Nghĩ về cụ Lương Văn Can - người thầy đầu tiên của giới doanh nhân Việt Nam

Thanh An| 21/11/2022 01:30

Dân tộc Việt bao đời nay luôn có truyền thống uống nước nhớ nguồn, tôn sư trọng đạo tốt đẹp, đã được gìn giữ, phát huy và trân trọng từ sâu thẳm trong nhận thức, tình cảm của biết bao thế hệ. Ngày nhà giáo Việt Nam 20/11 chính là dịp thể hiện đạo lý ngàn năm ấy.

Nghĩ về cụ Lương Văn Can - người thầy đầu tiên của giới doanh nhân Việt Nam

Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn tổ chức lễ ra mắt sách viết về cụ Lương Văn Can ngày 20/11/2022 tại đường sách Nguyễn Văn Bình, quận 1 TP.HCM

Trong không khí chào mừng 40 năm Ngày nhà giáo Việt Nam (20/11/1982-20/11/2022), giới doanh nhân Việt Nam cũng đang hướng lòng tri ân và tưởng nhớ đến Người thầy đầu tiên của giới doanh nhân Việt Nam: cụ Lương Văn Can.

Kim chỉ nam của giới doanh nhân Việt Nam

Cụ Lương Văn Can (1854-1927), tên tự là Ôn Như, hiệu là Sơn Lão, là nhà đồng sáng lập và hiệu trưởng của trường Đông Kinh Nghĩa Thục (thành lập từ tháng 3/1907 và chấm dứt vào tháng 11/1907). Đây là trường tư thục đầu tiên của Việt Nam được thành lập nhằm hưởng ứng phong trào Duy Tân kêu gọi cải cách xã hội, chấn hưng thực nghiệp, khôi phục kinh tế cho dân tộc Việt Nam đầu thế kỷ XX.

Là một nhà giáo, người đồng sáng lập, người điều hành của Đông Kinh Nghĩa Thục, cụ Lương Văn Can còn là nhà tư tưởng cấp tiến với những tư tưởng cải cách, triết lý kinh doanh đi trước thời đại, sánh ngang với 2 ngôi sao sáng đương thời là Phan Bội Châu và Phan Chu Trinh. Tư tưởng, triết lý kinh doanh từ nhận thức đến hành động của cụ Lương Văn Can được ghi chép thông qua 2 cuốn sách luận bàn về kinh doanh do chính tay ông sáng tác là "Thương học phương châm" và "Kim cổ cách ngôn".

Đây là 2 cuốn sách bàn về buôn bán và cách làm giàu đầu tiên của Việt Nam. Hơn một thế kỷ qua, những tư tưởng tiến bộ về kinh thương và cổ xúy cho đạo làm giàu của cụ Lương Văn Can đã trở thành "kim chỉ nam" cho giới doanh nhân Việt Nam vận dụng vào sự nghiệp kinh doanh và phát triển kinh tế đất nước. Chính vì lẽ đó, cụ Lương Văn Can được xem như "Người thầy đầu tiên của giới doanh nhân".

-6940-1669004601.jpg

TS Lý Tùng Hiếu ký tặng sách "Lương Văn Can trong lịch sử dân tộc và lịch sử doanh nhân Việt Nam" cho độc giả ngày 20/11/2022 tại đường sách Nguyễn Văn Bình, Q.1 TP.HCM

Từ nhận thức đến hành động

Suốt cuộc đời, cụ Lương Văn Can luôn tin việc buôn bán rất phức tạp, nếu không biết thương học, đủ cả thương đức, thương tài thì không được.Vì lẽ đó, người kinh doanh phải học tập cách kinh doanh, phải có đạo đức kinh doanh và phải có tài kinh doanh bởi nghề buôn bán là nghề lương thiện, chân chính. Cụ quan niệm cần kiệm là cái đạo lớn của người kinh doanh và người kinh doanh ngoài cái lợi bản thân còn hướng đến phục vụ cộng đồng.

Từ nhận thức đến hành động vô cùng mới mẻ, vừa mang tính triết lý, vừa mang tính thực tiễn sâu sắc, cụ Lương Văn Can ưu tiên lấy việc xây dựng đạo đức kinh doanh làm trọng tâm. Bởi theo cụ Can: "Bí quyết thành công với nhà kinh doanh là ở sự trung thực. Nghĩa là, nguồn lợi thu về phải theo lẽ tự nhiên, đừng bao giờ vì lợi mà làm điều xằng bậy. Giả dụ như người tích lũy gạo, vải mà lại mong mất mùa lúa, mùa bông thì đó là cái tâm địa độc ác.

Lại có người kinh doanh chuyên làm hàng giả để đánh tráo hàng thật, cũng bởi lòng tham không cùng mà thôi. Lòng ngay thẳng, khoan hậu với người, đấy cũng là phép kinh doanh vậy!".

Bản thân cụ Can cũng chỉ ra những hạn chế của giới thương nhân thời ấy từ không có thương phẩm, không có thương hội, không có tin thực, không kiên tâm dẫn đến không có nghị lực, không trọng nghề, thiếu thương học, kém đường giao thiệp, không biết tiết kiệm. Cụ chỉ ra nguyên nhân xuất phát từ người kinh doanh kiến thức không giỏi, quyết đoán không rành lại chịu ảnh hưởng bởi phong tục cổ hủ

Cụ Can khuyến khích người kinh doanh phải thay đổi từ nhận thức đến hành động, phải hiểu rõ kinh doanh là nghề khó nên phải học hỏi, phải siêng năng, phải có trí lực, biết tính toán mới tích tiểu thành đại. Đồng thời, cụ cũng cực lực phê phán người chỉ biết lợi dụng thời cơ phất lên mà không có đức, có tài, sử dụng mánh lới gian trá trong kinh doanh. Bởi sự gian trá xuất phát từ tham lợi, không chỉ làm hại người tiêu dùng, mà về lâu dài còn làm hại chính bản thân. Do đó, người kinh doanh phải hiểu được nghề buôn bán phải vì lợi ích quốc gia, lợi ích cộng đồng chứ không chỉ bo bo vì lợi ích bản thân. Cụ khẳng định thời đại mới, tư duy phải đổi mới.

"Đương thời buổi thế giới cạnh tranh này, các nước phú cường không đâu là chẳng đua tài, thi sức, ở trong trường thương chiến, văn minh càng tiến bộ, buôn bán càng thịnh đạt. Việc buôn bán thịnh suy có quan hệ đến quốc dân thịnh - suy như thế, ta há nên coi thường xem khinh sao được".

Ngày nay, thông qua tư tưởng kinh doanh của cụ Can, giới doanh nhân Việt Nam đã mạnh dạn kinh doanh, lấy kinh doanh để làm cho nước mạnh dân giàu, trau dồi tư cách nhà buôn cho trọn vẹn, thu lấy cái tinh thần, dụng tâm học lấy đạo kinh doanh để từ đó không ngừng phát huy những giá trị cao đẹp mà "Người thầy đầu tiên" đã truyền đạt lại.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Nghĩ về cụ Lương Văn Can - người thầy đầu tiên của giới doanh nhân Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO