Chuyên đề

Doanh nhân hạnh phúc

Lữ Ý Nhi 11/08/2023 06:00

Có nhiều quan niệm về hạnh phúc. Người cho rằng nhiều tiền, giàu có mới hạnh phúc. Người lại nói, khi đạt được ước mơ trong cuộc đời hoặc “cho đi” là hạnh phúc. Khảo sát “The Why of Wealth” gần đây của Boston Private cho biết, có tài sản từ 1-20 triệu USD sẽ đem đến nhiều thứ giúp con người hạnh phúc vì mang lại cảm giác bình tâm, sự thành công và được sống theo cách mình muốn…

f09fdcb2bb10684e3101.jpg
Các doanh nhân chia sẻ hạnh phúc tại tọa đàm

Trong bối cảnh kinh tế nhiều khó khăn bủa vây như hiện nay, hạnh phúc của doanh nhân là gì? Buổi tọa đàm bàn tròn do Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn tổ chức cuối tháng 7/2023, các doanh nhân đã cùng chia sẻ quan điểm và câu chuyện riêng về “hạnh phúc”.

Nhiều tiền chưa hẳn hạnh phúc

Thông thường, khi chúng ta nhìn thấy ai đó có trong tay cả nghìn tỷ đồng, cả triệu USD, hẳn sẽ ồ lên thán phục và cho rằng họ là những người thật sự hạnh phúc. Thế nhưng, từ thực tế của nhiều người giàu, một số chuyên gia đúc kết, hạnh phúc của con người là cảm giác đến từ bên trong. Người giàu có về tiền mà không được gắn kết với những mối quan hệ tốt đẹp, không được cộng đồng quý trọng, nể phục, không hài lòng với những gì mình đang có thì không thể hạnh phúc…

Cách đây 8 năm khi trả lời phỏng vấn với báo chí, nhà sáng lập kiêm Chủ tịch Alibaba Jack Ma - dù trở thành người giàu nhất Trung Quốc thu về 25 tỷ USD năm 2014 sau khi IPO nhưng ông vẫn cho rằng, chỉ cảm thấy vui vẻ hơn khi còn làm giáo viên với mức lương chỉ 12 USD một tháng. Jack Ma cho biết, những người có 1 triệu USD là người “may mắn”, nhưng khi có 10 triệu USD thì sẽ “gặp rắc rối” và không thấy hạnh phúc.

Gần đây, Jack Ma đã thừa nhận: “Tôi chỉ đang cố gắng điều hành một doanh nghiệp nhỏ và nó đã phát triển đến mức quá to lớn, đi kèm nhiều trách nhiệm và mang đến biết bao rắc rối”.

Vì thế, khi ở đỉnh cao danh vọng, Jack Ma vẫn tuyên bố nỗi khổ tâm khi có quá nhiều tiền, thậm chí miêu tả nó như một nỗi đau. Ông từng phát biểu: “Khi bạn là người giàu nhất thế giới, mọi người đều vây quanh bạn vì tiền”. Vì thế, Jack Ma nói thẳng rằng: “Tôi không có hứng thú với tiền” và “Tôi không có thời gian tiêu tiền”.

Không chỉ là chuyện của tỷ phú thế giới, ngay tại Việt Nam, nhiều doanh nhân được xếp vào “giàu có” cũng chưa hẳn… có tiền là hạnh phúc. Từng được hỏi: “Tiền nhiều để làm gì?”, Shark Phú - sáng lập thương hiệu Sunhouse cũng phát biểu: “Nhiều tiền có khi là khổ, chứ không hạnh phúc đâu”.

Chủ tịch Tập đoàn Intracom Nguyễn Thanh Việt cũng khẳng định rằng, tiền chỉ là một loại phương tiện để kinh doanh. Tiền cũng giống con thuyền, để một người kinh doanh đạt được mục tiêu nào đấy.

Từng đứng vị trí thứ 1.931 trên bảng xếp hạng người giàu thế giới năm 2021 của Forbes, tỷ phú Trần Bá Dương - Chủ tịch Thaco cũng nêu quan điểm về hạnh phúc là cảm giác biến giấc mơ thành hiện thực, là khi làm ra những việc lớn mang tới giá trị cho nhiều người và cho cả xã hội.

Sau đại dịch Covid-19, đặc biệt là tình hình kinh doanh khó khăn, nhiều doanh nhân đã bị trầm cảm, lo âu vì kinh doanh giảm sút, không đủ sức xoay sở nuôi bộ máy và nhân viên. Theo công bố vào hồi tháng 5/2023 của Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ), 5 tháng đầu năm 2023 có 88.000 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường vì khó khăn, thua lỗ. Nhìn con số này, một số chuyên gia tâm lý nhận định, số lượng những doanh nhân bị trầm cảm và không hạnh phúc cũng sẽ tăng tương ứng với doanh nhân rời bỏ thương trường.

Hạnh phúc theo cách riêng

anh-tuyen.jpg
Ông Trần Thanh Tuyền - Giám đốc Công ty TNHH MeU Solution và Công ty Giáo dục và Đào tạo BYou

Thay vì rời bỏ thương trường khi lĩnh vực kinh doanh cũ gặp khó khăn, để giải tỏa áp lực và tìm nguồn năng lượng mới, ông Trần Thanh Tuyền - Giám đốc Công ty TNHH MeU Solution và Công ty Giáo dục và Đào tạo BYou chọn cách tìm tòi ra các giải pháp cung cấp cho thị trường thích ứng với tình hình mới.

Ông Tuyền cho rằng: “Hạnh phúc thật ra không xa vời mà rất đơn giản và gần gũi trong cuộc sống xung quanh ta. Tuy nhiên, do công việc bận rộn và nhiều áp lực khác từ cuộc sống, khiến chúng ta không có thời gian để nhìn nhận lại cũng như tôn tạo những giá trị hạnh phúc đang có. Sau đại dịch Covid-19 và nhất là thời điểm kinh tế khó khăn hiện nay, tôi và một số doanh nhân rảnh rỗi hơn nên có thời gian nhìn lại các mối quan hệ đối tác, đồng nghiệp, nhìn lại giá trị từ công việc mình làm”.

“Chúng tôi đã ngồi lại cùng nhau xây dựng lại một loạt giải pháp, từ quản trị nhân sự đến quản lý tài sản mang tính đường dài hơn và đã hoàn thành được vài giải pháp, có thể nhân bản giúp cho các doanh nghiệp quản trị trong lúc khó khăn. Ngày xưa, khi tôi đem sản phẩm đi chào mời doanh nghiệp rất khó vì khi đó, tôi chỉ thuyết phục khách hàng bằng lợi nhuận. Còn bây giờ, khi nhìn lại mọi quan hệ, tôi thấy cởi mở hơn, biết kết nối, chia sẻ, đồng hành và “cho đi” những giá trị mình có, nên được khách hàng đón nhận sản phẩm của mình, từ đó có thêm nhiều khách hàng, đối tác. Hạnh phúc của tôi lúc này là được làm việc, có nhiều ý tưởng mới và làm ra nhiều sản phẩm chia sẻ giá trị cho nhiều doanh nghiệp”, ông Tuyền đúc kết.

Sống chậm sẽ thấy hạnh phúc

bich-ngoc.jpg
Bà Lâm Thị Bích Ngọc - Giám đốc Công ty TNHH LYT Việt Nam

Cùng chung khó khăn như các doanh nghiệp vào lúc đại dịch Covid-19 căng thẳng, bà Lâm Thị Bích Ngọc - Giám đốc Công ty TNHH LYT Việt Nam cho rằng: “Hạnh phúc lớn nhất đối với tôi là hai chữ tồn tại và phát triển. Tồn tại là bản thân mình vẫn còn ở đây, gia đình mình vẫn còn bảo toàn và công ty vẫn còn gắn bó và tăng trưởng. Sau đại dịch, vấn đề tôi rút lại được là trân trọng các mối quan hệ hơn, những mối quan hệ của khách hàng, gia đình, nhân sự. Từ sau đại dịch, tôi bắt đầu hiểu giá trị gia đình và mối quan hệ với đối tác. Tôi dành nhiều thời gian hơn cho gia đình và chăm sóc đối tác, nhân viên. Đặc biệt là thời gian chăm sóc con, làm những công việc đời thường như làm bánh, nấu ăn, trò chuyện với con. Dành thời gian tham gia nhiều công việc cộng đồng và cảm thấy hạnh phúc. Khi mình có thời gian sống chậm lại chút xíu, tập trung vào thân tâm trí, sẽ thấy cuộc sống trở nên hạnh phúc”.

Hạnh phúc vì theo đuổi được cái mình thích

cam-tu.jpg
Bà Trần Thị Cẩm Tú - Giám đốc Công ty CP Dược T.P.C

Bà Trần Thị Cẩm Tú - Giám đốc Công ty CP Dược T.P.C chia sẻ: “Tôi đã đọc một bài báo nói về ông Phạm Duy Hiếu - Chủ tịch Quỹ khởi nghiệp doanh nghiệp khoa học và công nghệ Việt Nam, khi con trai ông bị tâm thần, lúc đó ông đã rất đau khổ và đã buông bỏ sự nghiệp đang là CEO của ABBank để tập trung cho con và thay đổi bản thân. Ông nhận ra hạnh phúc là sự lựa chọn mang tính cá nhân. Và hạnh phúc của ông bây giờ là đi truyền cảm hứng cho mọi người tìm động lực sống. Kể lại câu chuyện này, tôi nhớ lại khi đại dịch diễn ra, tôi phải gồng gánh rất nhiều khoản chi phí vận hành cho vườn dược liệu và công ty vừa mới xây dựng.

Khi dịch xảy ra, tôi nghĩ chắc cũng gánh không nổi. Cứ nghĩ sau dịch chắc buông xuôi, nhưng nghĩ đi nghĩ lại, thấy mình đã cố công gầy dựng đến ngày hôm nay gần 7 năm trời mà bỏ thì không được, nên phải thay đổi và đã vượt qua. Mặc dù khó khăn, nhưng tôi thấy hạnh phúc vì theo đuổi được cái mình thích. Hai nữa là tôi làm trong ngành dược liệu, trong lúc đang dịch, càng thấy ý nghĩa của ngành này mang lại sức khỏe và đúng xu thế hơn. Đặc biệt, sau dịch thì người tiêu dùng đã nhìn nhận lại sức khỏe, xem sức khỏe là quan trọng. Và đó là hạnh phúc của tôi”.

Hạnh phúc vì công việc mình làm mở đường cho công nghệ Việt Nam

van-anh.jpg
Bà Nguyễn Thị Vân Anh - CEO Công ty CP Viettechlife

Bà Nguyễn Thị Vân Anh - CEO Công ty CP Viettechlife nhớ lại: “Khi đại dịch, bị lock down, tôi rất căng thẳng vì phải một mình ở lại nhà máy, không được may mắn ở cùng cha mẹ, chồng con. Lúc đó, không biết làm gì hơn ngoài việc cầu nguyện, tạo một nhóm để cầu nguyện cho gia đình được bình an hạnh phúc. Lúc đó, động lực để giúp tôi vượt qua là tìm thấy được hạnh phúc trong công việc mình đang làm.

Tôi có cùng “nỗi buồn” với anh Tuyền là Việt Nam mình có nguồn nhân lực dồi dào nhưng không làm chủ bất cứ công nghệ nào, kể cả công nghệ thông tin lẫn công nghệ sinh học. Lúc đó, tập đoàn chúng tôi sở hữu hai công nghệ enzim chuyên về xử lý môi trường, bảo vệ môi trường và một công nghệ năng lượng sinh học, có thể thay thế hoàn toàn than đá và dầu mỏ, để mình không bị phụ thuộc vào nguồn tài tài nguyên hóa thạch cũng như ô nhiễm môi trường. Đó chính là động lực giúp cho tôi vượt qua những thời gian khó khăn nhất.

Nhưng cũng chính giai đoạn khó khăn lúc đó và hiện nay, tôi nhận ra hạnh phúc vì tin rằng, trên con đường tôi đang đi, đâu đó khoảng 5-10 năm nữa, Việt Nam có thể sẽ có trong tay những công nghệ từ những bước đi đầu tiên của tôi. Tôi sẽ tạo được động lực cho các bạn để các bạn có niềm tin hơn.

Cũng trong thời gian đại dịch, chúng tôi tìm được nhà đầu tư và xây dựng nhà máy, cho nên tôi cảm thấy rất hạnh phúc và may mắn. Như anh Tuyền đã chia sẻ, đúng lúc khó khăn tôi nhìn thấy tình người trong công việc của mình. Lúc đó, công ty chúng tôi phải đầu tư nhà máy cả triệu USD nhưng các nhà cung cấp, công ty xây dựng, cung cấp máy hỗ trợ tôi vượt qua giai đoạn đó.

Tất nhiên là họ cũng có nhiều lần đòi nợ. Nhưng họ cũng hiểu tình hình khó khăn chung nên sẵn sàng hỗ trợ. Nhờ thế, chúng tôi vẫn tồn tại được đến bây giờ. Đó chính là niềm hạnh phúc mà tôi tìm được trong công việc kinh doanh.

Kể cả thời điểm hiện tại, tất cả doanh nghiệp đều khó khăn nhưng tôi vẫn tìm thấy niềm vui trong công việc. Đó là từ công nghệ sinh học, tôi đã thành lập thêm một công ty riêng cũng liên quan về công nghệ sinh học làm những sản phẩm nhỏ về enzim và lợi khuẩn phục vụ cho gia đình, cho cộng đồng và cho trường học.

Đặc biệt, trong tất cả mối quan hệ hiện tại, tôi cũng là người kết nối các anh chị doanh nhân thuộc nhiều ngành nghề khác nhau. Và sự kết nối đó đã mang lại sự hợp tác với nhau, chia sẻ với nhau về công việc, dịch vụ và ai cần cái gì đều có thể hỗ trợ nhau được. Đó chính là cảm hứng của tôi để duy trì tinh thần sản xuất, duy trì tinh thần trong các hoạt động kinh doanh, trong thời điểm khó khăn vẫn thấy có niềm vui và hạnh phúc trong công việc.

Tìm đại dương xanh

anh-trung.jpg
Ông Lương Ngọc Trung - Sáng lập Công ty CP Giải pháp Công nghệ Con Voi

Kinh doanh trong lĩnh vực công nghệ thông tin, ông Lương Ngọc Trung - Sáng lập Công ty CP Giải pháp Công nghệ Con Voi cũng chia sẻ con đường tìm hạnh phúc của mình, ông nói: ‘Từ rất lâu rồi, tôi sống trong một tinh thần nhân quả, hiểu rằng mọi việc đến với mình là đến từ những cái nhân gieo từ quá khứ và bây giờ ta nhận quả. Vì thế, bất cứ điều gì đến với tôi cũng cảm thấy bình an như ý. Nếu như ý thì mình làm tiếp. Còn những gì chưa đúng thì phải nhìn nhận lại. Tôi hiểu rằng phải nhìn ra được bài học của mình là gì. Và nếu là việc chưa đúng thì sẽ không làm những việc tương tự như vậy.

Đối với tôi, hạnh phúc nhất là tôi được sống chung với gia đình đầy đủ. Trước đây, tôi làm công việc nghiên cứu nên rất đam mê. Đôi khi, do tập trung nghiên cứu nên cũng ít dành thời gian cho con cái. Và khi đại dịch, tôi lấy lại sự kết nối với các con. Con trai tôi có những giai đoạn tuổi teen mới lớn, có một thời gian tôi và con mất kết nối. Nhưng nhờ dịch thì cha con tôi kết nối trở lại. Và con tôi cũng sống bình tĩnh lại.

Tôi rất thích nấu ăn cho nên những ngày không đi làm, tôi nấu ăn, trò chuyện và truyền cảm hứng cho con. Có lẽ, khi mình không bị lo lắng, bình an, hạnh phúc với cuộc sống tự tại thì sẽ giúp cho mình bình tâm và khi đó, nhiều ý tưởng mới, tích cực cũng sẽ được phát triển hơn.

Trước đây, tôi làm trong ngành giải pháp tẩy rửa trong công nghiệp, tẩy rửa cho các nhà máy, các hệ thống công nghệ, các đường ống dẫn dầu, dẫn ga, các nhà máy lọc dầu, giàn khoan dầu máy bay, tàu… nhưng sau này, bị ám ảnh về việc nhà vệ sinh bẩn nên tôi quyết định bỏ hết những công việc đã làm, giao công việc lại cho người khác quản lý và chỉ tập trung nghiên cứu các đề tài, để làm ra những mô hình nhà vệ sinh sạch.

Cuối năm 2019, các giải pháp đó đã hoàn thành, tôi đã vừa nghiên cứu vừa làm cho các trường nên kéo dài rất lâu. Và năm 2019 vừa xong, dự kiến triển khai thì bị dịch. Hiện nay, khi dịch đã qua, tôi bắt đầu triển khai các giải pháp đó thì lại vướng câu chuyện là kinh phí. Ở các trường thì muốn làm, thậm chí phụ huynh cũng muốn đóng tiền làm nhưng cơ chế nhà nước không được thu tiền. Vì thế, việc triển khai rất khó khăn vì trường cũng không có kinh phí.

Nhưng cũng may là nhờ đại dịch, tôi đã suy nghĩ rất nhiều và thấu đáo mọi vấn đề, có nhiều giải pháp mới thay thế. Thực tế, trong kinh doanh lúc nào cũng có đại dương xanh và đại dương đỏ tồn tại song song. Quan trọng là mình biết cách để bước chân qua đại dương xanh, nếu không mình cứ sa lầy trong đại dương đỏ. Và tôi đã đưa ra một giải pháp mà trước đây chỉ dành cho trường mẫu giáo, chứ không dành cho trường phổ thông, nó gọn nhẹ có thể di chuyển được. Tuy không tối ưu bằng với những cái gì đã làm, nhưng cũng vẫn phát huy được tính ưu thế và vượt trội tính đến thời điểm này.

Tôi cũng thấy hạnh phúc vì giải pháp của mình. Giải pháp của tôi được nhận giải thưởng top 3 thương hiệu quốc gia nên tôi tiếp tục triển khai. Đi xa hơn một chút, tôi không muốn bán hệ thống đó nữa mà chỉ muốn tặng cho các trường và nghĩ ra giải pháp làm sao có kinh phí để tặng.

9744bff4d15602085b47.jpg

Trong thời gian sắp tới, mục tiêu của tôi là sẽ trang bị cho khoảng 1.000 trường học giải pháp đó để trường đỡ tốn tiền. Dĩ nhiên, tôi phải lấy nguồn lực từ xã hội, giúp các doanh nghiệp khác kinh doanh, hay họ làm các chương trình CSR của họ một cách có ý nghĩa. Doanh nghiệp muốn làm các công việc trách nhiệm xã hội sẽ đi theo đúng sứ mệnh của dự án là kết nối các nguồn lực xã hội để giúp cho học sinh có nhà vệ sinh sạch, để các trường học và Nhà nước không phải lo kinh phí nữa.

Khi tôi triển khai được các dự án này thì hạnh phúc nhất là đi đến đâu cũng được sự ủng hộ của lãnh đạo nhanh chóng dễ dàng. Mục tiêu của tôi đặt ra là 1.000 trường học sẽ được trang bị và trên 1.000.000 học sinh sẽ được có nhà vệ sinh sạch khi đến trường. Thật sự trong giai đoạn này, tôi cảm thấy sống rất bình an, hạnh phúc. Bởi vì những gì muốn làm đều đang được làm và câu chuyện mình làm mang lại rất nhiều lợi ích cho xã hội, góp phần thay đổi bộ mặt của thành phố, đơn giản chỉ bắt đầu là nhà vệ sinh và trẻ em được nhà vệ sinh sạch.

Chương trình này cũng được sự ủng hộ của chính quyền, nên tôi hy vọng sẽ đi rất nhanh và lúc này tôi cảm thấy rất hạnh phúc.

Hạnh phúc được kết nối, đồng hành

Ông Trần Thanh Tuyền cho rằng, trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay, nếu doanh nhân được nhiều hơn sự kết nối, sẻ chia với nhau thì việc kinh doanh sẽ mang lại hạnh phúc hơn. Với kinh nghiệm làm việc với nhiều đối tác tại thị trường Mỹ, Trung Quốc, ông Tuyền cho rằng, sự kết nối, chia sẻ của doanh nhân người Hoa rất cao nên việc kinh doanh được san sẻ rủi ro và không bị cô đơn khi có biến cố. Họ không chỉ kết nối theo chiều rộng, mà kết nối theo chiều sâu. Họ hỗ trợ rất nhiều trong lúc khó khăn. Trong khi đó, doanh nhân Việt Nam có vẻ thích đi cá nhân hơn, nên có thể phát triển nhanh hơn. Nhưng những lúc như thế này, nếu làm việc hội nhóm, mỗi người có một điểm mạnh khác nhau để cùng kết nối lại, cùng làm một điều gì đó sẽ tạo ra sức mạnh. Nói vậy để thấy, không chỉ riêng tôi mà rất nhiều doanh nghiệp cũng đang cần sự kết nối giữa cộng đồng và các doanh nhân với nhau.

Cùng nhìn hạnh phúc ở góc độ kinh doanh kết nối, bà Lư Thị Kim Phụng - Tổng giám đốc Công ty PCL Én Việt chia sẻ thêm: “Doanh nhân Việt Nam rất thiếu sự đồng hành, thiếu những đội ngũ người đi trước để hướng dẫn người đi sau. Nếu có chăng, cũng chỉ theo tính chất kinh doanh.

kim-phung.jpg
Bà Lư Thị Kim Phụng - Tổng giám đốc Công ty PCL Én Việt

Đơn cử, chuyên ngành của tôi là xuất nhập khẩu, có kinh nghiệm 25 năm nên việc kết nối cực kỳ quan trọng. Tôi từng làm việc với người Mỹ, Đài Loan, Nhật Bản, đặc biệt là Hàn Quốc, họ có sự kết nối cực kỳ hay và chính sự kết nối của họ đã mang lại hạnh phúc cho nhau ngay chính trên thương trường nóng bỏng. Một công ty Hàn Quốc khi kinh doanh ở đâu, họ sẽ mua tất cả phụ liệu qua các đại lý, nhà cung cấp đặt tại thị trường đó. Cho thấy, sự kết nối hỗ trợ của người Hàn Quốc lớn, còn Việt Nam mình thì mang tính bảo thủ. Trong lĩnh vực tôi làm, để tìm ra những người thầy giỏi rất khó vì tư tưởng sợ người khác biết hết bên trong của mình, bí mật của mình. Rồi thầy này dạy ở trường một chút, nhưng đâu đó vẫn giữ những bí quyết riêng vì sợ rằng, nếu dạy hết rồi biết đâu học trò lại “cạnh tranh”, đánh ngược thầy. Chính tư duy đó sẽ gặp lại những người học trò như vậy. Nếu cứ mang tâm thế sẵn sàng chia sẻ, sẵn sàng thương nó đi, như ông bà ta đã nói: “Nước mắt chảy xuôi, chứ không bao giờ chảy ngược”, mình người lớn phải đi trước và thương thế hệ sau thì người sau sẽ nhìn thấy, có suy nghĩ xấu thì đến một lúc nào đó cũng nhìn lại. Cứ mỗi thầy chừa lại một chút, sau đó thầy lớn tuổi mất đi, thầy khác lên lại giấu đi một chút. Cuối cùng ngành nghề của mình thật sự không còn giá trị truyền thống”.

Trong thời buổi kinh doanh khó khăn, doanh nhân chỉ thật sự bền vững khi biết chia sẻ, kết nối, từ đó sẽ mang lại bình yên và hạnh phúc cho nhau. Không cạnh tranh xấu, cạnh tranh bẩn thì sẽ không còn dè chừng nhau, không mệt mỏi, âu lo.

Giống như người Hàn Quốc, người ta không thể làm một mình, không thể thâu tóm hết thị trường, mà chia sẻ lợi ích cho nhau, cũng đồng nghĩa là chia sẻ rủi ro cho nhau, như thế sẽ bền vững.

Về hạnh phúc riêng, bà Phụng cũng chia sẻ: “Qua trận đại dịch, tôi nhận ra rằng gia đình rất cần thiết. Trước đây, tôi làm việc từ sáng đến tối, vì làm xuất nhập khẩu nên tôi phải đi sớm về khuya, không bao giờ nghĩ đến giờ ăn hay giờ nghỉ mà chỉ làm việc. Có lúc, tôi bỏ con trong trường học quên cả đón con. Nhưng bây giờ, hạnh phúc của tôi là công việc phải gắn với gia đình. Tôi đã có những ngày thứ bảy và Chủ nhật chỉ dành cho con, chơi cờ, trò chuyện, đi ăn… và thấy hạnh phúc vẫn luôn tràn đầy, dù công việc vẫn nhiều bất biến, thử thách.

Doanh nghiệp hạnh phúc sẽ phát triển bền vững và ngược lại, khi doanh nghiệp phát triển bền vững sẽ tạo nên môi trường làm việc hạnh phúc hơn cho tất cả nhân viên.

Bà Thanh Nguyễn - sáng lập Anphabe

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Doanh nhân hạnh phúc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO