Doanh nhân Huỳnh Đình Điển: Nhà tư sản hết lòng với các phong trào yêu nước (Kỳ 1)

Thanh An| 15/02/2023 01:00

Doanh nhân Huỳnh Đình Điển (chưa rõ năm sinh, năm mất) là người làng Thành Phố, tổng Hòa Lạc Hạ, tỉnh Gò Công (nay thuộc thị xã Gò Công, tỉnh Tiền Giang). Hiện không có nhiều thông tin về xuất thân của ông nhưng ông đã để lại tiếng thơm của một nhà kinh doanh hết lòng yêu nước.

Kỳ 1: Minh Tân khách sạn: Khách sạn đầu tiên của người Việt ở Mỹ Tho

-5344-1676014158.jpg

Doanh nhân Huỳnh Đình Điển

Thành phố Mỹ Tho từng có một khách sạn rất nổi tiếng nằm đối diện ga xe lửa và bến tàu lục tỉnh. Khách sạn này có tên là Minh Tân, do doanh nhân Huỳnh Đình Điển xuất vốn xây dựng và kinh doanh trong những năm đầu thế kỷ XX. Đây là khách sạn đầu tiên do người Việt quản lý ở Tiền Giang.

Có giả thuyết cho rằng Huỳnh Đình  Điển là con của tri huyện Huỳnh Đình Ngươn. Theo nghiên cứu của Huỳnh Minh trong Gò Công xưa và nay thì ông Huỳnh Đình Ngươn là người làng Yên Luông Đông, sau dời về làng Thành Phố. Ông Ngươn là người nổi tiếng học giỏi, được triều đình phong chức cai tổng. Về sau, ông Ngươn được thăng chức tri huyện nên có con đường để ghi công ông ở Gò Công, gọi là đường Huyện Ngươn.

Không rõ thời thơ ấu và học vấn của Huỳnh Đình Điển thế nào, chỉ biết thuở nhỏ học ở trường tỉnh, rồi chuyển lên Sài Gòn học Trường Chasseloup Laubat (nay là Trường Trung học phổ thông Lê Quý Đôn). Sau khi tốt nghiệp, ông Điển làm thông ngôn cho Tòa Khâm sứ Trung Kỳ, nhưng được một thời gian ngắn thì xin nghỉ việc. 

Ông Điển còn được biết là học trò của nhạc sư Lộ Công Trứ nổi tiếng đất Gò Công. Lúc làm thông ngôn cho Tòa Khâm sứ, có lần ông theo thầy Lộ ra kinh đô Huế đàn hát phục vụ thái hậu Từ Dũ. Vốn là một nghệ nhân lành nghề, lại đam mê âm nhạc, Huỳnh Đình Điển tìm mua gỗ trắc, gỗ ngô đồng, ngà voi, xương voi về làm đàn kìm, đàn tranh, tì bà, sến, độc huyền, tiêu và sáo.

Đầu thế kỷ XX, giống như Sài Gòn, thành phố Mỹ Tho là nơi cạnh tranh giữa thương nhân ngoại kiều và thương nhân người Việt. Nơi đây có nhiều tiệm ăn của người Hoa, hiệu buôn của người Ấn và khách sạn do người Pháp quản lý. Đầu những năm 1900, Huỳnh Đình Điển xuất vốn xây dựng và kinh doanh khách sạn từ một dãy lầu 10 căn nằm cạnh ga xe lửa và bến tàu lục tỉnh Mỹ Tho (nay là đường Trưng Trắc, thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang) với tên gọi là Nam Kỳ khách sạn (có tài liệu ghi là Nam Kỳ lữ điếm), đây là khách sạn đầu tiên do người Việt thành lập và quản lý ở Mỹ Tho.

Theo nhà văn Sơn Nam: “Minh Tân khách sạn - thành lập ngày nào chúng tôi không rõ, nhưng trước kia là Nam Kỳ khách sạn do ông Nguyễn Chánh Sắt giao lại cho ông Gilbert Chiếu, theo mấy ông kỳ lão thì khách sạn này ở đúng ngay vị trí của phòng ngủ Định Tường tại Mỹ Tho ngày nay. Và chủ nhơn thật sự của bất động sản này là ông Huỳnh Đình Điển - một nhơn sĩ yêu nước ở tỉnh Gò Công (trước kia là thông ngôn ở Trung Kỳ) cho ông Gilbert Chiếu mượn và đứng tên, để là nơi hội họp”.

Những năm 1907-1908, trong bối cảnh phong trào Minh Tân lan rộng khắp Nam Kỳ, thông qua sự quen biết với Trần Chánh Chiếu, ông Điển đã cho ông Chiếu, lãnh đạo của phong trào Minh Tân mượn Nam Kỳ khách sạn làm nơi liên lạc, hội họp, diễn thuyết, tuyên truyền kêu gọi người Việt đoàn kết hùn vốn lập công ty kinh doanh, cạnh tranh với thương nhân Hoa kiều và kêu gọi tinh thần yêu nước. 

Cuối năm 1907, ông Điển cùng ông Gilbert Chiếu tổ chức kinh doanh Nam Kỳ khách sạn theo mô hình cổ phần của phong trào Minh Tân, nhằm đưa khách sạn trở thành cơ sở kinh tài cho phong trào này. Báo Nông cổ mín đàm số 311 (8/10/1907) đăng tin kêu gọi hùn vốn để mở Minh Tân khách sạn ở Mỹ Tho như sau: “Nay tôi đã lập Nam Trung khách sạn ở Sài Gòn vừa xong, nên sang lo Minh Tân khách sạn Mỹ Tho. Xin chư vị Minh Tân có lòng chiếu cố, hùn hiệp với tôi mà chung vui, lợi chung một cuộc, cho có chỗ kim bằng, trước là thù tạc vãng lai với nhau, sau nữa là giúp người đồng bang vô đường văn minh cho may tấn bộ”. Cũng từ đó, Nam Kỳ khách sạn được đổi tên thành Minh Tân khách sạn.

-6044-1676014158.jpg

Minh Tân khách sạn (Nguồn nhactrinh.vn)

Ngoài kinh doanh phòng nghỉ, nhà hàng, Minh Tân khách sạn còn bán các mặt hàng tạp hóa. Mục quảng cáo trên tờ Lục tỉnh tân văn số 46 (4/10/1908) đăng: “Tại Minh Tân khách sạn Mỹ Tho có bán trà ngon, nước mắm Phú Quốc đựng ve, sáp, savon và tạp hóa. Mỗi buổi chiều từ 5 giờ đến 10 giờ, có nhạc tài tử ca xang, huê đáng thài ru chặp trổi”. 

Lục tỉnh tân văn số 21 (9/4/1908) đăng lời công bố: “Có đóng bạc thì đóng tại Minh Tân khách sạn Mỹ Tho hoặc là Nam Trung khách sạn Sài Gòn”.

Điểm đặc sắc nhất của Minh Tân khách sạn là vào mỗi đêm đầu tuần và cuối tuần thường có các buổi biểu diễn đờn ca tài tử. Sinh thời, ông Điển là bạn thân của Nguyễn Tống Triều - một tài tử đàn kìm nổi tiếng ở làng Dưỡng Điềm, Châu Thành, Tiền Giang. Năm 1906, Pháp tổ chức hội chợ các nước thuộc địa ở Marseille, ngoài việc đem các đặc sản nông nghiệp hoặc mỹ thuật tham gia triển lãm, chính quyền hai tỉnh Gò Công và Mỹ Tho còn cử hai ban nhạc tài tử sang Pháp trình diễn. Trong chuyến đi này, hai ban tài tử của Huỳnh Đình Điển và Nguyễn Tống Triều đã làm tròn nhiệm vụ giới thiệu văn hóa Việt cho bạn bè các nước thuộc địa.

Trong thời gian ở Pháp, cả hai ban nhạc đã cùng biểu diễn, cùng tìm hiểu và học hỏi nhiều điều từ kịch nghệ phương Tây. Sau khi về nước và điều hành Nam Kỳ khách sạn, ông Điển đã rước ban nhạc của Nguyễn Tống Triều về trình diễn, đồng thời hai ông đã bày vẽ cách hát “ca ra bộ”. Lối diễn tấu mới này đã chinh phục được đông đảo khán giả bởi sự mới mẻ, sinh động, hấp dẫn của nó. Ca ra bộ là cái nền sự ra đời của nghệ thuật cải lương.

Minh Tân khách sạn còn nhận trợ giúp pháp lý cho người Việt. Lục tỉnh tân văn số 18 (19/3/1908) đăng thông báo của ông J. B Xuân, yêu cầu đồng bào: “Có sự chi oan ức thì gởi thơ thuật đầu đuôi cho tôi nghe rồi tôi coi luật có hay không thì tôi sẽ trả lời lại cho mà biết, như sự oan ức thiệt, vì theo luật không có, thì tôi sẽ liều công mà tỏ cho nhà nước rõ sự oan ức đó mà xin. Gởi thơ tại Minh Tân khách sạn, hay tại nhà tôi cũng đặng và tiện hơn”. 

Thông qua sự điều hành của Huỳnh Đình Điển, Trần Chánh Chiếu và sự quản lý của Nguyễn Chánh Sắt, Minh Tân khách sạn ngày càng mở rộng kinh doanh. Cùng với Chiêu Nam Lầu của Nguyễn An Khương và Nam Trung khách sạn của Trần Chánh Chiếu ở Sài Gòn, Minh Tân khách sạn của Huỳnh Đình Điển là một trong ba khách sạn nổi tiếng nhất xứ Nam Kỳ do người Việt điều hành. Cả ba khách sạn này đều là cơ sở  của phong trào Minh Tân, trực tiếp cạnh tranh với các tiệm ăn của người Hoa, người Ấn và các khách sạn của người Pháp tại Sài Gòn và Mỹ Tho. 

Kỳ 2: Người đồng sáng lập Nam Kỳ Minh Tân công nghệ

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Doanh nhân Huỳnh Đình Điển: Nhà tư sản hết lòng với các phong trào yêu nước (Kỳ 1)
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO