Sứ Móng Cái: Một thủa vàng son

NGUYỄN ĐÌNH| 10/07/2015 00:08

Gốm sứ Việt Nam có lịch sử gần 1.000 năm phát triển, nhưng mãi đến giữa thế kỷ XIX mới xuất hiện cụm lò sứ đầu tiên tại Móng Cái, với các sản phẩm gia dụng quen thuộc, được dân gian truyền khẩu: "Sứ Móng Cái, vại Hương Canh".

Sứ Móng Cái: Một thủa vàng son

Gốm sứ Việt Nam có lịch sử gần 1.000 năm phát triển, nhưng mãi đến giữa thế kỷ XIX mới xuất hiện cụm lò sứ đầu tiên tại Móng Cái, với các sản phẩm gia dụng quen thuộc, được dân gian truyền khẩu: "Sứ Móng Cái, vại Hương Canh". Nhưng dòng đồ sứ này chỉ được sản xuất đến năm 1979 thì ngưng, và quá khứ vàng son của nó thể hiện ở những hiện vật sưu tầm hiếm hoi có mặt rải rác khắp ba miền Bắc, Trung, Nam.

Đọc E-paper

Móng Cái là thành phố nằm ở phía đông bắc tỉnh Quảng Ninh, giáp biên giới với Trung Quốc. Điểm đặc trưng đầu tiên khi nhắc đến sứ Móng Cái là chủ lò và thợ hầu hết là người Hoa, nguyên liệu chủ yếu mua từ Trung Quốc và kỹ thuật sản xuất cũng theo truyền thống kỹ thuật sản xuất gốm sứ Hoa Nam.

Nhiều nhà sưu tập quen gọi dòng đồ sứ này là sứ Vạn Ninh do Vạn Ninh ngày trước là nơi tập kết đồ sứ được sản xuất ở Móng Cái, sau đó đem phân phối đến người tiêu dùng. Tuy sản xuất cho người Việt dùng nhưng sứ Móng Cái được trang trí các đề tài, kiểu thức, tích truyện đa phần lấy từ tiểu thuyết chương hồi cổ điển, đạo giáo, nho giáo có nguồn gốc từ Trung Hoa.

Nguồn gốc sứ Móng Cái

Có nhiều lý giải cho sự hình thành và phát triển của đồ sứ Móng Cái từ giữa thế kỷ XIX đến cuối những năm 70 của thế kỷ XX, và nguyên do đầu tiên là từ chính sách hội nhập và bang giao của triều Nguyễn với các nước láng giềng, việc đi lại ngày càng trở nên thuận tiện, các đoàn tàu buôn tấp nập ra vào Việt Nam giao thương qua các thương cảng cổ như Vân Đồn, Phố Hiến (miền Bắc), Hội An, Vũng Lắm, Thị Nại (miền Trung)...

Lạc khoản ghi trên chum sứ Móng Cái "Hựu thành công ty xuất phẩm" (hàng ngoài cùng bên trái)

Mặc dù gốm Việt phát triển mạnh và đạt thành tựu rực rỡ với các dòng gốm Hoa lam xuất khẩu, gốm Bát Tràng phục vụ nhu cầu của đại chúng, nhưng kể từ thời vua Lê chúa Trịnh đến khi Nguyễn Ánh lên ngôi hoàng đế năm Nhâm Tuất (1802), khai sinh ra triều Nguyễn với niên hiệu Gia Long, các sứ thần mỗi năm khi đi sứ Trung Hoa thường tìm đến các lò sứ ở Cảnh Đức Trấn để đặt đồ sứ ngự dụng (đồ dùng trong cung đình) gồm các chủng loại như: bộ bàn ăn, trà cụ, đồ trang trí cung đình (đôn, chậu, bình, chóe, lọ...), và việc này đã trở thành thông lệ qua các đời vua, chúa.

Do đồ sứ bền, đẹp, mỏng, nhẹ, độ thấu quang cao và sang trọng hơn đồ gốm nên việc sử dụng đồ sứ dần phổ biến trong tầng lớp quan lại, thương buôn và những người giàu có. Với đầu óc nhạy bén, nhận thấy nhu cầu xã hội vẫn cần một dòng đồ sứ bình dân để phục vụ đại chúng, các thợ làm đồ sứ vùng Quảng Tây đã kéo đến Móng Cái mở lò sản xuất phục vụ nhu cầu người bản địa.

Đồ án Lưỡng Long Hí Châu khá phổ biến trên các hiện vật sứ Móng Cái

Sự hình thành của cụm lò sứ Móng Cái còn dựa vào một lý giải khác: Giữa thế kỷ XIX, xã hội dưới triều Thanh bước vào suy thoái, biến động liên miên, hai cuộc "Chiến tranh Nha phiến" (1840 - 1843, 1856 - 1860) giữa nhà Thanh và đế quốc Anh châm ngòi cho các cuộc khởi nghĩa "Thái Bình Thiên Quốc" (1850 - 1864), "Nghĩa Hòa Đoàn" (1899 - 1901)... khiến việc sản xuất, tiêu thụ hàng hóa ở Quảng Tây, Quảng Đông sụt giảm nghiêm trọng.

Trong đó, nghề sản xuất đồ sứ ngày càng đối mặt với khó khăn và mức tiêu thụ kém, các thợ lò có nguồn gốc từ trung tâm gốm sứ Tiểu Giang, Long Môn, Quảng Tây phiêu dạt xuống phương Nam, và Móng Cái, với những thuận lợi về mặt đường thủy, cư dân thân thiện, hiền lành, đã trở thành vùng đất mới để các thợ lò lập nghiệp, phát triển thành chuỗi lò sứ đầu tiên ở Việt Nam.

Đọc lại tích xưa

Ngoài yếu tố giá cả phải chăng hơn so với các dòng đồ sứ ngoại nhập có trên thị trường, đồ sứ Móng Cái thu hút người dùng là nhờ những tuồng tích xưa, quen thuộc của Đạo giáo, Nho giáo, hoặc những đồ án mang hàm ý vui tươi, chúc phúc... được thể hiện, trang trí trên các sản phẩm.

Một trong những đề tài trang trí quen thuộc trên sứ Móng Cái ở thể loại đồ lớn như chum, chóe, bình... là hình ảnh các vị tiên, được thể hiện bằng bút pháp miêu tả tính cách, công việc, vai trò của từng vị trong tiên giới, gắn liền với các tích truyện như: "Ma cô tiến thọ đồ”, "Bát tiên quá hải", "Lưu Hải hý kim thiềm", hoặc "Lão quân luyện đan", "Nhị sơn Quả Lão Chung Ly" (Trương Quả Lão và Hán Chung Ly trong Bát Tiên).

Hình ảnh các vị tiên trên tiên giới trang trí trên đồ sứ Móng Cái

Các điển cố, tiểu thuyết chương hồi cổ điển cũng là một mảng trang trí đặc biệt trên sứ Móng Cái, như: "Tam cố thảo lư” (Lưu Bị ba lần đến lều cỏ mời Gia Cát Lượng xuống núi làm quân sư cho mình), "Tô Vũ mục dương" (Tô Vũ bị Hung Nô đày nơi đất Bắc hoang vu chăn dê), "Quan Công thổ sơn ước tam sự" (Quan Công khi bị Tào Tháo vây đánh ở núi đất đã ước ba điều: Một là chỉ hàng vua nhà Hán, không hàng Tào Tháo. Hai là hai chị dâu phải được cấp dưỡng theo bổng lộc của Lưu Bị, người ngoài không ai được đến gần cửa. Ba là hễ nghe thấy Lưu Bị ở đâu, không quản trăm nghìn dặm, lập tức cáo từ rồi đi theo).

Đề tài phong cảnh, lưỡng long tranh châu, tùng - lộc, phú quý hoa khai, mai - điểu, tùng - hạc, tam đa (Phước - Lộc - Thọ)... cũng là một thể loại đồ án tiêu biểu của sứ Móng Cái, mang những nét vẽ mạch lạc, biểu cảm, minh văn chú giải cho đồ án trang trí mang hàm ý tốt lành, chúc phúc, hoặc thể hiện sự bình yên của thời cuộc. Chẳng hạn như "Vũ trụ đằng thăng" (Thế giới đi lên), "Mỹ yên hí châu - Thổ dụ thốn vân" (Khói đẹp vờn châu - Nuốt mây nhả mù), "Thu giang phàm ảnh" (Bóng buồn trên sông thu), "Long đằng Phượng vũ” (Rồng bay Phượng múa), "Ngô đồng tân xuân thư thanh - Chánh dữ hạ phong thanh" (Tiếng đọc sách mùa Xuân mới nghe như tiếng gió mát mùa Hè).

Chum sứ Móng Cái miêu tả tích truyện "Ma Cô Tiến Thọ Đồ”

Đến năm 1979, hệ thống lò sứ Móng Cái chấm dứt hoạt động sau hơn một thế kỷ tồn tại và phát triển. Bên cạnh việc cung cấp cho thị trường một lượng đồ sứ gia dụng mang nét đặc trưng riêng, lối đắp lò rồng ở Móng Cái sau đó cũng được các thợ lò ở Bát Tràng (phía Bắc), Cây Mai, Lái Thiêu (phía Nam) ứng dụng trong chế tác gốm sứ.

Trên thị trường cổ ngoạn Việt Nam, sứ Móng Cái dù chưa phải nhiều tuổi nếu so với các dòng cổ ngoạn khác, nhưng nhờ nét đẹp về mỹ thuật tạo hình, hoa văn, đề tài trang trí mang tích truyện, điển cố thú vị nên có sức hấp dẫn và giá trị riêng về phương diện sưu tầm, nghiên cứu đối với những ai quan tâm đến sự hình thành, phát triển của các dòng gốm, sứ trên lãnh thổ Việt Nam. 

>“Con đường gốm sứ” hướng tới kỷ lục Guiness

>Xây dựng thương hiệu cho gốm sứ 

>Gốm sứ nội: Nhặt mảnh vụn từ thị trường 5.000 tỷ

>Gốm sứ nội: Giành lại thị trường 5.000 tỷ

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Sứ Móng Cái: Một thủa vàng son
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO