James Cameron cũng không thể cứu phim 3D?

PHÚC NHƯ THỦY (theo Guardian, Variety)| 22/09/2017 06:14

Kiệt tác phim hành động Terminator 2: Judgment day (Kẻ hủy diệt: Ngày phán xét 2) của đạo diễn James Cameron được chuyển sang phiên bản 3D vừa ra rạp vào đầu tháng 9.

James Cameron cũng không thể cứu phim 3D?

Kiệt tác phim hành động Terminator 2: Judgment day (Kẻ hủy diệt: Ngày phán xét 2) của đạo diễn James Cameron được chuyển sang phiên bản 3D vừa ra rạp vào đầu tháng 9.

Đọc E-paper

Đạo diễn James Cameron không còn háo hức khi đón nhận sự ra đời của Terminator 2 phiên bản 3D như năm 2012 với Titanic được chuyển đổi sang 3D (thu về 343,5 triệu USD). Bởi việc đưa kiệt tác phim hành động từ năm 1991 này trở lại rạp với kỹ thuật 3D có thể là một canh bạc, khi hào quang từ Avatar (doanh thu đạt 2,7 tỷ USD) của gần một thập kỷ trước mà Cameron truyền cảm hứng cho phim 3D thế kỷ XXI đã sớm mờ nhạt.

Năm 2016, doanh thu phim 3D tại Mỹ giảm 8%, chứng tỏ khán giả đã mất dần sự cuồng nhiệt với chúng. Hơn nữa, những bộ phim được chuyển đổi sang 3D như Clash of the Titans, The Last Airbender, Thor... đều không mấy thành công.

Hơn nữa, từ sau Avatar của Cameron, đã tồn tại 2 loại phim 3D: những bộ phim được quay trực tiếp bằng 2 camera trên một thiết bị hiển thị nổi như Avatar, tức 3D chính gốc và những phim quay 2D được chuyển sang 3D trong quá trình hậu kỳ như Clash of the Titans, The Last Airbender, Thor...

Nhiều người cho rằng, phim 3D chính gốc có hình ảnh tạo ấn tượng đặc biệt, phim chuyển đổi không có gì hơn là "móc tiền" khán giả. Chính William Sherak - chủ công ty chuyên chuyển đổi phim 3D Stereo D cũng thừa nhận, hình ảnh của phim 3D chuyển đổi không thể đẹp mắt như phim 3D chính gốc, nhưng Công ty đang cố gắng khắc phục điều này sao cho ngày càng hoàn thiện hơn. Bằng chứng là gần đây các phim như Spider-Man: Homecoming, Star Wars: The Force Awakens... không thua gì phim 3D chính gốc.

Mặt khác, sản xuất phim 3D chính gốc chi phí quá cao, vì thế xu hướng sắp tới là chuyển đổi, do công nghệ này ngày càng hoàn thiện và chi phí rẻ hơn so với làm phim 3D chính gốc rất nhiều. Quá trình chuyển đổi đã tốt đến nỗi không một bộ phim 3D nào được phát hành năm nay tại Mỹ là 3D chính gốc.

>>Khi công nghệ làm mới diễn viên

François Scippa-Kohn - người đứng đầu bộ phận phân phối phim của Mỹ (Distrib Films US) cho rằng, 3D không còn "nóng" như trước nữa, song khán giả sẽ xem phiên bản 3D làm lại theo cách họ chưa bao giờ được trải nghiệm. Tất nhiên, sự chuyển đổi này rất tốn thời gian, như Terminator 2 cần đến hơn 1.400 nghệ sĩ và kỹ thuật viên làm việc trong một năm.

Đạo diễn Cameron cũng tin tưởng Terminator 2 (3D) sẽ thay đổi thái độ của người xem với phim 3D. Ông chia sẻ với tờ Wired rằng, 3D cần có thêm thời gian để chiếm thế thượng phong. Cũng có thể xem Terminator 2 (3D) là một bài kiểm tra trước khi Cameron tung ra phần tiếp theo của Avatar vào năm 2020 và ngầm nhắc rằng, dù chưa cho ra mắt bộ phim 3D nào trong gần một thập kỷ nay, Cameron vẫn là thủ lĩnh của Hollywood về các loại phim kỹ xảo.

Nhưng công nghệ 3D rõ ràng đã đến giới hạn khi không khắc phục được chất lượng hình ảnh kèm nhèm và còn gắn liền với các sự cải biên liên tục đầy tốn kém. Nhiều người cho rằng, công nghệ 3D có vẻ như làm mất đi linh hồn điện ảnh. Hơn thế nữa, hầu hết nhà sản xuất tivi lớn trên thế giới đã tuyên bố vào đầu năm 2017 rằng họ không còn sản xuất tivi 3D.

Đạo diễn James Cameron

Trên thực tế, sự tụt dốc của công nghệ 3D không có gì là bất ngờ, bởi động lực làm phim chủ yếu vì lợi nhuận. Giá vé xem phim 3D cao hơn nhiều so với giá vé xem phim thường, từng được xem là "liều thuốc bổ" cho doanh thu phòng vé ảm đạm ở Bắc Mỹ giữa những năm 2000, đặc biệt là doanh thu bán DVD lúc đó cũng đang xuống dốc.

Avatar (ra mắt tháng 11/2009) là sự phô trương hoàn hảo và củng cố vị thế cho công nghệ 3D, khi không chỉ kỹ xảo mà cả câu chuyện thực hiện nó cũng là một trải nghiệm khiến các khán giả trẻ chìm đắm trong điện ảnh 3D hơn các trò chơi điện tử.

Sự xuất hiện của công nghệ 3D sau đó đã tạo nên sự bùng nổ trong giới làm phim toàn thế giới. Chỉ riêng Hollywood vào năm 2010 đã có tới 23 phim 3D, như Alice in the Wonderland, Beauty and the beast, The Hole, Toy Story 3, Step Up, Shrek forever after... được trình chiếu tại Bắc Mỹ và các quốc gia khác. Con số phim 3D không ngừng tăng vào những năm tiếp theo, và phần lớn phim mới tại nhiều quốc gia đã sử dụng công nghệ 3D, giúp cho doanh thu phòng vé luôn đạt được con số như mong ước.

Sự xuất hiện của 3D cũng gây nên sự bùng nổ trong xây dựng rạp chiếu phim ở các nước đang phát triển, khi phần lớn màn hình mới ở nhiều quốc gia đều được trang bị 3D. Chẳng hạn, vào năm 2010, đã có 7.000 phòng chiếu 3D được khai trương trên khắp thế giới, và năm 2011 có thêm 9.000 phòng chiếu nữa được khánh thành. (Ở Việt Nam, Megastar (nay là CGV) khai trương phòng chiếu 3D đầu tiên vào tháng 11/2009, với sự ra mắt của Avatar; năm sau, Galaxy khai trương phòng chiếu 3D thứ hai; và Tết 2011 công chiếu Bóng ma học đường có ứng dụng công nghệ 3D đầu tiên của Việt Nam)...

Nhưng sự "tham lam" đã gây ra những ảnh hưởng dễ đoán đối với chất lượng của phim 3D, và thành công của định dạng này rất ít ỏi. Rất nhiều phim bom tấn lạm dụng công nghệ CGI đã khiến Hollywood phải dựa vào những thị trường mới nổi để thu lại vốn và có vẻ như chúng đều bị gắn liền với công nghệ 3D rẻ tiền.

Ngoài tivi, chuỗi rạp IMAX gần đây cũng đã thông báo ngừng chiếu phim 3D. Hơn nữa, công nghệ 3D còn bị công nghệ thực tế ảo (virtual reality) lấn át, dù chúng cũng chưa chắc lấn sân được điện ảnh truyền thống. Mặc dù vậy, phim 3D tại Trung Quốc vẫn còn ăn khách, khi hiện tại vẫn chiếm 78% suất chiếu so với chỉ 39% ở Bắc Mỹ. Nghĩa là phim 3D không có khả năng biến mất trong một sớm một chiều ở Trung Quốc.

Như thế, nhiều hãng phim sẽ tiếp tục sử dụng công nghệ này để làm hài lòng khán giả Trung Quốc, nếu không muốn mất đi doanh thu ở thị trường lớn này.

>>Nhọc nhằn nghề đóng thế ở Hollywood

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
James Cameron cũng không thể cứu phim 3D?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO