Kỳ 1: Chủ bút tờ báo kinh tế đầu tiên ở Nam Kỳ
Doanh nhân Lương Khắc Ninh |
Lương Khắc Ninh tự là Dũ Thúc, hiệu Dị Sử Thị, sinh năm 1862 tại làng An Hội, tổng Bảo Hựu, phủ Hoằng Trị, tỉnh Vĩnh Long (nay thuộc thành phố Bến Tre, tỉnh Bến Tre). Mặc dù ra đời ở Bến Tre nhưng Lương Khắc Ninh có quê gốc làng Bảo An, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Thân sinh của Lương Khắc Ninh là ông Lương Khắc Huệ (tục gọi là ông Mười Lớn) và bà Võ Thị Bường. Về sau, gia đình Lương Khắc Ninh di cư vào Nam lập nghiệp không rõ năm nào rồi định cư ở tỉnh Bến Tre.
Lương Khắc Ninh sớm tiếp xúc nền Nho học đương thời và nghề làm thuốc Đông y từ cha. Vào năm 1876, khi thực dân Pháp đã chiếm hoàn toàn Nam Kỳ và bắt đầu thiết lập chế độ thuộc địa trên khắp Lục tỉnh, Lương Khắc Ninh đã từ bỏ “con đường của một nhà Nho”, chuyển sang học chữ Quốc ngữ và chữ Pháp tại trường tỉnh theo chương trình giáo dục cưỡng bức của chính quyền thuộc địa bấy giờ.
Được tiếp xúc với nền học thuật phương Tây, lại là người thông minh, học ít biết nhiều, Lương Khắc Ninh tốt nghiệp trung học tại Trường Le Myre De Vilers (nay là THPT Nguyễn Đình Chiểu) ở Mỹ Tho. Sau khi tốt nghiệp, do thông thạo tiếng Pháp nên Lương Khắc Ninh đã có cơ hội làm việc tại Sở Thương chánh Bến Tre từ năm 1880-1883. Đến năm 1899, ông chuyển qua làm thông ngôn tại Tòa án Bến Tre và là thành viên Hội đồng Quản hạt Bến Tre. Đến năm 1900, Lương Khắc Ninh thôi việc ở tòa án, lên Sài Gòn viết báo và chỉ một năm sau, trở thành chủ bút của tờ Nông cổ mín đàm, với các số báo ra mắt định kỳ thứ 5 hằng tuần và được xem là tờ báo kinh tế đầu tiên bằng chữ Quốc ngữ tại Việt Nam.
Nông cổ mín đàm do một điền chủ và một thương gia người Pháp đã lập nghiệp ở Nam Kỳ 20 năm, đồng thời là ủy viên Hội đồng Thuộc địa Nam Kỳ tên là Paul Canavaggio sáng lập và làm chủ nhiệm với tên tiếng Pháp là Causeries sur lagriculture et le commerce. Báo Nông cổ mín đàm được Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer cấp phép hoạt động vào ngày 14/2/1901. Thời gian đầu, trụ sở tòa soạn đặt ở số 84 đường La Grandiere, Sài Gòn (nay là đường Lý Tự Trọng, quận 1, TP.HCM).
Tên báo Nông cổ mín đàm được in bằng chữ Quốc ngữ với ý nghĩa là uống trà bàn chuyện làm ruộng và đi buôn, bên dưới là 4 chữ Nông cổ mín đàm bằng chữ Hán, sau cùng là một hàng chữ Pháp. Khi ông Canavaggio sáng lập tờ Nông cổ mín đàm, mục đích được nêu khá rõ: “Thứ nhất, vì ông Chủ nhiệm Canavaggio đã gắn bó với Nam Kỳ hai mươi năm chẵn, có lòng thương mến đất và người phương Nam; thứ hai, theo mục Bổn quán cẩn tín (số đầu tiên, 1/8/1901) mục đích xuất bản của Nông cổ mín đàm: “Hai mươi năm chẳng miền Nam thổ, nay đã tiêm thành cơ chỉ quy mô... Thương Nam thổ dường như cố thổ, mến Nam nhơn quá bằng Tây nhơn, muốn sao cho nông - cổ phấn hành, sanh đại lợi cùng nhau cộng hưởng. Vậy ra sức lập nên nhựt báo thông trình nhau mà lại rộng chỗ kiến văn, lần lần liệu ta cử đồ đại sự. Trong Đông cảnh Cao-ly, Nhựt-bổn, nước Xiêm-la cùng nước Đại-thanh đâu đâu cũng đều có công văn nhựt báo. Há lục tỉnh anh hùng trí dõng, lại khoanh tay ngồi vậy mà xem, không thi thố cùng người mà trục lợi. Nay nhờ lượng quan trên nghị chuẩn, cho ấn hành Nông cổ mín đàm. Vậy xin lục dịch lảm tàng, mà gắn sức giúp nhau nên việc”.
Khi tờ báo được chính quyền thuộc địa chính thức cấp phép hoạt động, Lương Khắc Ninh đã tham gia viết bài cho số báo đầu tiên vào ngày 1/8/1901. Là ngòi bút chủ lực của Nông cổ mín đàm, Lương Khắc Ninh được ông Canavaggio tin tưởng giao quyền điều hành và vị trí chủ bút thay “vị chủ nhơn người Pháp” ngay từ những ngày đầu tờ báo đi vào hoạt động.
Do là một tờ báo tư nhân không được chính quyền thuộc địa tài trợ, trong hai năm đầu hoạt động, Nông cổ mín đàm đã chật vật về tài chính. Vì thế, chủ bút Lương Khắc Ninh đã viết kêu gọi độc giả trả tiền báo khi mua dài hạn. Nhờ sự điều hành của ông, sau hai năm hoạt động, tờ báo ngày càng phát triển và ổn định về tài chính. Với phạm vi phổ hầu khắp xứ Nam Kỳ Lục tỉnh, sau gần hai năm phát hành Nông cổ mín đàm đã có 325 người mua báo, chủ yếu là quan chức và điền chủ như cai tổng, hội đồng, hương chủ, tri huyện và công chức nhà nước - những người biết đọc chữ Quốc ngữ và quan tâm đến các vấn đề mà tờ báo đề cập.
Giữ vị trí chủ bút của Nông cổ mín đàm từ năm 1901-1906, Lương Khắc Ninh đặc biệt quan tâm viết cho chuyên mục Thương cổ luận mô tả, phản ánh và phân tích những thói hư tật xấu của người Việt, cả trong tư duy lẫn trong hành xử, không chỉ riêng trong lĩnh vực thương nghiệp như tham lợi vô cớ, ham cờ bạc để mau giàu nhanh (số 8), thích dùng hàng ngoại quốc, không giữ chữ tín (số 15), lãng phí thời gian, quanh năm chỉ biết một nghề làm nông (số 51), dễ làm khó bỏ, thiếu kiên nhẫn (số 53), vừa giàu có đã vội khinh miệt kẻ nghèo hèn (số 54)... Mục đích của Lương Khắc Ninh và tờ Nông cổ mín đàm là để chỉ ra những lực cản đã và đang ngăn trở dân tộc Việt Nam dấn bước trên con đường canh tân làm cho dân phú quốc cường. Qua đó, kêu gọi người Việt đoàn kết, hùn vốn để kinh doanh, làm giàu cho mình và cạnh tranh với tư sản Pháp, thương nhân Hoa kiều và Ấn kiều.
Đường La Grandiere (nay là đường Lý Tự Trọng, TP.HCM) - nơi đặt tòa soạn báo Nông cổ mín đàm (Nguồn: flickr.com) |
Sức ảnh hưởng của Nông cổ mín đàm rất lớn, đặc biệt là ở giới trí thức và tư sản Nam Kỳ. Nhiều nhà tư sản như Trần Chánh Chiếu, Nguyễn Thần Hiến... và những trí thức có tiếng đương thời như Nguyễn An Khương, Nguyễn Chánh Sắt, Lê Hoằng Mưu, Nguyễn Kim Đính... cũng tích cực tham gia viết bài cho Nông cổ mín đàm. Qua đó, Nông cổ mín đàm trở thành cơ quan ngôn luận của giai cấp tư sản Nam Kỳ đầu thế kỷ XX và là tiếng nói chung của người Việt Nam trên con đường thương nghiệp, canh tân đất nước.
Ngoài việc điều hành Nông cổ mín đàm, Lương Khắc Ninh còn dấn thân vào hoạt động chính trị. Năm 1902, ông đắc cử vào Hội đồng Quản hạt Nam Kỳ. Đến năm 1906 tiếp tục được bổ nhiệm làm thành viên của Hội đồng Tư vấn Đông Dương, nên người đương thời gọi ông là Hội đồng Ninh. Do phải tham gia vào chính trường, sau 5 năm làm chủ bút Nông cổ mín đàm, Lương Khắc Ninh từ chức và đưa Trần Chánh Chiếu thay thế vị trí của ông. Tuy nhiên, đến ngày 5/10/1908, Lương Khắc Ninh quay lại làm chủ bút Nông cổ mín đàm và Lục tỉnh tân văn sau sự kiện Trần Chánh Chiếu bị chính quyền thực dân Pháp bắt giam do có liên hệ với phong trào Đông Du của Phan Bội Châu.
Là nhân vật có ảnh hưởng lớn trên chính trường và thương trường xứ Nam Kỳ Lục tỉnh, Lương Khắc Ninh cùng với Trần Chánh Chiếu là những người đi tiên phong trong cải cách kinh tế cho người Việt ở Nam Kỳ thông qua báo chí.