Ô nhiễm môi trường là một trong những vấn nạn nhận được sự quan tâm hàng đầu từ cộng đồng hiện nay. Trong số các nguyên nhân, không thể không nhắc đến khối lượng rác thải nhựa khổng lồ tạo ra bởi thói quen sử dụng đồ nhựa một lần hiện rất phổ biến trong cộng đồng. Đến với Shark Tank Việt Nam mùa 3, Nguyên Võ - Founder & CEO của dự án ống hút cỏ Green Joy giới thiệu với các “cá mập” sản phẩm ống hút cỏ thiên nhiên - giải pháp thay thế ống hút nhựa, an toàn cho sức khỏe, thân thiện với môi trường và cũng là xu hướng tiêu dùng trong tương lai.
Theo Nguyên Võ, việc phát triển sản phẩm ống hút cỏ không chỉ góp phần bảo vệ môi trường mà còn là cơ hội để cô có thể hỗ trợ và ổn định việc làm cho bà con nông dân ở đồng bằng sông Cửu Long.
Trình bày về dự án, CEO này chia sẻ, chỉ trong vòng 8 tháng hoạt động, ống hút cỏ Green Joy đã cung cấp cho hơn 100 chuỗi nhà hàng, khách sạn ở Việt Nam. Hơn 30 thị trường tiếp cận với sản phẩm ở các quốc gia: Mỹ, Canada, Pháp, Đức, Bỉ, Tây Ban Nha, Malaysia, Singapore, Nhật Bản và Hàn Quốc. Hiện doanh thu của công ty đang vào khoảng 830 triệu. Ước tính cuối năm 2019 doanh số đạt 13 tỷ với lợi nhuận là 45%, năm 2020 là 150 tỷ, năm 2021 là 350 tỷ và năm 2022 là 600 tỷ.
Theo Nguyên Võ, với vùng nguyên liệu có diện tích 100ha tại Long An, dự tính Green Joy có thể cung cấp 1 tỷ ống hút trong vòng 5 năm tới, khả năng xuất khẩu từ 100-200 container/tháng. Tuy nhiên, một trong những vấn đề khó khăn và doanh nghiệp này đang gặp phải chính là giá thành đầu ra của sản phẩm đang cao hơn so với các sản phẩm ống hút nhựa vẫn đang được mọi người sử dụng. Vì thế, mục đích kêu gọi đầu tư bên cạnh ý nghĩa nhân văn là bảo vệ môi trường, nữ CEO còn mong muốn mở rộng quy mô sản xuất để giảm giá thành xuống mức 300 đồng/ống.
Ngoài ra, nữ CEO còn tiết lộ thêm, các sản phẩm ống hút cỏ Green Joy đã có giấy kiểm nghiệm về mẫu đất, mẫu nước, test vi sinh… và có thể xuất khẩu sản phẩm sang châu Âu.
Gặp startup có mô hình kinh doanh đáp ứng đúng nhu cầu nhức nhối của xã hội là bảo vệ môi trường, “bà ngoại U60” Đỗ Liên nhanh chóng thể hiện ý định đầu tư cho Nguyên Võ dù trước đó “cá mập” công nghệ Nguyễn Hòa Bình đã đưa ra lời offer khá “hời” cho startup. Nữ chủ tịch Quỹ Môi trường xanh Việt Nam đưa ra lời đề nghị 2 tỷ cho 20% cổ phần của Green Joy với mong muốn startup phải làm ra sản phẩm đạt tiêu chuẩn an toàn và đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng. Lợi nhuận chia cho nhà đầu tư sẽ được chuyển thẳng vào Quỹ Môi trường xanh. Shark sẽ dùng số tiền trên để hỗ trợ các startup về môi trường của Việt Nam.
Không nằm ngoài cuộc chơi, Shark Dzung cũng thể hiện sự quan tâm đến Green Joy khi đưa ra đề nghị đầu tư 2 tỷ cho 20% với điều kiện startup phải thực hiện được 80% giá trị hợp đồng của đơn đặt hàng sang Mỹ, Châu Âu.
Trước những lời đề nghị của hai “cá mập” công nghệ, “bà ngoại U60” quyết định “chơi lớn” khi tuyên bố “Nếu bạn chọn tôi, ngay lập tức tôi có thể viết séc cho bạn ở tại đây và đây sẽ là ca đầu tiên trong Shark Tank mà nhà đầu tư xuống tiền ngay trên sóng truyền hình".
Được 3/5 Shark đưa ra lời đề nghị đầu tư, Nguyên Võ xin phép được hội ý cùng các cổ đông trước khi đưa ra quyết định cuối cùng. Trở lại phòng thương thuyết, Nguyên Võ thể hiện tình cảm nghiên về phía “bà ngoại U60” khi liên tục đưa ra những câu hỏi về tương lai nếu Green Joy Straw hợp tác cùng nữ “cá mập” này. Để lôi kéo startup về phía mình, Shark Đỗ Liên cho rằng lý do Green Joy nên hợp tác với bà là bởi “Thứ nhất tôi đang có lợi thế là chủ tịch của Quỹ Môi trường xanh, thứ hai với mối quan hệ của mình tôi có thể giới thiệu cho bạn nhiều khách hàng tiềm năng. Tôi sẽ hỗ trợ bạn mở rộng thị trường, giúp bạn phát triển nhanh, mạnh và chiếm lĩnh thị phần càng nhanh càng tốt.”
Sau khi đắn đo suy nghĩ, cuối cùng Nguyên Võ quyết định bắt tay cùng Shark Đỗ Liên nữ “cá mập” hiếm hoi của Shark Tank mùa 3 với mức đầu tư 4 tỷ cho 33% cổ phần.
Nói về lý do đầu tư vào Green Joy, Chủ tịch Quỹ Môi trường xanh Việt Nam cho biết “Bạn trẻ này cho tôi nhiều cảm xúc, bạn biến cỏ thành tiền. Bạn bảo vệ môi trường, Bạn nghiên cứu, tạo công ăn việc làm cho người nông dân ở vùng quê, đặc biệt là nhóm phụ nữ yếu thế. Điều đó phù hợp với tiêu chí của tôi là kiếm tiền và mang lại hạnh phúc cho bản thân và cộng đồng. Chính vì thế, tôi quyết định đầu tư”.