Đón dòng dịch chuyển đầu tư
Đón dòng dịch chuyển chuỗi cung ứng và dòng vốn đầu tư nước ngoài là một trong những cơ hội của nền kinh tế. Bên cạnh những chính sách ổn định từ Chính phủ cần sự nỗ lực nâng cao tính thích ứng và chuyển đổi theo hướng xanh hóa, số hóa của doanh nghiệp (DN).
Theo TS. Cấn Văn Lực - Kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ Quốc gia, nền kinh tế có nhiều động lực tăng trưởng trong năm 2023 và cả năm 2024, như nhiều tập đoàn lớn trên thế giới dịch chuyển chuỗi cung ứng và dòng vốn đầu tư nước ngoài chảy mạnh vào Việt Nam, thị trường Trung Quốc mở cửa trở lại, đầu tư công được đẩy mạnh, lạm phát và lãi suất ngân hàng đang giảm, tỷ giá ổn định, dư nợ xấu trong tầm kiểm soát…
Ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Trung Quốc vẫn là “công xưởng của thế giới” và chiếm khoảng 30 sản lượng sản phẩm của thế giới. Quốc gia này sở hữu những lợi thế cạnh tranh nổi bật như cơ sở hạ tầng tương đối hoàn thiện, trình độ nhân lực cao và có khả năng hội nhập sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Tuy nhiên, việc giá lao động Trung Quốc tăng cao khiến thị trường này không còn thu hút được đầu tư nhiều như trước. Và từ năm 2022, các tập đoàn lớn trên thế giới có xu hướng dời chuỗi cung ứng ra khỏi những khu vực bất ổn chính trị, ảnh hưởng chiến tranh Nga - Ukraine.
Hiện các công ty như Apple đã giảm bớt việc thành lập nhà máy ở Trung Quốc, và khi lựa chọn ngoài Trung Quốc để di chuyển nhà máy sản xuất, Việt Nam nổi lên như một điểm cần đến với khoảng cách gần, nhân công có tay nghề với chi phí cạnh tranh và cơ sở hạ tầng đang được đầu tư phát triển. Trong bối cảnh địa - chính trị trên thế giới phức tạp, Việt Nam tiếp tục thu hút các nhà đầu tư lớn từ các nước trong lĩnh vực công nghệ bởi luôn ổn định chính trị.
Làn sóng đầu tư trong lĩnh vực công nghệ chắc chắn sẽ còn tăng trong bối cảnh Việt Nam đã nâng cấp mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Mỹ và Nhật Bản, mang lại nhiều cơ hội và kỳ vọng Việt Nam sẽ trở thành trung tâm sản xuất công nghệ cao trong tương lai gần.
Việc các tập đoàn lớn chuyển dịch nhà máy sang Việt Nam đã tạo cơ hội đáng kể cho nhiều DN nước ta tiếp cận tốt hơn thị trường Tây Âu, trong khi Chính phủ tiếp nhận thêm nguồn vốn FDI có xu hướng dịch chuyển vào khu vực Đông Nam Á, Đông Bắc Á. Thế nhưng ở góc độ khác, sự có mặt của các nhà đầu tư FDI cũng tạo ra những thách thức đáng kể cho DN trong nước.
Ông Đỗ Phước Tống - Chủ tịch HĐTV Công ty Cơ khí Duy Khanh cho biết, ở một số lĩnh vực, các nhà đầu tư nước ngoài làm việc với đối tác có sẵn chứ ít tìm đến DN Việt Nam đặt hàng, vì vậy, việc cạnh tranh lại càng gay gắt ngay trên chính “sân nhà”. Trong điều kiện này, DN phải nỗ lực tối đa, phải đầu tư công nghệ mới để tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, dù rất khó khăn và phải tiết giảm chi phí, giảm biên lợi nhuận để đảm bảo đơn hàng cho đối tác.
Một trở ngại nữa mà DN Việt Nam đang đối mặt là logistics. Đây chính là rào cản đối với đầu tư FDI và chuỗi cung ứng toàn cầu vào Việt Nam. Hiện logistics không những chưa hoàn thiện mà nhiều khu vực vẫn thiếu hạ tầng hiện đại đáp ứng giao thương. Đã vậy, chi phí dịch vụ vận tải và logistics còn khá cao khiến hàng hoá của Việt Nam kém cạnh tranh hơn trên thị trường toàn cầu. Đây cũng là nguyên nhân khiến các nhà đầu tư lớn nước ngoài “chùn chân” khi muốn tìm đến Việt Nam.
Giải pháp của DN hiện nay là đẩy mạnh cơ cấu hoạt động, đa dạng hóa nguồn vốn, nâng cao tính thích ứng và nhanh chóng chuyển đổi sản xuất, kinh doanh theo hướng xanh hóa và số hóa. Bên cạnh việc đầu tư công nghệ hiện đại, DN cũng phải đẩy mạnh áp dụng các tiêu chí ESG (môi trường, xã hội và quản trị)
Theo bà Đỗ Thị Thúy Hương - Phó chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam (VASI), Chính phủ cần có chính sách hỗ trợ mạnh mẽ hơn nữa để DN có đủ khả năng tiếp nhận công nghệ mới, đủ sức cạnh tranh để giữ được thị trường trong nước. Bên cạnh đó, lựa chọn DN FDI phục vụ chuỗi cung ứng, các bộ, ngành, địa phương cần chọn lọc công nghệ thượng nguồn. Trong đó ưu tiên sử dụng công nghệ tiết kiệm năng lượng, ít tổn hại môi trường và sản phẩm phải có tính cạnh tranh cao. “Quan trọng nữa là phải có điều kiện bắt buộc DN FDI cam kết phát triển bao nhiêu nhà cung ứng là DN Việt Nam trong chuỗi cung ứng với thời gian xác định cụ thể” - bà Thúy Hương nhấn mạnh.