Việt Nam vẫn chưa có các chính sách, hoạt động cụ thể cho các doanh nghiệp nội dung số phát triển, thiếu các công cụ hữu hiệu trong chống độc quyền, chống cạnh tranh không lành mạnh, bảo vệ doanh nghiệp trên không gian mạng.
Theo báo cáo "Kinh tế khu vực Đông Nam Á năm 2021" của Google, Temasek và Bain & Company, khu vực Đông Nam Á đang trên con đường trở thành nền kinh tế kỹ thuật số trị giá một nghìn tỷ USD vào năm 2030, trong đó Việt Nam có thể đạt ngưỡng 220 tỷ USD tổng giá trị hàng hóa. Báo cáo cũng dự đoán Đông Nam Á đang bước vào "thập kỷ kỹ thuật số" khi Internet ngày càng trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống hằng ngày của người tiêu dùng.
Rõ ràng, nền kinh tế Internet mở ra cơ hội rất lớn cho các doanh nghiệp Việt sáng tạo ra những nội dung có giá trị, nằm trong top đầu của thế giới. Chúng ta có nhiều lợi thế về nguồn nhân lực trẻ, sáng tạo, thích nghi công nghệ cao… để tạo ra các giải pháp phù hợp cho doanh nghiệp phát triển.
Hiện Việt Nam có khoảng 700.000 doanh nghiệp tham gia vào nền kinh tế số. Tuy nhiên vẫn còn nhiều thách thức, dẫn tới sự phát triển của doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn. Việt Nam vẫn chưa có các chính sách, hoạt động cụ thể cho các doanh nghiệp nội dung số phát triển, thiếu các công cụ hữu hiệu trong chống độc quyền, chống cạnh tranh không lành mạnh, bảo vệ các doanh nghiệp Việt trên không gian mạng. Khả năng áp dụng các quy định pháp luật hiện hành với các chủ thể nước ngoài còn nhiều hạn chế dẫn đến những thiệt hại cho quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp trong nước.
Ở góc độ quản lý, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho biết, vấn đề bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ chưa được quan tâm đúng mức, nhất là doanh nghiệp. Doanh nghiệp ngay từ khi khởi nghiệp, nên ý thức bảo vệ quyền tác giả trước khi thực hiện các việc khác. Đó chính là bảo vệ quyền của bản thân mình ngay từ ý tưởng. Doanh nghiệp cũng phải chủ động bảo vệ quyền của chính mình.
Quyền sở hữu trí tuệ là vấn đề phức tạp, có chuyên môn sâu. Do vậy, các doanh nghiệp cần quan tâm, nhận thức và tiếp cận một cách rõ ràng, chuyên nghiệp, nếu không sẽ rất khó giải quyết được các vụ việc liên quan đến sở hữu trí tuệ khi bị tranh chấp, nhất là trên không gian mạng. Cơ quan nhà nước cô độc trên mặt trận thúc đẩy quyền sở hữu trí tuệ trong khi doanh nghiệp chưa có những nhận thức đầy đủ về việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của mình trên môi trường mạng.
Các quy định pháp luật hiện hành đã quy định đầy đủ quyền của chủ sở hữu trong Luật Sở hữu trí tuệ. Theo đó, vấn đề quan trọng nhất của các doanh nghiệp Việt khi tham gia sân chơi chung là phải xác lập rõ quyền của mình theo quy định của luật.
Xác lập quyền nên là vấn đề đầu tiên và quan trọng nhất mà doanh nghiệp phải xử lý. Nếu trên môi trường mạng xã hội có xuất hiện vấn đề lạm dụng quyền, chiếm đoạt quyền của chủ sở hữu… doanh nghiệp cần áp dụng các biện pháp kỹ thuật để bảo vệ quyền của chính mình.
Nhiều doanh nghiệp Việt vẫn chưa sẵn sàng về mặt pháp lý khi tham gia môi trường toàn cầu. Doanh nghiệp nên tìm hiểu kỹ các quy định pháp luật, đặc biệt là môi trường quốc tế bởi các nền tảng toàn cầu đã có công cụ giúp bảo vệ nội dung; xây dựng bằng chứng mình là chủ hợp pháp của các sản phẩm nội dung đó.