Kỳ 2: Nhà tư sản tiêu biểu của thế hệ doanh nhân Việt Nam đầu tiên
Không chỉ thành công trên lĩnh vực kinh doanh hàng hải, Bạch Thái Bưởi còn tiến xa hơn trên thương trường. Là một người mơ mộng, có chí tiến thủ, ông tiếp tục bỏ vốn kinh doanh trên nhiều lĩnh vực khác với mộng ước trở thành một nhà kinh doanh tổng hợp hiện đại. Ông tham gia đấu thầu thu thuế ở chợ Rồng, Nam Định, chợ Vinh, Nghệ An, lĩnh cấp nước sinh hoạt ở Thái Bình, mở nhà hàng kiểu Tây ở Thanh Hóa. Nhưng một lĩnh vực kinh doanh đem lại nhiều lợi nhuận cho ông bên cạnh ngành vận tải hàng hải là khai thác mỏ. Thời bấy giờ, ngành khai thác mỏ tại Việt Nam chủ yếu dành cho người Pháp, đặc biệt là mỏ than.
Năm 1928, Bạch Thái Bưởi đem hết tài sản, dốc hết sức vào việc khai mỏ. Nhờ khéo léo và mưu mẹo, ông được chính quyền Pháp cấp phép khai mỏ ở vùng Quảng Yên. Ông nhận thức rõ muốn hơn người Pháp trong việc khai mỏ cần phải có người điều hành thấu đáo kỹ thuật, giỏi quản trị. Cho nên ông nhờ người thân tín ở Pháp tuyển dụng ở các trường kỹ thuật những người có tài năng về Việt Nam làm việc. Nhờ tầm nhìn xa trông rộng, Bạch Thái Bưởi trở thành chủ sở hữu của mỏ than Bí Chợ, Quảng Yên với trữ lượng rất lớn. Vì thế, ông còn được mệnh danh là “vua mỏ Việt Nam”.
Bạch Thái Bưởi còn bỏ vốn kinh doanh bất động sản tại Đồ Sơn, Hải Phòng và ấp ủ dự định xây một nhà máy xay lúa ở Nam Định với những thiết bị tân tiến mua của Đức. Ông còn muốn tham gia xây dựng nhà máy nước, xây dựng nhà máy điện ở thành phố Nam Định và cả việc xây dựng tuyến đường sắt Nam Định - Hải Phòng, nhưng tiếc là do hoàn cảnh đất nước lúc bấy giờ nên ông chưa thực hiện được những dự định ấy.
Thống sứ Bắc Kỳ đề nghị tặng Huân chương Bắc Đẩu bội tinh cho doanh nhân Bạch Thái Bưởi năm 1922 (Nguồn: Trung tâm Lưu trữ Quốc gia 1) |
Một đóng góp quan trọng nữa là Bạch Thái Bưởi kinh doanh văn hóa bằng việc xây dựng Đông Kinh ấn quán và xuất bản nhật báo Khai hóa với mong muốn góp công sức vào việc khai dân trí, cổ động phong trào thực nghiệp và bảo vệ quyền lợi cho giới tư sản Việt Nam.
Cùng với nhà in Ngô Tử Hạ được dựng lên ở một trong những phố trung tâm của Hà Nội - phố Hàng Gai, Đông Kinh ấn quán được xem là một trong những xưởng in đầu tiên do người Việt chủ trương xây dựng ở Hà Nội. Ban đầu, Bạch Thái Bưởi xuất vốn xây dựng rồi chuyển lại cho người em rể là Lê Văn Phúc quản lý. Nhà in chuyên nhận in sách báo, tạp chí và những ấn phẩm phổ biến thời đó. Đồng thời, nhà in còn cộng tác với Nam Phong tạp chí - một trong những tạp chí nổi tiếng đương thời do Phạm Quỳnh làm chủ bút, sau này là cơ quan ngôn luận của Hội Khai trí tiến đức để in và phát hành các ấn phẩm của họ.
Sở hữu được nhà in nên Bạch Thái Bưởi cho ra đời tờ báo hằng ngày mang tên Khai hóanhật báo với số đầu tiên ra ngày 15/7/1921. Trên măng sét của báo có ghi người sáng lập là Bạch Thái Bưởi. Tôn chỉ của Khai hóa nhật báo là: “Một là giúp đồng bào ta tự khai hóa cho nhau, dạy bảo lẫn nhau, kiềm chế lẫn nhau, giữ cho cái cũ biến cải một cách điều hòa phải lẽ, dung hợp cái văn hóa cũ với văn minh mới, giúp vào sự truyền bá và sự tiến hóa của quốc văn cũng là mở mang con đường thực nghiệp... Hai là giãi bày cùng chính phủ bảo hộ những sự yêu cầu thiết thực chính đáng của quốc dân. Ba là diễn giải những ý kiến, những sự lợi ích của các công cuộc chính phủ đang trù ích...”. Khai hóa nhật báo của Bạch Thái Bưởi đã phát động và cổ súy tinh thần làm giàu, chấn hưng kinh tế của người Việt với mong muốn “dân giàu thì nước mới giàu được”.
Tờ Khai hóanhật báo của doanh nhân Bạch Thái Bưởi (Nguồn: Thư viện Quốc gia Việt Nam) |
Tuy nhiên, vận may kinh doanh của Bạch Thái Bưởi không kéo dài lâu. Bắt đầu từ năm 1926, sự nghiệp kinh doanh của ông gặp nhiều khó khăn. Năm đó, tàu An Nam của Giang hải luân thuyền Bạch Thái Công ty chở 150 tấn xi măng bị chìm, gây tổn hại ước tính tới 60 vạn đồng Đông Dương. Sau đó liên tiếp nhiều rủi ro xảy đến với Bạch Thái Bưởi. Lượng hành khách trên tàu thủy giảm dần do đi lại bằng đường sắt và đường bộ tiện lợi và rẻ hơn, cùng với đó là tác động mạnh mẽ của cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới 1929-1933 dẫn đến nhiều thiệt hại to lớn cho Giang hải luân thuyền Bạch Thái Công ty. Ngày 5/4/1929, Giang hải luân thuyền Bạch Thái Công ty chính thức tuyên bố phá sản.
Với việc công ty bị phá sản, Bạch Thái Bưởi đã phải bán hết tàu, xưởng để vớt vát tiền vốn nhằm gắng gượng một lần nữa trong sự nghiệp kinh doanh bằng việc chuyển hướng đầu tư sang ngành khai thác mỏ. Ông lập ra Công ty Khai thác than Bạch Thái Bưởi với mỏ than Bí Chợ (Quảng Yên), là nơi khai thác tập trung. Tuy nhiên, vận may kinh doanh đã không mỉm cười với ông lần nữa. Trước sự thay đổi của thương trường Việt Nam và thế giới đầu thập niên 1930, tài sản của Bạch Thái Bưởi dần cạn kiệt. Ngày 22/7/1932, trong một cơn đau tim, doanh nhân Bạch Thái Bưởi đã qua đời đột ngột tại Hải Phòng, khi sắp sang tuổi 58, sau 20 năm ngang dọc trên thương trường với những thành công vượt bậc trong kinh doanh, tạo nên tên tuổi lừng danh của một nhà tư sản Việt Nam tiêu biểu thuộc thế hệ doanh nhân đầu tiên.
Sự ra đi của ông để lại niềm thương tiếc lớn đối với giới tư sản Việt Nam đương thời. Trong điếu văn của Hội Khai trí tiến đức tiễn ông về nơi an nghỉ cuối cùng đã ghi nhận: “Bạch Thái Bưởi thực sự là một bậc vĩ nhân ở đất Bắc, một bậc trượng phu nơi thương trường mà lịch sử của ông đáng phô bày cho quốc dân biết, sự nghiệp của ông đáng làm gương cho các nhà buôn noi theo”.
Ngày nay, danh tiếng của Bạch Thái Bưởi được nhiều người biết đến thông qua câu vè về “tứ đại phú hộ” xứ Bắc Kỳ: “Nhất Bưởi, nhì Phu, tam Thu, tứ Tín”. Ở Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Nha Trang đều có đường mang tên Bạch Thái Bưởi.