mỹ.
Theo BEA, mức sụt giảm GDP trong quý II năm nay của Mỹ cao gấp gần 4 lần con số đỉnh điểm gây ra bởi cuộc khủng hoảng tài chính cách đây hơn 10 năm. Khi đó, GDP Mỹ giảm 8,4% trong quý IV/2008.
Dennis Lockhart - Chủ tịch của Fed Atlanta từ năm 2007 đến năm 2017, là một trong số các nhà kinh tế và chuyên gia đã nêu ra khả năng xảy ra một cuộc suy thoái "kép" trong nền kinh tế Mỹ, nghĩa là nền kinh tế quay trở lại thời kỳ suy giảm sau một thời gian ngắn phục hồi.
Ông cũng đề cập đến số lượng đơn xin trợ cấp thất nghiệp đã đạt hơn 1 triệu trong tuần kết thúc vào ngày 22/8/2020 dựa trên số liệu từ Bộ Lao động, lần thứ 22 số đơn xin thất nghiệp vượt mốc 1 triệu trong 23 tuần gần đây.
Trước Lockhart, các nhà hoạch định chính sách và nhà kinh tế nổi tiếng khác đã cảnh báo về khả năng sụt giảm kép bao gồm Chủ tịch FED của thành phố Kansas Esther George và cựu Chủ tịch Morgan Stanley châu Á Stephen Roach.
Theo CNN, các nền kinh tế phát triển hàng đầu thế giới đều chính thức rơi vào tình trạng suy thoái theo số liệu cập nhật nhất đến cuối ngày thứ sáu với thông tin từ Canada. Sản lượng kinh tế Canada giảm 11,5% trong khoảng thời gian từ tháng 4 đến tháng 6, mức sụt giảm mạnh nhất trong các kỷ lục kể từ năm 1961.
Canada đã cùng với Pháp, Đức, Ý, Nhật Bản, Vương quốc Anh và Hoa Kỳ báo cáo nền kinh tế đã suy thoái đáng kể trong nửa đầu năm 2020 do đại dịch Covid-19.