Đoàn doanh nhân TP.HCM dâng hương tri ân cố Thủ tướng Phan Văn Khải
Ngày 25/12/2023, nhân kỷ niệm 90 năm ngày sinh của cố Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải, Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn và các doanh nhân TP.HCM đã đến viếng mộ, dâng hương tại Nhà tưởng niệm cố Thủ tướng Phan Văn Khải, tri ân người đã ký quyết định thành lập ngày Doanh nhân Việt Nam.
Cố Thủ tướng Phan Văn Khải là người có nhiều đóng góp cho sự phát triển kinh tế Việt Nam. Ông là thủ tướng đầu tiên của Việt Nam được đào tạo bài bản chuyên sâu về điều hành kinh tế vĩ mô. Trước tình hình quốc tế phức tạp lúc bấy giờ, ông đã đưa đất nước vượt qua những khó khăn, thử thách và đạt nhiều thành tựu to lớn.
Ngay khi còn công tác ở TP.HCM, ông đã cùng các cán bộ trong Thành ủy, UBND Thành phố tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất kinh doanh, gỡ khó cho doanh nhân, doanh nghiệp, giải quyết công ăn việc làm cho người lao động.
Khi là Phó thủ tướng, ông đã nỗ lực vận động Bộ Chính trị có cái nhìn khác về kinh tế tư nhân. Trong vai trò Thủ tướng, ông thúc đẩy soạn thảo Luật Doanh nghiệp để trình Quốc hội cho ý kiến thông qua vào năm 1999 và sửa đổi năm 2005, giúp “cởi trói” rất nhiều cho khối doanh nghiệp tư nhân. Bên cạnh đó, ông ký nhiều quyết định, xóa bỏ thủ tục hành chính rườm rà, tạo điều kiện cho kinh tế tư nhân phát triển.
Ngày 20/9/2004, từ đề xuất của báo Doanh Nhân Sài Gòn (tiền thân của Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn) cùng các hiệp hội doanh nghiệp, Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải đã ký Quyết định số 990/QĐ-TTg, hằng năm lấy ngày 13/10 là “Ngày Doanh nhân Việt Nam”. Đây được xem là dấu mốc lịch sử, khẳng định vai trò, vị trí của doanh nhân trong xã hội Việt Nam.
Sau khi rời chính trường, Thủ tướng Phan Văn Khải về sống ở quê nhà Tân Thông Hội, huyện Củ Chi. Ông không chỉ tích cực tham gia hoạt động, có nhiều đóng góp giúp quê hương phát triển mà còn luôn bình dị và gần gũi với xóm giềng.
Tham gia đoàn doanh nhân TP.HCM dâng hương cố Thủ tướng Phan Văn Khải (thường gọi là Sáu Khải), ông Võ Quang Cảnh - Chủ tịch CLB Doanh Nhân Sài Gòn chia sẻ: “Hội viên trong CLB Doanh Nhân Sài Gòn nói riêng và giới doanh nhân nói chung luôn nhớ đến cố Thủ tướng Phan Văn Khải, vì cố Thủ tướng là người rất quan tâm đến giới doanh nhân, doanh nghiệp và đã ký quyết định 990/QĐ-TTg, hằng năm lấy ngày 13/10 là ngày Doanh nhân Việt Nam. Và chỉ trong thời gian ngắn sau đó, CLB Doanh Nhân Sài Gòn được thành lập. Từ chỗ chưa được xã hội nhìn nhận một cách đúng mức và có những tên gọi chưa đúng với vị trí của mình, sau quyết định này, giới làm kinh tế, sản xuất, kinh doanh… có tên gọi chung là doanh nhân và có một ngày được tôn vinh như những ngành nghề cao quý khác trong xã hội. Đây là một cột mốc rất đáng nhớ. Khi doanh nhân có vị trí, được xã hội và Nhà nước nhìn nhận, quan tâm thì sẽ có điều kiện thuận lợi, là động lực để phát triển doanh nghiệp, đóng góp vào sự phát triển kinh tế của quốc gia. Báo Doanh Nhân Sài Gòn nay là Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn đã có sáng kiến đề xuất ngày Doanh Nhân Việt Nam 13/10 và kết nối doanh nhân trong những chuyến đi về nguồn như thế này, tôi thấy rất ý nghĩa”.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Thành - Chủ tịch Hội Doanh nghiệp huyện Củ Chi, quê nhà của cố Thủ tướng Phan Văn Khải, cho biết: “Tôi nhớ rất rõ quá trình hoạt động của bác, rời quê hương tập kết ra Bắc khi là một chàng trai 21 tuổi cho đến lúc đất nước thống nhất mới trở về Củ Chi. Quá trình hoạt động cách mạng, đi học ở Liên Xô rồi trở về đóng góp cho đất nước là cả một hành trình cống hiến. Trong những thời khắc rất trọng yếu, bác đã lèo lái “con thuyền” đất nước vượt qua những khó khăn và đưa giai đoạn lịch sử đó trở thành một giai đoạn rất thành công của đất nước. Đặc biệt, khi về sống ở quê nhà Củ Chi, bác đã làm rất nhiều việc giúp quê hương, xây dựng đường sá nông thôn, đổi mới cả hệ thống giao thông. Công ơn của bác với đất nước nói chung và đối với Củ Chi nói riêng rất lớn.
Còn với lực lượng doanh nhân, cố Thủ tướng là một trong những người khai mở, tạo môi trường chính sách thuận lợi, biết lắng nghe tiếng nói của doanh nhân để thay đổi phù hợp, giúp lực lượng doanh nhân phát triển. Không chỉ sinh nhật hay ngày giỗ mà bất cứ đoàn thể nào khi đến Củ Chi đều mong mỏi được thăm Nhà tưởng niệm, thắp hương cho cố Thủ tướng Phan Văn Khải để tri ân tấm lòng của một người cách mạng lão thành đối với đất nước. Riêng người dân Củ Chi thì lúc nào cũng trân trọng, yêu thương, cố gắng gìn giữ những giá trị và làm theo lời dạy của bác Sáu Khải”.
Chia sẻ niềm vinh dự khi lần thứ hai cùng cộng đồng doanh nhân TP.HCM đến thắp hương tưởng niệm nhân sinh nhật của cố Thủ tướng Phan Văn Khải, ông Nguyễn Hoàng Sơn - Phó chủ tịch Hội Tư vấn và Đại lý thuế TP.HCM cho biết: “Hôm nay là kỷ niệm sinh nhật lần thứ 90 của cố Thủ tướng Phan Văn Khải, các anh chị doanh nhân tham dự rất đông, đến thắp nén hương cho bác, thể hiện tình cảm chân thành với bác. Cố Thủ tướng cũng là người đã ký quyết định thành lập ngày Doanh nhân Việt Nam, cũng như đã quan tâm, tạo điều kiện rất nhiều cho giới doanh nhân phát triển. Là một doanh nhân thế hệ sau, tôi biết ơn bác rất sâu sắc về những điều đó. Hoạt động tưởng niệm, tri ân như thế này còn là dịp giúp cho các doanh nhân gắn kết với nhau và có sự kết nối với các cơ quan quản lý để hiểu hơn về những chính sách và tuân thủ quy định của Nhà nước trong quá trình hoạt động của mình”.
Một số hình ảnh các doanh nhân dâng hương cố Thủ tướng Phan Văn Khải trưa 25/12. Thực hiện: Lê Hạnh - Minh Phú - Thanh Trúc
Trước đó, sáng 25/12, cũng nhân kỷ niệm 90 năm ngày sinh cố Thủ tướng Phan Văn Khải, Phòng lưu niệm cố Thủ tướng Phan Văn Khải tại Nhà truyền thống huyện Củ Chi, TP.HCM đã được khánh thành. Ông Trần Trung Nghĩa - Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Truyền thông huyện Củ Chi cho biết, đây là món quà thể hiện sự tri ân, tình cảm sâu sắc của chính quyền và người dân huyện Củ Chi với cố Thủ tướng. Đây là nơi để người dân Củ Chi và du khách đến tham quan, học tập, tưởng nhớ và tri ân cố Thủ tướng Phan Văn Khải, đồng thời, góp phần giáo dục truyền thống, lý tưởng cho thế hệ trẻ.