Doanh nhân Ngô Tử Hạ: Một người yêu nước mẫu mực - Kỳ 1

Thanh An| 14/11/2022 09:00

Được Tạp chí Nam Phong (ra hằng tháng, phát hành từ tháng 7/1917 đến tháng 12/1934) chọn là một trong 300 nhân vật nổi tiếng của Đông Dương những năm 1940, Ngô Tử Hạ không chỉ là doanh nhân thành đạt trong lĩnh vực in ấn mà còn là nhà tư sản dân tộc, nhân sĩ yêu nước, đại biểu cao tuổi nhất Quốc hội Khóa I của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

-5606-1667983648.jpg

Chân dung Ngô Tử Hạ

Ngô Tử Hạ sinh năm 1882 trong một gia đình theo đạo Thiên Chúa tại làng Quy Hậu, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình. Thân sinh ông là một nhà nông, thân mẫu là một phụ nữ rất giỏi nghề nuôi tằm, lấy kén, ươm tơ, vì thế nên kinh tế gia đình ổn định, con cái có điều kiện học hành.

Thuở nhỏ, Ngô Tử Hạ theo học trường dòng. Với trí thông minh, trí nhớ tuyệt vời và giỏi tiếng Pháp, ông luôn được xếp là học sinh nhất lớp. 

Năm 17 tuổi, vợ qua đời, Ngô Tử Hạ quyết định rời vùng quê nghèo khó, để lại hai con thơ cho người thân nuôi dưỡng, lên Hà Nội tìm kế sinh nhai. Sau khi thử qua nhiều việc, Ngô Tử Hạ “bén duyên” với nghề in.

Lúc đầu, ông nhận làm cho một cơ sở in vỏ bao thẻ hương của Pháp. Với sự thông minh và sử dụng tiếng Pháp thành thạo, Ngô Tử Hạ đọc các tài liệu kỹ thuật về in ấn để không ngừng cải tiến, nâng cao năng suất lao động, tăng thu nhập cho bản thân.

Năm 1911, với số vốn dành dụm trong nhiều năm, Ngô Tử Hạ quyết định kinh doanh riêng, mua máy in và mở một nhà in nhỏ tại phố Hàng Gai, Hà Nội. Công việc ổn định, kinh tế gia đình cải thiện, ông đón hai con lên Hà Nội.

Không lâu sau, Ngô Tử Hạ tái hôn với một phụ nữ khác. Với sự giúp đỡ của gia đình nhà vợ, sự nghiệp kinh doanh in ấn của ông liên tục phát triển, Ngô Tử Hạ lập thêm nhà in lớn hơn ở 24 phố Lý Quốc Sư với nhiều máy in hiện đại và đội ngũ thợ lành nghề.

Nhờ quản lý nhà in chặt chẽ, chất lượng in tốt, giá cả cạnh tranh cùng các mối quan hệ rộng, nhà in Ngô Tử Hạ trở thành điểm kinh doanh thu hút nhiều khách hàng, từ người Việt đến người Pháp. Đến trước Cách mạng Tháng Tám 1945, Ngô Tử Hạ trở thành chủ sở hữu nhiều nhà in tại Hà Nội.

-4531-1667983648.jpg

Ngô Tử Hạ (bên phải) và các thành viên Chính phủ Cách mạng - Nguồn: Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Các cơ sở in ấn của ông đã in tác phẩm của nhiều nhân sĩ, trí thức yêu nước, như Phạm Quỳnh, Nguyễn Văn Vĩnh, Mai Đăng Đệ, Nguyễn Văn Tố, Tản Đà... Đặc biệt, Tạp chí Đông Thanh của nhà in Ngô Tử Hạ do ông làm giám đốc đã giới thiệu những nghiên cứu của nhiều nhà văn, nhà báo khẳng định các giá trị văn hóa phương Đông, văn hóa Việt Nam.

Ông còn là thành viên Ban Trị sự Tạp chí Nam Phong và hội viên Hội đồng thành phố Hà Nội. Trong 40 năm đầu thế kỷ XX, Ngô Tử Hạ trở thành nhà tư sản nổi tiếng nhất Đông Dương trong lĩnh vực in ấn, một doanh nhân giàu có vào bậc nhất đất Hà thành.

Không chỉ là doanh nhân thành đạt trong lĩnh vực in ấn, Ngô Tử Hạ còn là một nhà hoạt động xã hội. Ông đã cùng Nguyễn Văn Tố thành lập Hội Truyền bá chữ Quốc ngữ. Sau Cách mạng Tháng Tám, ông tham gia Ban vận động phong trào Bình dân học vụ do Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động. Các nhà in của ông trở thành nơi in một lượng lớn sách miễn phí phục vụ phong trào Bình dân học vụ, luôn dốc sức hỗ trợ phong trào nâng cao dân trí, giúp đỡ người nghèo.

-6348-1667983648.jpg

Ngô Tử Hạ kéo xe quyên góp và phân phối gạo trong ngày cứu đói - Nguồn: diendandoanhnghiep.vn

Dù có nhiều mối quan hệ kinh doanh với người Pháp, song Ngô Tử Hạ rất căm ghét sự cai trị của thực dân Pháp đối với đất nước và nhân dân Việt Nam. Ông thường giao hảo với nhiều nhà yêu nước như Huỳnh Thúc Kháng, Nguyễn Văn Tố, Bùi Bằng Đoàn... Từ trước Cách mạng Tháng Tám, Ngô Tử Hạ đã bí mật ủng hộ hàng tạ con chữ chì dùng để in tài liệu, truyền đơn kêu gọi nhân dân đánh Pháp, đuổi Nhật, ủng hộ Mặt trận Việt Minh.

Đầu năm 1945, Ngô Tử Hạ chính thức tham gia Mặt trận Việt Minh. Các nhà in của ông trở thành cơ sở in sách báo, tài liệu, truyền đơn tuyên truyền, cổ động cách mạng, đặc biệt là in Lệnh Tổng khởi nghĩa của Ủy ban Dân tộc Giải phóng Việt Nam thôi thúc đồng bào vùng lên giành chính quyền trong những ngày Cách mạng Tháng Tám sục sôi.

-5274-1667983648.jpg

Các doanh nhân, nhân sĩ đóng góp cho Chính phủ Cách mạng - Nguồn: Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Sau Cách mạng Tháng Tám, Ngô Tử Hạ tích cực tham gia vào các phong trào do Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động và đóng góp không ít tài sản cho Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa còn non trẻ. Ông làm cầu nối thương thuyết giữa Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa với cựu hoàng Bảo Đại để vị vua cuối cùng của chế độ phong kiến Việt Nam chấp nhận thoái vị và nhận làm cố vấn cho Chính phủ mới thành lập.

Trong thời gian đầu xây dựng chính quyền nhân dân, Ngô Tử Hạ là cố vấn của Hồ Chủ tịch, được Người tin cậy và tham khảo ý kiến. Chuyện kể rằng, khi Hồ Chủ tịch hỏi cụ làm lễ Tuyên ngôn Độc lập thì nên chọn ngày nào, cụ đề nghị chọn ngày 2/9 vì ngày đó là ngày Chủ nhật.

Trong phong trào chống giặc đói, Ngô Tử Hạ nhận trách nhiệm lãnh đạo Hội Cứu tế, Cứu đói của Chính phủ. Ông đeo khăn xép, mặc áo the, kéo xe bò đi đầu đoàn người qua các phố của Hà Nội kêu gọi quyên góp tiền của cứu đói, tham gia kiểm tra và áp tải vận chuyển gạo từ Hà Nội lên Hà Đông trên đoàn xe điện. Tại Nhà thờ lớn Hà Nội, ông đã cùng Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhiều vị lãnh đạo cách mạng làm lễ cầu siêu cho 2 triệu đồng bào chết đói do đế quốc, thực dân gây ra vào cuối năm 1944, đầu năm 1945.

-2662-1667983649.jpg

Ngô Tử Hạ (bên trái) và các thành viên Hội Truyền bá chữ Quốc ngữ - Nguồn: diendandoanhnghiep.vn

Với những đóng góp cho Chính phủ Cách mạng và giữ vai trò cố vấn bên cạnh Chủ tịch Hồ Chí Minh, với sự ủng hộ của Việt Minh và đông đảo người dân Ninh Bình, Ngô Tử Hạ trúng cử đại biểu Quốc hội Khóa I - 1946 khi ở tuổi 64. Tại phiên họp đầu tiên của Quốc hội Khóa I ngày 2/3/1946, Ngô Tử Hạ nhậm chức Chủ tịch Đại hội đồng, Chủ tọa Kỳ họp, trịnh trọng đọc lời khai mạc và Tuyên ngôn Quốc hội.

Tuyên ngôn khẳng định: “Chủ quyền của nước Việt Nam độc lập thuộc về toàn thể dân Việt Nam. Vận mệnh quốc gia Việt Nam là ở trong tay Quốc hội Việt Nam, chính thể của nước Việt Nam là chính thể dân chủ cộng hòa, có nhiệm vụ bảo vệ tự do và mưu đồ hạnh phúc cho mọi tầng lớp nhân dân. Các dân tộc ở trên lãnh thổ Việt Nam đều có quyền hạn và nhiệm vụ ngang nhau”. Trong kỳ họp này, Ngô Tử Hạ được bầu vào Ban Thường trực Quốc hội. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Doanh nhân Ngô Tử Hạ: Một người yêu nước mẫu mực - Kỳ 1
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO