Kỳ 2: Ông tổ nghề nhiếp ảnh mở nhiều hiệu buôn
Khai trương hiệu ảnh, Đặng Huy Trứ xuất phát từ nhu cầu ghi lại hình ảnh ông bà, cha mẹ để tỏ lòng hiếu thảo của con cháu, nên ông đã chọn cái tên Cảm Hiếu Đường làm tên chính thức.
Ngoài cửa tiệm, ông treo hai câu đối hai bên cửa do chính tay ông viết “Thanh Hà phố ấy dân trù mật/ Cảm Hiếu Đường đây khách nhiệt nồng” và “Hiếu thờ cha mẹ người mong muốn/ Ảnh giống chung nhau mãi mãi truyền”. Hai câu đối trên không chỉ hay vì chữ, mà nó còn được ghi nhận là câu đối đầu tiên phục vụ mục đích kinh doanh. Bên cạnh đó, Đặng Huy Trứ còn cho đăng quảng cáo: “Nay cửa hiệu chúng tôi mở ra trong nước, ở những nơi tàu xe qua lại tấp nập, khai trương chiêu hàng rộng rãi, quý khách nếu có ý tốt, động lòng hiếu thảo, cảm kích phấn phát. Trẻ nhỏ thì thưa trình với bậc tôn trưởng, con em thì bẩm xin lên các bậc cha anh, xin một tấm chân dung bằng mảnh giấy, mà tỏ bày được tấc lòng yêu mến sâu đậm. Xin chiếu theo các điều như dưới đây, tùy tâm sở thích, không dám dối trẻ lừa già, vậy xin giúp cho”.
Hiệu ảnh làm ăn phát đạt, khách hàng đầu tiên là những người giàu có và quan lại trong triều đình Huế ra Hà Nội. Đặng Huy Trứ còn tự tay chụp những bức ảnh đó và in tráng một cách cẩn trọng, hiện nay nhiều bức ảnh của ông vẫn được lưu giữ tại các bảo tàng lịch sử của Pháp. Thông qua sự kiện khai trương Cảm Hiếu Đường và đưa kỹ thuật nhiếp ảnh trở thành một ngành kinh doanh ở Việt Nam, Đặng Huy Trứ được giới nhiếp ảnh gia gọi là “ông tổ nghề nhiếp ảnh Việt Nam”.
Cảm Hiếu Đường hoạt động cho đến khi Đặng Huy Trứ qua đời năm 1874 thì đóng cửa.
Đặng Huy Trứ còn lập nhà in Trí Trung Đường, cũng ở Hà Nội, chuyên khắc in và buôn bán tân thư, binh thư và những tác phẩm có giá trị của Trung Quốc và Việt Nam.
Trong bối cảnh đất nước đang đối mặt với cuộc xâm lược của thực dân Pháp và sự thất bại liên tục của triều đình Huế trên nhiều mặt trận, Đặng Huy Trứ là một vị quan thuộc phe chủ chiến với đầu óc thức thời, đã nhận thức được muốn đánh thắng ngoại bang cần phải có tiềm lực kinh tế và quốc phòng hùng mạnh. Vì thế, ông không chỉ quan tâm đến nông nghiệp mà còn nhận thấy vai trò to lớn của công nghiệp và thương nghiệp đối với nền kinh tế nước nhà.
Ông nhiều lần đề xướng chủ trương mở mang công nghệ, kỹ nghệ; lập cục cơ khí, mở xưởng đúc gang thép, chế tạo máy móc; lập cục dạy nghề, mời chuyên gia nước ngoài sang giảng dạy và đưa thanh niên Việt Nam ra nước ngoài học tập kỹ nghệ ở các nước phát triển để sau này về giúp nước nhà “tự cường, tự chủ”. Ông dâng sớ lên triều đình: “Gia đình tôi là gia đình nhà Nho đã bốn năm đời, nghề buôn bán dẫu là nghề mạt, nhưng chịu ơn nước và tự xét mình, xin đưa sức khuyển mã ra báo đáp, đảm nhận việc tài chính quốc gia, sớm tối lo toan, chạy khắp Đông Tây, dẫu thịt nát xương tan cũng không từ nan”. Nhiều đề xuất về mở mang buôn bán chăm lo đời sống nhân dân, cải cách thuế khóa để gia tăng nguồn lực cho nhà nước của ông đã được triều đình tán đồng và thực hiện.
Trong vấn đề phát triển kinh tế, mở rộng buôn bán, Đặng Huy Trứ đã đưa ra không ít nhận thức mới về kinh doanh: “Việc làm ra của cải là đạo lớn không thể coi thường”. Không những thế, ông còn là một người dám đề cao khái niệm “cái tâm” của người kinh doanh “không vì lỗ lãi mà vượt qua sự ngay thẳng của lòng ta được”. Suy nghĩ này được ông viết trong tác phẩm Từ thụ yếu quy như sau: “Tuy đo từng tấc, cân từng ly, nhưng đâu phải vì thế mà là kẻ trượng phu bần tiện trên thế gian này. Cân, đong, đo, đếm là phép tắc của người quân tử. Lỗ hay lãi, cái lẽ của việc làm ăn vốn không định trước được, nhưng dù sao cũng không vì lỗ lãi mà vượt qua sự ngay thẳng của lòng ta được”.
Tượng cụ Đặng Huy Trứ tại làng Thanh Lương (Nguồn: Cổng thông tin điện tử Thừa Thiên - Huế) |
Năm 1868, đứng đầu Ty Bình chuẩn, ông đã cho mở nhiều hiệu buôn ở Hà Nội, tổ chức việc giao lưu hàng hóa trong phạm vi cả nước, tổ chức khai thác và xuất cảng thiếc và một số mặt hàng nông sản ra nước ngoài. Những hiệu buôn như Lạc Sinh điếm, Lạc Thanh điếm, Lạc Đức điếm do chính ông điều hành để buôn bán với phương Tây đã trải rộng đến tận Nam Kỳ - nơi đang là thuộc địa của Pháp. Ngoài số vốn do triều đình cấp, Đặng Huy Trứ còn huy động thêm các nguồn vốn tư nhân để kinh doanh theo phương thức “công tư lưỡng lợi”. Ông tổ chức buôn bán giữa miền xuôi và miền ngược, khai thác các nguồn hàng để xuất khẩu, động viên sĩ phu mở đồn điền, vừa sản xuất nông nghiệp vừa luyện quân, khai mỏ ở Thái Nguyên; đề nghị triều đình dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu thiếc để thu thuế cho ngân khố.
Toàn bộ số tiền thu được từ kinh doanh, ông đều sử dụng cho việc mua sắm vũ khí, cải tổ quân đội, huấn luyện binh sĩ, thuê thợ giỏi đóng thuyền nhằm xây dựng quân đội hùng mạnh chống Pháp, bởi theo ông: “Quân đội là nanh vuốt có quan hệ đến sự thắng bại, nhưng nhân dân mới là huyết mạch quyết định sự an nguy của đất nước”.
Giữa lúc công việc kinh doanh đang thuận lợi thì do có kẻ tâu về triều đình Đặng Huy Trứ tranh mua lúa gạo với dân ở hạt Đông Ngàn, tỉnh Bắc Ninh, dẫn đến nơi đây lâm vào đói kém. Một số đại thần trước đây không ủng hộ Đặng Huy Trứ đã nhân cơ hội này đề nghị vua Tự Đức bãi bỏ Ty Bình chuẩn ở Hà Nội sau gần hai năm hoạt động.
Năm 1871, ông được cử giữ chức Bang biên quân vụ các tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Ninh, Thái Nguyên và được phái lên biên giới cùng Hoàng Kế Viêm đánh dẹp thổ phỉ. Khi quân Pháp đánh thành Hà Nội vào năm 1873, ông cùng Hoàng Kế Viêm phải lui quân về trấn giữ căn cứ Đồn Vàng ở Hưng Hóa. Tại đây, ông lâm bệnh và qua đời ngày 7/8/1874 tại xã Cao Lăng, Chợ Bến, Đồn Vàng.
Từ tư tưởng kinh doanh đến hành động thực tiễn, Đặng Huy Trứ là người đã gieo mầm khai hóa vào Việt Nam nhằm cứu vãn tình cảnh đất nước, khôi phục sức mạnh dân tộc. Đáng tiếc, những tư tưởng, triết lý kinh doanh đi trước thời đại của ông đã không được triều đình Huế thực hiện triệt để.
Ghi nhận những đóng góp của ông, các tác giả của Lịch sử tư tưởng Việt Nam đã xem Đặng Huy Trứ “là người duy nhất trong số các nhà canh tân, duy tân của dân tộc ta hồi nửa cuối thế kỷ XIX đã trực tiếp kinh doanh thương nghiệp”, “là người đầu tiên xác lập các chuẩn mực đạo đức cơ bản của quan và viên chức nhà nước kinh doanh trong nền kinh tế thị trường”.
Kỳ 1: Vị quan công chính liêm minh