Doanh nhân phải tăng tính chủ động
Trao đổi với Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn sau khi Nghị quyết 41-NQ/TW về xây dựng và phát triển đội ngũ doanh nhân thời kỳ mới (Nghị quyết 41) được ban hành ngày 10/10/2023, chuyên gia Bùi Kiến Thành cho rằng Nghị quyết 41 đã có cách nhìn về doanh nhân rất cập nhật, xác định doanh nhân có vị trí, vai trò quan trọng, là một trong những lực lượng nòng cốt trong việc xây dựng và phát triển nền kinh tế độc lập, tự chủ. Vậy doanh nhân phải tăng tính chủ động, học hỏi, để nâng mình lên trở thành đại bàng.
* Nhưng hiện nay, doanh nhân vẫn còn nhiều băn khoăn khi khó khăn vẫn còn tồn đọng, gây khó cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, theo chuyên gia, băn khoăn này cần được giải tỏa ra sao để Nghị quyết 41 sớm đi vào cuộc sống?
- Để phát triển đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp có đủ tầm và lực, Nghị quyết 41 đã đề cập cụ thể tới việc hoàn thiện chính sách, pháp luật, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, an toàn, bình đẳng cho doanh nhân, doanh nghiệp. Đó là quan điểm chỉ đạo, sau đó hiện thực hóa các quan điểm chỉ đạo của các cấp thực hiện.
Đây được xem như lực đẩy, luồng khí nóng để doanh nhân phải tăng tính chủ động, học hỏi, phải tự biết nâng mình lên như thế nào cho xứng tầm, chứ không chỉ trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước.
* Để hiện thực hóa quan điểm chỉ đạo về hoàn thiện chính sách, pháp luật, tạo môi trường an toàn, minh bạch, bình đẳng cho doanh nhân, chúng ta nên có cách tháo gỡ khó khăn về cơ chế chính sách thế nào cho hiệu quả, thưa chuyên gia?
- Các cơ quan có trách nhiệm thiết kế, trình duyệt và ban hành các quy định của pháp luật trong hoạt động kinh doanh. Về phía doanh nghiệp, những gì pháp luật không cấm thì đều được phép làm.
Chính phủ cũng đang tăng tốc xử lý dứt điểm những tồn tại, hạn chế mang tính cơ cấu nội tại của nền kinh tế và khẩn trương kiến tạo các động lực tăng trưởng mới trong bối cảnh thế giới sẽ còn tiếp tục diễn biến phức tạp và bất định.
Tinh thần của Chính phủ là “thời gian chính là lực lượng”, chúng ta vừa phải tập trung, nỗ lực giải quyết các vấn đề cấp bách, khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn trước mắt của nền kinh tế, vừa phải hướng đến các mục tiêu dài hạn; vừa phải phát huy ý chí tự cường, năng lực nội tại của nền kinh tế, vừa phải tranh thủ khai thác và phát huy tối đa ngoại lực, tiếp tục chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng và hiệu quả.
Đặc biệt, tiếp tục chấn chỉnh công tác tổ chức thực hiện luật pháp, chính sách, thực thi công vụ vì đây vẫn còn là khâu yếu, một bộ phận cán bộ thực thi vẫn có tâm lý né tránh, sợ trách nhiệm, sợ sai trong triển khai công vụ; chậm phản ứng chính sách đối với các biến động của nền kinh tế.
Về việc hoàn thiện chính sách pháp luật, để tạo dựng môi trường kinh doanh thuận lợi và bình đẳng, cần xem lại các quy định hiện có của pháp luật Việt Nam đã đầy đủ cho mục tiêu nói trên hay chưa? Nếu chưa, chúng ta cần hoàn thiện thêm các quy định như thế nào? Chẳng hạn, không hình sự hóa quan hệ kinh tế, nghĩa là các hành vi vi phạm về dân sự phải được xử lý bằng pháp luật dân sự thì phải bổ sung, hoàn thiện pháp luật dân sự…
* Thực tế có một số văn bản quy phạm pháp luật vừa ban hành thời gian ngắn đã phải sửa đổi, bổ sung hoặc ngưng hiệu lực thi hành do không phù hợp với thực tiễn, là nguyên nhân khiến doanh nhân còn băn khoăn? Căn cơ giải quyết phải từ đâu, thưa chuyên gia?
- Đó là lý do Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo, việc hoàn thiện các chính sách pháp luật cho hoạt động kinh doanh, phải hạn chế tối đa tình trạng như trên và những người tham gia việc thiết kế xây dựng chính sách phải có chuyên môn về pháp luật, nếu thiếu chuyên môn và kinh nghiệm thì phải đưa đi đào tạo. Quan trọng là phải có những người làm luật vững chuyên môn, có kiến thức thực tiễn về hoạt động của doanh nghiệp.
* Thưa chuyên gia, Nghị quyết 41 đã bổ sung chế tài kinh tế phù hợp để xử lý vi phạm, không hình sự hóa quan hệ kinh tế. Như vậy, thời gian tới doanh nghiệp sẽ không còn phải lo ngại “hình sự hóa các quan hệ kinh tế”. Nhưng muốn vậy, doanh nhân cũng cần phải thay đổi và “nâng cấp” mình thế nào?
- Ngoài việc phải tự nỗ lực học hỏi, tìm tòi, trau dồi bản thân cả đạo đức lẫn nhân cách, đầy đủ tâm - trí - tài - tín. Doanh nhân phải làm ra giá trị cho xã hội, cho nền kinh tế và mang lại lợi nhuận cho doanh nghiệp, nhưng không được làm những điều trái với lương tâm, trái với đạo lý, không được chạy theo đồng tiền bằng cách hủy hoại nhân phẩm của bản thân hay làm hại người khác.
Đạo đức, văn hóa doanh nhân phải thấm nhuần, phải thẩm thấu rất lâu và ngấm dần rồi mới dẫn đến hành động. Muốn vậy, doanh nhân cần được đào tạo và phải đào tạo từ rất sớm ngay từ các cấp học phổ thông chứ không phải khi trưởng thành. Phải có được những trường đào tạo doanh nhân như thế nào. Tôi ví việc đào tạo doanh nhân cũng như trồng cây lúa vậy. Một hạt giống tốt nếu gieo vào bãi cát khô thì không thể nảy mầm và phải tạo môi trường sinh trưởng phù hợp để hạt giống tốt nảy mầm, trổ bông.
* Có ý kiến rằng vai trò của hiệp hội, hội hay các tổ chức của doanh nhân chưa thật có vai trò giải quyết, hỗ trợ doanh nhân. Làm thế nào để có thể phát huy hết vai trò này, thưa chuyên gia?
- Vai trò của hiệp hội, hội… là nơi để tập hợp sức mạnh, tiếng nói chung và ở đó mọi thành viên dựa vào nhau để đi lên, phát triển, tăng sức mạnh nội tại. Để hiệp hội đủ sức mạnh và phát huy vai trò đó, doanh nhân phải biết đoàn kết, đồng lòng, phải có tinh thần tương trợ lẫn nhau. Một doanh nhân thành đạt không chỉ giỏi trong công việc của riêng doanh nghiệp mình, mà phải hỗ trợ được đồng nghiệp, phải đóng góp để xây dựng cả cộng đồng doanh nhân nói riêng và cả nền kinh tế nói chung đi lên.
* Xin cảm ơn chuyên gia