DN ồ ạt triển khai
Cuối năm 2019, Công ty CP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú đã thực hiện dự án xây dựng lộ trình chuyển đổi số hướng đến tối ưu hóa quy trình vận hành, giảm thiểu chi phí và nâng cao năng lực sản xuất với mục tiêu trở thành công ty công nghệ thủy sản trong top đầu thế giới.
Theo kế hoạch đến năm 2045, Minh Phú sẽ chiếm 25% thị phần tôm thế giới nên mục tiêu chiến lược đặt ra là tự động hóa sản xuất, xây dựng hệ thống liên kết chặt chẽ thông tin cũng như hoạt động trong chuỗi giá trị kinh doanh của cả công ty, thiết lập KPI hiệu quả... Trong đó, trọng tâm là triển khai số hóa chuỗi giá trị, nâng cao năng suất lao động, giảm thiểu thời gian xử lý, tối ưu hóa quy trình và chi phí vận hành.
Ông Lê Văn Quang - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Minh Phú cho biết: “Việt Nam đã có sẵn lợi thế về chế biến tôm khi có điều kiện nuôi tự nhiên rất tốt. Minh Phú muốn bứt phá vươn lên thì phải thay đổi, và chuyển đổi số là con đường tất yếu, giúp công ty có bước phát triển đột phá về cả vị thế, năng lực và quy mô tăng trưởng, nâng cao giá trị cạnh tranh trên toàn cầu”.
Hoạt động sản xuất tôm tại Fimex VN |
Cũng như Minh Phú, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cũng triển khai ứng dụng hệ thống HRM giúp tự động hóa các thao tác về quản lý giám sát nhân sự, công tác quản trị và phát triển nguồn nhân lực chuyên nghiệp, hiện đại tạo nền tảng vững chắc cho hoạt động của ngân hàng.
Ngân hàng TMCP Quân Đội cũng ứng dụng hệ thống tự động nhận dạng và trích xuất thông tin từ hình ảnh để trích xuất dữ liệu từ hồ sơ đăng ký của thành viên, giúp đẩy nhanh quy trình nhập liệu từ vài phút xuống còn 2-3 giây. Hay như Tập đoàn Tân Hiệp Phát ứng dụng cổng dịch vụ hợp nhất đã giải quyết được “nút thắt cổ chai” trong quá trình phê duyệt hồ sơ, rút ngắn từ 1-5 ngày xuống còn 30 phút...
Tiềm năng không giới hạn
Nhu cầu ứng dụng chuyển đổi số đang phổ biến trong DN và tiềm năng cũng như cơ hội từ thị trường chuyển đổi số là không giới hạn. IDC dự đoán năm 2021 sẽ là năm của dịch vụ đám mây khi đại dịch Covid-19 cho thấy nhu cầu quan trọng đối với sự linh hoạt trong kinh doanh. Đến năm 2022, hơn 90% DN trên toàn thế giới sẽ dựa vào nền tảng đám mây để có một cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin mạnh, có thể mở rộng và tối ưu hiệu quả về chi phí. Nhu cầu chuyển đổi số những năm gần đây đã tăng trưởng nhanh và sẽ ngày càng cao sau khi kết thúc dịch bệnh.
Theo các chuyên gia, những sản phẩm tích hợp và tận dụng sức mạnh của các công nghệ lõi như trí tuệ nhân tạo, vạn vật kết nối, dữ liệu lớn, điện toán đám mây... có thể giúp DN hoạch định và tối ưu bài toán vận hành, cắt giảm từ 30-70% chi phí. Công nghệ của chuyển đổi số cũng giúp nâng cao trải nghiệm khách hàng liền mạch. Điều này giúp DN nhanh chóng có những đột phá về mô hình và tốc độ kinh doanh. Đơn cử như tại FPT, chuyển đổi số đã giúp tự động hóa đến 50% nghiệp vụ nội bộ, tăng 20% năng suất lao động, giảm 70% thời gian phê duyệt và quản lý nhân sự hiệu quả, gắn kết nhân viên, tạo kênh tương tác trực tiếp đến lãnh đạo, góp phần xây dựng thương hiệu nội bộ cho DN...
Tại Việt Nam, các DN, đặc biệt là DN ngành tài chính - ngân hàng đã ứng dụng AI như là một trợ lý ảo tổng đài giúp tự động xác thực thông tin khách hàng và nhắc lịch thanh toán, giúp DN thực hiện hàng trăm nghìn cuộc gọi mỗi tháng thay vì vài chục ngàn cuộc gọi trước đây của tổng đài viên. Nhờ có các trợ lý ảo mà các chuyên viên tổng đài có thể tập trung vào các hoạt động phức tạp và đòi hỏi chuyên môn cao hơn, tối ưu các nguồn lực của DN.
Ở góc độ của một nhà cung cấp các giải pháp số hóa cho DN, ông Trương Gia Bình - Chủ tịch HĐQT FPT khẳng định: “Chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn thế giới, là phương thức quan trọng giúp các DN, tổ chức đạt được những thành công mới. Để tham gia vào cuộc chơi lớn này, điều mà mỗi DN cần nhất không phải ở sự am hiểu công nghệ hay đầu tư bài bản, to lớn mà là dám dấn thân và bắt đầu hành trình của mình”.