Doanh nhân Huỳnh Đình Điển: Nhà tư sản hết lòng với các phong trào yêu nước (Kỳ 2)

Thanh An| 03/03/2023 07:00

Doanh nhân Huỳnh Đình Điển (chưa rõ năm sinh, năm mất) là người làng Thành Phố, tổng Hòa Lạc Hạ, tỉnh Gò Công (nay thuộc thị xã Gò Công, tỉnh Tiền Giang). Hiện không có nhiều thông tin về xuất thân của ông nhưng ông đã để lại tiếng thơm của một nhà kinh doanh hết lòng yêu nước.

Doanh nhân Huỳnh Đình Điển: Nhà tư sản hết lòng với các phong trào yêu nước (Kỳ 2)

Kỳ 2: Người đồng sáng lập Nam Kỳ Minh Tân công nghệ

Ngoài kinh doanh phòng nghỉ, nhà hàng, Minh Tân khách sạn còn là trụ sở liên lạc, hội họp của các Công ty Nam Kỳ Minh Tân công nghệ và Minh Tân túc mễ tổng cuộc. Trong đó, Nam Kỳ Minh Tân công nghệ là công ty có sự đầu tư và góp vốn của ông Huỳnh Đình Điển.

Nam Kỳ Minh Tân công nghệ là công ty cổ phần, có vốn cố định vào khoảng 1.000 đồng Đông Dương, tương đương 25.000 francs, được thành lập tại Sài Gòn ngày 1/6/1908, gồm 17 thành viên góp vốn lập khế ước mở công ty, trụ sở đặt tại Mỹ Tho.

Điều lệ của Nam Kỳ Minh Tân công nghệ bao gồm “lập lò nghệ tại Nam Kỳ, lò chỉ, lò dệt, lò savon, thuộc da và pha li... và dạy con nít Annam học làm các nghề ấy” nhằm mục đích cạnh tranh với tư bản Pháp và tư sản Hoa kiều trong việc phát triển tiểu thủ công nghiệp, đào tạo nguồn nhân lực, giáo dục hướng về thực nghiệp, khẳng định vị trí kinh tế của giai cấp tư sản Việt Nam.

Đến ngày 17/6/1908, những người sáng lập Nam Kỳ Minh Tân công nghệ đã tổ chức đại hội và lập vi bằng tại Minh Tân khách sạn và quyết định mua hơn 1 hécta đất tại làng Điều Hòa, Mỹ Tho để xây dựng xưởng sản xuất, cử người ra Bắc Kỳ học nghề làm hộp quẹt và tìm thợ mướn. Công ty chú trọng thêm lĩnh vực được chọn đầu tư, trước là nấu dầu dừa, làm xà phòng và dạy nghề làm xà phòng, sau đó mở rộng thêm việc kinh doanh hàng hóa phương Tây.

Một sản phẩm đầu tiên và thành công nhất của Nam Kỳ Minh Tân công nghệ là xà phòng Con vịt (Savon Cancan) được đăng quảng cáo ngày 10/9/1908 trên Báo Lục tỉnh tân văn số 43: “Tốt hơn của Chệc làm, bán nhiều: hạng một 100 kilos giá là 20 đồng, hạng nhì thì 100 kilos giá 15 đồng, hạng 3 100 kilos giá 10 đồng”. Sau khi sản phẩm Savon Cancan được bán ra thị trường, nhờ giá cả rẻ và được người Việt ủng hộ nên hàng hóa cùng loại của ngoại bang bị cạnh tranh, buộc phải hạ giá.

-8963-1677215487.jpg

Làng Điều Hòa, Mỹ Tho nơi Công ty Minh Tân xây dựng xưởng sản xuất (Nguồn: Nhactrinh.vn)

Nam Kỳ Minh Tân công nghệ bước đầu kinh doanh thuận lợi càng vực dậy tinh thần tự cường kinh tế và cạnh tranh sòng phẳng cùng các thế lực ngoại kiều, vai trò của giai cấp tư sản Nam Kỳ cũng dần được khẳng định. Một làn sóng thành lập công ty cổ phần học theo Nam Kỳ Minh Tân công nghệ diễn ra sôi nổi trên khắp lục tỉnh Nam Kỳ. 

Tuy nhiên, chính sự lớn mạnh của giai cấp tư sản Nam Kỳ trong bối cảnh phong trào Minh Tân diễn ra mạnh mẽ đã làm cho thực dân Pháp lo ngại và tìm cách ngăn chặn. Tháng 10/1908, Trần Chánh Chiếu cùng 91 người (trong đó có Huỳnh Đình Điển) đã bị bắt giam. Hoạt động của Nam Kỳ Minh Tân công nghệ vì thế suy sụp rồi chấm dứt, nhiều thành viên của công ty sau khi được thả về bị mật thám Pháp theo dõi chặt chẽ.

Sau sự kiện Trần Chánh Chiếu bị bắt vào tháng 10/1908, mật thám Pháp đã tiến hành lục xét Minh Tân khách sạn để tìm chứng cứ liên quan đến hoạt động chống chính quyền thực dân nhưng đã không tìm thấy bất kỳ chứng cứ nào. Ông Điển được thả về, sau đó ông cho đổi tên lại thành Nam Kỳ khách sạn để tiếp tục hoạt động kinh doanh.

Tuy phong trào Minh Tân lắng xuống cùng với sự giám sát chặt chẽ từ mật thám Pháp, Huỳnh Đình Điển vẫn tiếp tục kinh doanh và hoạt động chính trị, hỗ trợ các hội viên Hội Minh Tân. Tháng 8/1910, cụ Tây Hồ Phan Chu Trinh bị thực dân Pháp đưa về quản thúc tại Mỹ Tho, ông Điển đã đưa cụ Phan về tá túc tại Nam Kỳ khách sạn. Đến tháng 2/1913, Kỳ Ngoại hầu Cường Để từ Chiêu Nam Lầu ở Sài Gòn xuống Mỹ Tho đã bí mật liên lạc với ông Điển để tá túc và vận động quyên góp cho các phong trào yêu nước.

Về sau, ông Điển quyết định chuyển kinh doanh lên Sài Gòn. Ông cho thành lập một khách sạn có tên là Bá Huê Lầu ở số 54 đường Pellerin (nay là đường Pasteur, phường Nguyễn Thái Bình, quận 1, TP.HCM). Tháng 6/1925, Phan Châu Trinh về Sài Gòn, bất chấp sự đe dọa của chính quyền, ông Điển cùng Nguyễn An Ninh đã tổ chức nhiều buổi diễn thuyết cho cụ Phan về “Quân trị chủ nghĩa”, “Dân trị chủ nghĩa” và “Đạo đức và luân lý Đông Tây”, thu hút đông đảo dân chúng, nhất là thanh niên và giới trí thức ở Sài Gòn và các tỉnh lân cận tham dự.

Theo bà Nguyễn Thị Minh (con gái Nguyễn An Ninh) trong bài “Sang Pháp đón cụ Phan Chu Trinh về nước” đăng trên Báo Pháp Luật TP.HCM ngày 15/8/2018 thì khi cụ Tây Hồ lâm bạo bệnh, ông Điển là người đã lo chi phí thuốc men, ăn uống, chăm sóc cho cụ Phan trong chuyến sang đón và sau khi về Sài Gòn. Khi cụ Phan khỏe thì đưa xuống khách sạn Bá Huê Lầu, khi mệt sẽ đưa về Hóc Môn. Bá Huê Lầu sẽ là nơi lo hậu sự cho cụ”.

Tối 24/3/1926, cụ Phan Châu Trinh từ trần tại Chiêu Nam Lầu, linh cữu được đưa về Bá Huê Lầu. Tại đây, ông Điển cùng một số nhà yêu nước đã tổ chức tang lễ cụ Phan vô cùng trọng thể ở nghĩa trang tương tế Gò Công, tọa lạc tại Tân Sơn Nhất, thu hút hàng triệu đồng bào trong Nam ngoài Bắc tham gia, từ đây dấy lên phong trào để tang cụ Phan Châu Trinh nhằm cổ động tinh thần yêu nước chống Pháp cho nhân dân cả nước.

Ông Huỳnh Đình Điển còn tham gia hội kín “Thanh niên cao vọng” do Nguyễn An Ninh thành lập, đồng thời đóng góp tiền bạc cho sự ra đời của tờ báo Chuông rè. 

Sau năm 1926, doanh nhân Huỳnh Đình Điển sống tại Gò Công, thỉnh thoảng ông lấy đàn ra khảy hoặc lấy tiêu ra thổi. Những người bạn tri âm tri kỷ đều đã qua đời, tiếng đàn ông giống như tiếng kêu lạc lõng giữa đêm khuya. Trước khi mất, ông dặn vợ đem bộ nhạc cụ đốt để ông gặp bạn dưới suối vàng cùng hòa tấu. Không rõ ông qua đời năm nào, hưởng thọ bao nhiêu tuổi.

Kỳ 1: Minh Tân khách sạn: Khách sạn đầu tiên của người Việt ở Mỹ Tho

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Doanh nhân Huỳnh Đình Điển: Nhà tư sản hết lòng với các phong trào yêu nước (Kỳ 2)
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO