Chân dung

Ông Johnathan Hạnh Nguyễn - Nhà tư bản với trái tim của người theo chủ nghĩa xã hội

Trọng Nghĩa 11/02/2025 07:26

Doanh nhân Johnathan Hạnh Nguyễn bước trên thảm đỏ, trong tiếng vỗ tay của hơn 400 lãnh đạo cấp cao và chuyên gia toàn cầu của hơn 80 doanh nghiệp trong lĩnh vực thương mại hàng không, bán lẻ đến từ 30 quốc gia trên thế giới có mặt hôm đó.

Ông Johnathan Hạnh Nguyễn là một nhà tư bản với tư duy chiến lược sắc bén và một trái tim tràn đầy tinh thần nhân văn. Với tầm nhìn của một doanh nhân, ông không ngừng nỗ lực tạo ra của cải, mở rộng doanh nghiệp và mang lại hàng nghìn cơ hội việc làm. Nhưng hơn cả lợi nhuận, ông lựa chọn con đường kinh doanh công bằng, minh bạch và giàu tính nhân văn, nơi giá trị cốt lõi không chỉ nằm ở sự thành công mà còn ở sự đóng góp bền vững cho cộng đồng.

Năm 2024, tại The Trinity Forum Forum (Diễn đàn Thương mại - Bán lẻ hàng đầu thế giới trong lĩnh vực hàng không) ở TP.HCM, ông Johnathan Hạnh Nguyễn bước trên thảm đỏ, trong tiếng vỗ tay của hơn 400 lãnh đạo cấp cao và chuyên gia toàn cầu của hơn 80 doanh nghiệp trong lĩnh vực thương mại hàng không, bán lẻ đến từ 30 quốc gia trên thế giới có mặt hôm đó.

Ông Martin Moodie - Nhà sáng lập Trinity Forum đã trực tiếp trao tặng cho ông Johnathan Hạnh Nguyễn Giải thưởng “Thành tựu trọn đời cho cá nhân xuất sắc có những cống hiến quý báu trong lĩnh vực thương mại hàng không”.

0355bazaar-tl23-foto-kiengcan-(1).jpeg
Ông Johnathan Hạnh Nguyễn có cái đầu của nhà tư bản và trái tim của một người theo chủ nghĩa xã hội

Hơn 30 năm qua, ông Johnathan Hạnh Nguyễn không ít lần tỏa sáng trong những lễ vinh danh doanh nhân. Thế nhưng, điều ông trăn trở hơn cả không phải là ánh hào quang, mà là cách đưa Việt Nam lên bản đồ kinh tế thế giới. Ông luôn hướng về những cơ hội thu hút doanh nghiệp quốc tế, mở đường cho các nhà đầu tư tham gia vào thị trường dịch vụ hàng không và bán lẻ tại các sân bay, góp phần thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế đất nước.

Năm 1985, giữa bối cảnh Việt Nam vẫn đang gánh chịu lệnh cấm vận và đối mặt với muôn vàn khó khăn sau chiến tranh, ông Johnathan Hạnh Nguyễn đã đóng vai trò tiên phong trong việc hỗ trợ Hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines thiết lập đường bay đầu tiên đến Philippines. Đây không chỉ là một cột mốc quan trọng trong lịch sử hàng không Việt Nam mà còn là cầu nối đầu tiên giúp đất nước dần mở cửa với thế giới.

Trước đó, việc giao thương quốc tế gặp nhiều trở ngại, nguồn hàng hóa thiết yếu như thực phẩm, thuốc men và kiều hối từ cộng đồng người Việt ở Mỹ muốn gửi về nước phải qua nhiều trung gian, mất thời gian và chi phí lớn. Tuyến bay trực tiếp giữa Việt Nam và Philippines đã thay đổi hoàn toàn cục diện, giúp việc vận chuyển trở nên nhanh chóng và thuận lợi hơn. Những chuyến hàng cứu trợ, những khoản tiền kiều hối quý giá đã kịp thời về đến quê hương, trở thành điểm tựa quan trọng giúp hàng triệu gia đình Việt Nam vượt qua giai đoạn gian nan nhất.

Không chỉ mang ý nghĩa kinh tế, tuyến bay này còn có giá trị chiến lược khi góp phần đặt nền móng cho sự hội nhập quốc tế của Việt Nam. Nó thể hiện một bước đi táo bạo, phá bỏ rào cản cô lập, giúp thế giới dần có cái nhìn cởi mở hơn về một Việt Nam đang vươn mình sau những năm dài chiến tranh. Và ở chính bước ngoặt quan trọng đó, ông Johnathan Hạnh Nguyễn đã ghi dấu ấn sâu sắc với tầm nhìn xa và tinh thần tiên phong đầy nhiệt huyết.

Tập đoàn IPPG cũng thành lập thời gian này. Dưới sự dẫn dắt của ông, IPPG tạo vị thế vững mạnh trong ngành bán lẻ hàng hiệu. Đặc biệt, ông đã tham gia quá trình cổ phần hóa, tái cấu trúc Công ty CP Dịch vụ Hàng không Sân bay Tân Sơn Nhất (Sasco) và Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh. Tháng 4/2017, ông Johnathan Hạnh Nguyễn trở thành Chủ tịch HĐQT Sasco, được công chúng và giới đầu tư quan tâm nhiều hơn.

Sasco hiện là một trong những doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực quản lý hệ thống cửa hàng miễn thuế và phòng chờ thương gia tại các sân bay lớn như Tân Sơn Nhất và Cam Ranh. Công ty cũng đang đầu tư vào lĩnh vực bất động sản nghỉ dưỡng và cung cấp suất ăn hàng không, hứa hẹn tiếp tục duy trì đà tăng trưởng trong tương lai. Năm 2024, Sasco vừa trải qua một năm kinh doanh với kết quả rực rỡ cả về doanh thu, lợi nhuận.

Tuy nhiên, Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh mới là “đứa con” ông cưng nhất. Suốt mấy năm dịch Covid-19 hoành hành, cảng hàng không này “đóng băng”, sụt giảm tần suất. Song đó lại là cơ hội để ông mở rộng đầu tư nâng công suất phục vụ từ 2,5 triệu đến 4 triệu lượt khách/năm theo thiết kế. Nhưng thực tế, số khách lên tới 8 - 10 triệu lượt.

“Tôi tin là ngành du lịch sẽ bùng nổ trở lại và sẽ tạo một làn sóng mới mạnh mẽ hơn. Đây là thời cơ để Việt Nam chuẩn bị hạ tầng hàng không thật tốt để đón làn sóng này. Cơ hội đang trong tầm tay, tôi chấp nhận lùi một bước, tiến 10 bước”, ông nói.

Ông không giấu vẻ tự hào khi nói đến thành công trong thuyết phục Stefano Ricci về Việt Nam, không kém khi ông thuyết phục được Bally và Ferragamo là hai thương hiệu đầu tiên quyết định gật đầu hợp tác với IPPG 24 năm trước.

Hiện giờ ông không chỉ có một mình. Ông tiết lộ, IPPG đang thúc đẩy việc chuyển giao và kế thừa, mà việc tăng cường lượng thương hiệu phân phối ở Việt Nam chỉ là một trong số các kế hoạch. Mỗi thành viên trong gia đình hiện đảm nhiệm một kế hoạch phát triển trọng tâm.

Trong đó, bà Lê Hồng Thủy Tiên sẽ đẩy mạnh dự án phát triển cửa hàng miễn thuế ở trung tâm thành phố cùng các khu mua sắm hàng hiệu giảm giá (outlet). Hai con của ông là Jacqueline Tiên Nguyễn, Phó tổng giám đốc của DAFC và Louis Nguyễn, CEO của ACFC được giao lại mảng phân phối hàng hiệu.

Các con ông sẽ lên chiến lược tung ra các thương hiệu cao cấp do Tập đoàn sản xuất, không giới hạn trong ngành thời trang, mà còn cả trong lĩnh vực làm đẹp, sức khỏe… Mục tiêu của Tập đoàn là đưa những thương hiệu này phân phối ở cả Việt Nam và thế giới.

Ông kể, mình vô cùng ngạc nhiên khi các con đã nâng số lượng 100 cửa hàng khi nhận chuyển giao lên đến 138 chỉ trong mấy năm qua. 50% trong số các thương hiệu đều đến từ Ý, một trong những cái nôi của thời trang ở châu Âu...

Ông được gọi là tỷ phú, tức là gắn nhiều hơn với nhà tư bản. Để miêu tả khía cạnh doanh nhân của ông, có lẽ hợp lý khi dùng từ “nhà tư bản nhiệt huyết”. Bởi thông thường, một nhà tư bản đam mê, nhiệt huyết là người có cái đầu của nhà tư bản và trái tim của một người theo chủ nghĩa xã hội.

img_7269.jpg

Còn doanh nghiệp của nhà tư bản nhiệt huyết là IPPG - cũng sẽ luôn đặt mục tiêu doanh thu và sinh lời nhất, nhưng cũng phải trở thành một tên tuổi kinh doanh hàng xa xỉ, cao cấp với các mảng liên quan một cách đáng kính nể nhất.

Doanh nhân Johnathan Hạnh Nguyễn sinh năm 1951, tốt nghiệp MBA tại Đại học Seattle (Mỹ) và từng đảm nhiệm vai trò thanh tra tài chính tại Boeing Subcontractor (Mỹ). Với nhiều năm sinh sống và làm việc tại Philippines, ông tích lũy được kinh nghiệm sâu rộng trong lĩnh vực tài chính, hàng không và kinh doanh quốc tế.

Đầu thập niên 1990, khi giữ chức Trưởng đại diện Hãng hàng không Philippines tại Việt Nam, ông đã đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối thị trường Việt Nam với các tập đoàn quốc tế. Một trong những dấu ấn lớn nhất của ông là làm cầu nối giúp Tập đoàn DFS - công ty thuộc Tập đoàn xa xỉ hàng đầu thế giới Louis Vuitton Moet Hennessy (LVMH) - đưa các thương hiệu cao cấp đầu tiên vào Việt Nam. Đây không chỉ là bước khởi đầu cho thị trường hàng hiệu trong nước, mà còn đặt nền móng cho sự phát triển của ngành bán lẻ cao cấp, góp phần thay đổi thói quen tiêu dùng và nâng tầm trải nghiệm mua sắm của người Việt trong những năm sau đó.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Ông Johnathan Hạnh Nguyễn - Nhà tư bản với trái tim của người theo chủ nghĩa xã hội
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO