Case study F&B hậu Covid: Chuyển mình để “sống sót” và phát triển

Mr Pizza Hoàng Tùng (*)| 26/11/2021 06:00

Tôi đã đọc bộ “HBR Onpoint 2021 - Sức bật sau khủng hoảng” và những kiến thức trong sách đã đem đến cho tôi nhiều ý tưởng. Những case study lớn cùng những phân tích chuyên sâu cho phép tôi có thể học hỏi, ứng dụng vào doanh nghiệp và sau đó suy nghĩ về tương lai doanh nghiệp có thể phát triển theo cách nào. Thật là quý giá.

Case study F&B hậu Covid: Chuyển mình để “sống sót” và phát triển

CEO Hoàng Tùng: Nếu muốn thay đổi thì phải thay đổi từ người lãnh đạ

Năm 2020 và năm 2021 là 2 năm kinh doanh rất khó khăn, mỗi ngày có đến gần 500 doanh nghiệp (DN) bị phá sản và ngừng hoạt động. Pizza Home cũng gặp những khó khăn tương tự và trong một năm vừa qua có những thời điểm tôi thực sự cảm thấy đứng giữa bờ vực, không biết có nên tiếp tục kinh doanh hay không.

Vào thời điểm khó khăn như vậy, khi doanh số gần như chạm về bằng không, cá nhân tôi cũng cảm thấy rất bối rối và không biết tương lai đi về đâu. Như một người mù đường, tôi đã đi tìm rất nhiều khóa học, cuốn sách, rất nhiều người để tư vấn, để chỉ cho tôi, để có thể trấn an tôi cũng chỉ với mục đích tìm ra hướng đi mới của DN trong tương lai. Rất may là tôi đã tìm được bộ sách HBR Onpoint 2021 với chủ đề Sức bật sau khủng hoảng của Harvard Business Review.

Lúc thuận lợi, nhiều người không nghĩ đến rủi ro

Hai cuốn đầu tiên tôi đọc là Quản lý trong bối cảnh suy thoái Quản lý rủi ro. Tôi lập tức thích hai cuốn này ngay, bởi nội dung trúng vào thực trạng DN của tôi. Năm 2019, khi mà phần lớn DN F&B lúc đó làm ăn rất thuận lợi và khi mà mọi việc diễn ra quá tốt đẹp thì tôi cũng giống như rất nhiều DN khác, bị mất kiểm soát và lúc đó cứ cố gắng chạy theo khối lượng và số lượng, muốn mở thêm rất nhiều cửa hàng, muốn làm sao gia tăng doanh số rồi gia tăng về mặt quy mô.

Tuy nhiên, có một thứ mà lúc đó tôi đã quên mất, là việc kiểm soát rủi ro – quản lý rủi ro. Khi mọi việc thuận lợi quá thì tôi cứ làm theo cái mà tôi nghĩ rằng “À, nó tốt quá rồi, chắc là nó không có rủi ro đâu; hoặc có rủi ro gì đó xảy ra thì nó hoàn toàn có thể khỏa lấp được cái rủi ro đó”. Thế nên, khi đại dịch Covid-19 xảy ra, tôi mới thấy rằng hóa ra tất cả khía cạnh quản lý rủi ro mà trước đây tôi nghĩ là không cần thiết lắm thì lại rất quan trọng, và tôi thật sự ngấm việc phải biết quản lý rủi ro.

Khi dịch bệnh xảy ra, DN gặp khó về tiền mặt và những cái rủi ro lập tức ập đến. Có những thời điểm rất ngặt nghèo, DN lớn thậm chí cũng phải ngưng hoạt động bởi vì không quản lý rủi ro đúng cách. Tôi quyết định phải tái cấu trúc lại toàn bộ DN và quản lý công ty theo một cách rất mới, bởi vì làm theo cách cũ không còn hiệu quả nữa.

Và khi đó tôi tìm đến cuốn Quản lý trong bối cảnh suy thoái. Cuốn sách phân tích rằng trong thời kỳ 1 năm vừa qua, chúng ta đối mặt với khủng hoảng và nhận ra chúng ta không thể quản lý theo kiểu cũ được nữa. Quản lý theo những tầng bậc như cũ tốn quá nhiều chi phí và nó không linh hoạt. Khi có những hoạt động về mặt quản lý theo hướng mới trong bối cảnh suy thoái này, chúng ta sẽ biết điểm nào là điểm trọng tâm chúng ta cần giữ, cái nào cần phải quyết định loại bỏ để DN có thể trụ được.

25-11-sach-5-2-1462-1637855902.jpg

"Tôi quyết định phải tái cấu trúc lại toàn bộ DN và quản lý công ty theo một cách rất mới, bởi vì làm theo cách cũ không còn hiệu quả nữa. Và khi đó tôi tìm đến cuốn Quản lý trong bối cảnh suy thoái..."

Đương đầu với thực tế và tìm ra hướng đi mới

Hai cuốn tiếp theo khiến tôi thích thú là Sức bật sau khủng hoảng và Đổi mới mô hình kinh doanh. Một năm vừa qua khiến tôi thực sự thấm thía câu “trong nguy có cơ”, trước đây tôi cứ nghĩ đây chỉ là lý thuyết. Khi dịch bệnh xảy đến rồi, chúng ta có than vãn đi nữa thì thực tế vẫn vậy, chúng ta có kêu thế nào đi chăng nữa thì tình thế cũng không thay đổi. Vậy thì làm cách nào mà chúng ta có thể đương đầu với khủng hoảng một cách hiệu quả và tạo ra được hướng đi mới? Năm 2020, tôi áp dụng một số hoạt động quản lý theo kiểu mới, giúp DN tinh gọn hơn. Tuy nhiên, phải tìm ra được hướng đi mới để có thể phát triển tiếp chứ không thể dừng lại được.

Cuốn Sức bật sau khủng hoảng gợi mở rất nhiều ý tưởng qua việc phân tích những DN từ quy mô nhỏ đến quy mô lớn đã gặp tình trạng khủng hoảng và khó khăn thế nào, việc họ đối mặt với tình huống và vượt qua khủng hoảng bằng cách nào. Đó là những case study chúng ta hoàn toàn có thể học tập được để ứng dụng vào DN, tìm ra hướng đi mới hiệu quả hơn.

Đổi mới mô hình kinh doanh là cuốn tôi tâm đắc hơn. Trong vòng một năm, chúng tôi đã dịch chuyển từ môi trường offline sang online và khi dịch chuyển như vậy, tôi cũng tìm hiểu được những mô hình kinh doanh hoàn toàn mới trong lĩnh vực F&B. Ví dụ như chúng tôi đã thành lập mô hình “Bếp trên mây- cloud cook”, đó là một trong những mô hình tiên tiến nhất trong mảng kinh doanh F&B trên thế giới và chúng tôi là bên đầu tiên ứng dụng nó tại thị trường Việt Nam. Chúng tôi đã hoàn toàn đổi mới mô hình kinh doanh.

Khi kinh doanh thuận lợi thì tôi có thể sẽ không bao giờ nghĩ ra là mình phải làm một mô hình như vậy. Vì dịch bệnh xảy đến, khó khăn xảy đến, tôi phải đào sâu suy nghĩ, phải thay đổi mô hình kinh doanh và tôi thấy rằng khi thay đổi thì DN của tôi thực sự hiệu quả hơn rất nhiều. Trước đây tôi theo đuổi quy mô và cứ thế bươn chải, không tính đến hiệu quả. Còn bây giờ tuy số lượng điểm bán của tôi ít hơn nhưng chất lượng trên từng điểm bán tốt hơn rất nhiều. Trước đây tôi mong muốn làm sao có lãi trên cả chuỗi là được rồi, nhưng bây giờ phải có lãi trên từng điểm bán. Tôi cũng tự tin hơn trong việc nếu khủng hoảng kéo dài, chúng tôi đã sẵn có mô hình kinh doanh tinh gọn và bền vững hơn.

25-11-sach-5-3-2745-1637855902.jpg

CEO Hoàng Tùng: “Khi tái sáng tạo công tác quản lý nhân sự, tôi gần gũi với nhân viên hơn. Tôi cảm thấy tôi yêu thương hơn và tôi cũng cảm thấy các bạn yêu thương lại tôi hơn”

Quản lý nhân sự theo hướng phẳng hơn

Hai cuốn sách cuối cùng trong bộ sách là cuốn Tái sáng tạo về nhân sựCác nhà quản lý mới.

Tái sáng tạo về nhân sự là cuốn tôi đánh giá phù hợp nhất trong ngành kinh doanh của tôi, một ngành có tốc độ đào thải nhân sự rất lớn, đặc biệt trong thời điểm Covid vừa rồi – thời điểm mà DN hoàn toàn ngưng hoạt động, nhân sự nghỉ việc, tìm việc trong những môi trường khác và việc chúng ta quản lý nhân sự theo kiểu cũ không còn hiệu quả nữa.

Việc mà chúng ta trả lương theo kiểu cũ, hệ thống theo kiểu cũ không còn hiệu quả nữa, bởi vì khi dịch bệnh xảy ra thì DN không thể nào có đủ dòng tiền để nâng đỡ cả một hệ thống nhân sự thừa thãi như xưa. Vì vậy cần làm cách nào đó để chúng ta có thể tái sáng tạo về mặt nhân sự, mỗi người phải đóng góp được ý tưởng mới, quản lý theo hướng phẳng hơn.

Đó là cái ý tưởng rất đắt giá trong cuốn sách. Việc quản lý kiểu mới không chia theo nhiều lớp lang nữa mà có tính trực tiếp hơn từ người lãnh đạo đến nhân viên và phản hồi từ nhân viên đến lãnh đạo. Khi tái sáng tạo công tác quản lý nhân sự, tôi gần gũi với nhân viên hơn. Tôi cảm thấy tôi yêu thương hơn và tôi cũng cảm thấy các bạn yêu thương lại tôi hơn, mỗi ngày đi làm chúng tôi đều cảm thấy vui hơn. Đó là một nguyên tắc đắt giá trong việc giữ người, dùng người để mọi người có thể phát huy năng lực một cách tốt hơn.

Song, quan trọng hơn là nếu muốn thay đổi thì phải thay đổi từ người lãnh đạo. Cuốn Các nhà quản lý mới sẽ thay đổi tư duy của bạn về mặt lãnh đạo, thay đổi tư duy của bạn về mặt quản lý nhân sự. Nếu vẫn quản lý theo kiểu cũ một chiều từ trên xuống dưới, người quản lý sẽ rất mệt. Trước đây có những thời điểm mà tôi không cảm thấy hạnh phúc trong công việc, bởi vì nó mệt mỏi quá.

Khi càng mở rộng hệ thống, tôi càng cảm thấy mệt, thấy kiệt sức; nhưng với cách quản lý mới thì chúng ta san sẻ công việc với nhân viên được nhiều hơn. Kiểu cũ là chúng ta kiểm soát tất cả mọi thứ, kiểu mới là chúng ta kiểm soát nhưng tất cả mọi người cùng được trao quyền, cùng kiểm soát.

Chúng ta hay nói rằng bình thường mới là cái bình thường không hề giống như cũ nữa và phải đi cùng thói quen mới, ý niệm mới, tư tưởng mới. Và bộ sách HBR Onpoint 2021 thực sự cho cho chúng ta góc nhìn rất mới trong thời kỳ bình thường mới, chúng ta có thể ứng dụng vào DN để hoạt động hiệu quả hơn và vượt được qua thời kỳ khủng hoảng này một cách hiệu quả hơn.

Chúng ta thường nói “tất cả là lý thuyết suông thôi”, nhưng hóa ra lý thuyết rất thực tế, bởi vì lý thuyết là đúc kết từ rất nhiều thực tế. Và với bộ sách HBR Onpoint 2021, tôi đã thay đổi rất nhiều. Hãy đọc bộ sách này để có thêm nhiều ý tưởng ứng dụng vào DN và cùng vượt qua khủng hoảng.

Đọc thử bộ sách HBR Onpoint 2021 - Sức bật sau khủng hoảng tại đây

(*) CEO, Founder Chuỗi Pizza Home và Bếp trên mây Cloud Cook

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Case study F&B hậu Covid: Chuyển mình để “sống sót” và phát triển
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO