Doanh nhân Ngô Tử Hạ: Một người yêu nước mẫu mực - Kỳ 2

Thanh An| 30/11/2022 06:00

Ngô Tử Hạ là người có vai trò quan trọng trong việc đoàn kết các phe phái, nhất là làm cầu nối giữa Việt Minh do Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo với các đảng phái thời bấy giờ.

-9790-1669209346.jpg

Tờ bạc cụ Hồ mệnh giá 100 đồng - Nguồn: Vietnamfinance

Sau bầu cử Quốc hội, để ngăn chặn và phân hóa hàng ngũ những đảng phái chính trị nhằm đảm bảo những thành quả mà nhân dân vừa giành được, Việt Minh ký Tuyên bố đoàn kết với Việt Nam Cách mạng Đồng minh Hội, ký Thỏa hiệp Việt Nam Quốc dân Đảng, ra Thông cáo chung với Việt Nam Cách mạng Đồng minh Hội về việc giao thiệp với Việt Nam Quốc dân Đảng, ký Thỏa thuận với Việt Nam Cách mạng Đồng minh Hội và Việt Nam Quốc dân Đảng về việc thành lập Chính phủ liên hiệp và dành 20 ghế đại biểu Quốc hội không qua bầu cử cho Việt Nam Cách mạng Đồng minh Hội và 50 ghế đại biểu cho Quốc dân Đảng.

-2069-1669209346.jpg

Ngô Tử Hạ đọc diễn văn trong cuộc vận động cứu đói đầu năm 1946 - Nguồn: Kinhtedothi

Trong cuộc “dàn xếp” lịch sử này có vai trò quan trọng của Ngô Tử Hạ - một nhân sĩ có uy tín lớn đối với các đảng phái, người bạn tâm giao của Hồ Chủ tịch - như đánh giá của Thủ tướng Phạm Văn Đồng.

-1923-1669209346.jpg

Ngô Tử Hạ (bên phải) và Bác Hồ - Nguồn: Vietnamfinance

Trong thời gian đầu đầy khó khăn của chính quyền cách mạng non trẻ, trong bối cảnh cùng một lúc Chính phủ phải đương đầu với giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm khi ngân khố chỉ có hơn 1 triệu đồng tiền Đông Dương và chưa thể kiểm soát hoàn toàn Ngân hàng Đông Dương, cùng với đó là những đồng quan kim và quốc tệ đã mất giá được quân đội Tưởng Giới Thạch đưa vào miền Bắc Việt Nam, gây nguy cơ lạm phát cao, trước tình hình phải thống nhất tiền tệ, chống lạm phát và đảm bảo chi dùng, việc phát hành một loại tiền mới của chính quyền cách mạng là vô cùng cấp bách. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã giao trọng trách in tiền cho Ngô Tử Hạ.

Ngày 31/1/1946, được sự tin cậy của Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh, những tờ giấy bạc đầu tiên của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa mà nhân dân thời đó thường gọi là “đồng bạc Cụ Hồ” được in ở nhà in Ngô Tử Hạ. Đồng tiền của chế độ mới có mệnh giá 100 đồng, 50 đồng, 20 đồng, 10 đồng, 5 đồng, 2 đồng, 1 đồng, 5 hào, 2 hào; tiền kim loại có hai loại bằng nhôm, 5 hào và 20 xu, in và đúc xong được chuyển về Bộ Tài đóng đóng số sêri rồi phát hành.

-7118-1669209346.jpg

Người dân thủ đô tham gia Tuần lễ vàng năm 1945 -  Nguồn: Diendandoanhnghiep

Ngay sau ngày toàn quốc kháng chiến (19/12/1946), quân Pháp thấy được tầm quan trọng của nhà in Ngô Tử Hạ và vai trò của ông chủ nên đã phun xăng đốt, cháy ròng rã suốt một tuần. Số nhà 24 Lý Quốc Sư - Hà Nội bây giờ chính là địa điểm, dấu tích một thời của nhà in Ngô Tử Hạ.

Kháng chiến toàn quốc bùng nổ, cụ và gia đình về quê hương Ninh Bình. Một phần do sức khỏe, phần nữa là tránh không để bọn phản động đội lốt tôn giáo lợi dụng và bắt ép, cụ Ngô Tử Hạ được Chính phủ tạo điều kiện sang Thụy Sĩ cư trú. Gia đình cụ phải từ Ninh Bình lên Việt Bắc, sang Hồng Kông rồi mới đến Thụy Sĩ.

Link bài viết

Dù xa quê hương nhưng Ngô Tử Hạ luôn trông ngóng ngày trở về, mong ngóng ngày tái ngộ với Hồ Chủ tịch để tiếp tục phụng sự đất nước.

Khi đoàn đại biểu Việt Nam do Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Văn Đồng dẫn đầu giành thắng lợi trên bàn đàm phán tại Hội nghị Geneva về Đông Dương, cụ Ngô Tử Hạ đã cùng đoàn trở về Việt Nam trong niềm vinh quang của những người chiến thắng.

Năm 1954, ở tuổi 72, sức khỏe yếu nhưng cụ vẫn hăng hái tham gia xây dựng đất nước, tiếp tục đảm nhiệm nhiệm vụ trong Ban Thường trực Quốc hội Khóa I.

Cụ còn là một thành viên tích cực, một ủy viên sáng lập Hội Liên hiệp Quốc dân Việt Nam, tức Mặt trận Liên Việt. Ngày 10/9/1955, cụ được bầu làm Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Cụ còn là Ủy viên Trung ương Ủy ban Liên lạc những người công giáo Việt Nam yêu Tổ quốc, Chủ tịch Hội giúp binh sĩ bị nạn toàn quốc, Thứ trưởng Bộ Thương binh - Cựu binh (sau này là Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội).

Năm 1960, gia đình Ngô Tử Hạ tự nguyện hiến phần lớn tài sản cho Nhà nước, bao gồm căn nhà số 24-48 Lý Quốc Sư và 2/12 Ngõ Huyện (diện tích 2.251m2), nhà số 60 Nguyễn Du (1.095m2), nhà số 8 Lý Quốc Sư (84m2), nhà số 4 ngõ 339 Thịnh Yên (2.210m2), nhà số 31 Hàng Bông (182m2). Gia đình cụ chỉ giữ lại 200m2 ở số nhà 24-48 Lý Quốc Sư và 2/12 Ngõ Huyện để ở và sau này làm nơi thờ tự.

Với số tài sản ít ỏi còn lại, Ngô Tử Hạ tiếp tục sống và làm việc cho Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và là đại biểu Quốc hội cao tuổi nhất (đến tận năm 1971 khi cụ đã 90 tuổi) liên tục các khóa I, II, III cho đến khi qua đời vào ngày 29/8/1973, hưởng thọ 91 tuổi. 

Sau khi Ngô Tử Hạ qua đời, Thủ tướng Phạm Văn Đồng nhận xét: “Cụ Ngô Tử Hạ là một nhà yêu nước, tham gia rất sớm vào phong trào Việt Minh, trước đây thường xuyên gặp Bác Hồ và quen thân với tôi”.

Trong suốt cuộc đời kinh doanh và cống hiến cho Tổ quốc, doanh nhân Ngô Tử Hạ là tấm gương tiêu biểu cho tầng lớp doanh nhân yêu nước Việt Nam đầu thế kỷ XX với tinh thần cách mạng, hy sinh quên mình cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam. Từ những thành tựu to lớn trong cuộc đời kinh doanh và những đóng góp cho Chính phủ cách mạng, doanh nhân Ngô Tử Hạ là tấm gương sáng của một nhà tư sản dân tộc yêu nước, một đại biểu Quốc hội mẫu mực. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Doanh nhân Ngô Tử Hạ: Một người yêu nước mẫu mực - Kỳ 2
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO