Cố Thủ tướng Phan Văn Khải – Người hết lòng vì sự phát triển doanh nghiệp, doanh nhân
Cố Thủ tướng Phan Văn Khải sinh ngày 25/12/1933 với tên thường gọi là Sáu Khải. Ông làm Thủ tướng từ 1997 đến 2006, trong giai đoạn đất nước đang chuyển mình mạnh mẽ, như tăng cường hội nhập với thế giới và phát triển doanh nghiệp tư nhân. Ông được các chuyên gia đánh giá là lãnh đạo có tâm, có tầm, mang tư duy cải cách và luôn hết lòng vì sự phát triển doanh nghiệp, doanh nhân.
Cố Thủ tướng Phan Văn Khải sinh tại xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi, TPHCM. Ông tham gia cách mạng từ sớm. Năm 1947 ông vào đội thiếu nhi cứu quốc của xã. Năm 1950 hoạt động ở tỉnh đoàn Gia Định, rồi văn phòng tỉnh ủy Gia Định.
Năm 1954 ông tập kết ra Bắc. Trong thời gian này ông gia nhập đảng Lao Động Việt Nam, rồi đi học kinh tế tại đại học Plekhanov ở Thủ đô Moscow của Liên Xô đến năm 1965.
Trở về Việt Nam, ông làm việc tại Ủy ban Kế hoạch Nhà nước đến năm 1971. Từ 1972 đến 1975, ông là cán bộ nghiên cứu kinh tế miền Nam và đi chiến trường B2.
Giai đoạn làm việc ở TP.HCM và Chính phủ
Sau khi đất nước thống nhất, ông về miền Nam công tác, với các chức vụ Phó Chủ nhiệm rồi Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch TP.HCM; Phó Chủ tịch UBND TP.HCM. Từ 1985 đến 1989, ông được bầu làm Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP.HCM, và Ủy viên Trung ương Đảng khóa VI năm 1986.
Tháng 4/1989, ông chuyển ra Hà Nội làm Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Nhà nước. Năm 1991, ông vào Bộ Chính trị, giữ chức Phó Thủ tướng thường trực trong Nội các của Thủ tướng Võ Văn Kiệt.
Tháng 9/1997, ông được bầu làm Thủ tướng, Phó Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng và An ninh. Sau 2 nhiệm kỳ, tháng 6/2006 ông nghỉ hưu.
Thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển
Cố Thủ tướng Phan Văn Khải được đánh giá là một nhà kỹ trị, có năng lực chuyên môn về quản lý kinh tế. Ông là Thủ tướng đầu tiên của nước ta được đào tạo bài bản chuyên sâu về điều hành kinh tế vĩ mô, cũng như am hiểu sâu sắc kinh tế thị trường.
Trước giai đoạn ông làm Thủ tướng, kinh tế Việt Nam oằn mình chống chọi với khó khăn. Đặc biệt, những xung đột giữa tư duy cũ và mới. Nhiều lãnh đạo vẫn hoài nghi và phân biệt giữa doanh nghiệp nhà nước và tư nhân. Điều này làm chậm quá trình cải cách mở cửa. Trong bối cảnh đó, Phó Thủ tướng Phan Văn Khải đã nỗ lực vận động Bộ Chính trị có cái nhìn khác về kinh tế tư nhân. Năm 1999, trong vai trò Thủ tướng, ông thúc đẩy giới thiệu Luật Doanh nghiệp ra Quốc hội. Bộ luật đã cởi trói rất nhiều cho khối doanh nghiệp tư nhân. Ngoài ra, trên cương vị Thủ tướng, ông ký nhiều quyết định, xóa bỏ thủ tục hành chính rườm rà, tạo điều kiện cho kinh tế tư nhân phát triển.
Trong 9 năm cầm quyền của ông, kinh tế tư nhân có sự trỗi dậy mạnh mẽ. Hàng loạt công ty, xí nghiệp, nhà máy ngoài quốc doanh dần dần tìm được chỗ đứng trên thị trường, giúp nền kinh tế thêm sôi động, chất lượng hàng hóa và dịch vụ có sự cạnh tranh, nên được nâng cao.
Dẫn dắt Việt Nam thoát khỏi khủng hoảng kinh tế
Giai đoạn đầu nhiệm kỳ của Thủ tướng Phan Văn Khải, tình hình kinh tế khu vực rất bất ổn. Khủng hoảng tài chính châu Á 1997 tác động mạnh đến kinh tế Việt Nam. Tăng trưởng của nước ta ở mức cao trong giai đoạn 1995 – 1997, đến năm 1998 chỉ còn 5,76%, năm 1999 chỉ còn 4,77%. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài năm 1996 đạt gần 10,2 tỷ USD, thì năm 1997 còn 5,6 tỷ USD, năm 1999 còn 2,6 tỷ USD.
Lạm phát năm 1996 ở mức 4,5%, năm 1997 ở mức 3,6%, thì năm 1998 lên 9,2%. Giá USD năm 1995 giảm 0,6%, năm 1997 tăng đến 14,2%. Xuất khẩu năm 1996 dương 33,2%, năm 1998 chỉ còn 1,9%. Nhập khẩu năm 1996 tăng 36,6%, đến năm 1998 âm 0,8%.
Do độ mở của kinh tế Việt Nam lúc này chưa cao (xuất khẩu so với GDP chiếm khoảng 30%), cộng với có sẵn dầu thô và gạo với khối lượng lớn, thêm sự chủ động ứng phó, Thủ tướng Phan Văn Khải đã xoay chuyển hiệu quả. Ông ban hành nhiều quyết sách nhằm kiểm soát, không cho khủng hoảng lan rộng. Kết quả Việt Nam không bị cuốn sâu vào cơn bão. Những năm sau, giai đoạn 2001 – 2006, kinh tế có sự khởi sắc rõ rệt, lạm phát được kiềm chế, GDP tăng trưởng ổn định trên dưới 8%/1 năm.
Nghỉ hưu và qua đời
Sau khi rời chính trường năm 2006, Thủ tướng Phan Văn Khải về sống ở quê nhà Tân Thông Hội. Ông tích cực tham gia hoạt động tại địa phương, cũng như luôn chan hòa, bình dị, và gần gũi với bà con xóm giềng.
Ông qua đời ngày 17/3/2018 sau một thời gian bị bệnh vì tuổi cao sức yếu. Linh cữu của cố Thủ tướng được an táng ngay bên cạnh phần mộ người bạn đời là bà Nguyễn Thị Sáu trong khuôn viên gia đình.
Để lại di sản kinh tế tư nhân và doanh nhân Việt Nam
Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt từng đánh giá người kế nhiệm của mình, cố Thủ tướng Phan Văn Khải là nhà kinh tế hàng đầu đất nước. Các chuyên gia và giới sử học xem quá trình kinh tế Việt Nam tăng trưởng cao, hệ thống luật doanh nghiệp được hoàn thiện và khối tư nhân được cởi trói, có công lớn của ông Sáu Khải.
Để phát huy vai trò, truyền thống của đội ngũ doanh nhân Việt Nam, động viên các tầng lớp xã hội trong việc góp phần xây dựng và phát triển doanh nghiệp, đội ngũ doanh nhân ngày càng lớn mạnh, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, từ khởi xướng của Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cùng các hiệp hội doanh nghiệp, ngày 20/9/2004, Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải đã ký Quyết định số 990/QĐ-TTg về Ngày Doanh nhân Việt Nam, hằng năm lấy ngày 13/10 là “Ngày Doanh nhân Việt Nam”. Đánh dấu cột mốc lịch sử về vai trò vị trí của doanh nhân trong tất cả các tầng lớp xã hội.
Nhân kỷ niệm 90 năm sinh nhật ông Sáu Khải, ngày 24/12/2023 tại hội thảo mang tên “Đồng chí Phan Văn Khải – nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng và Nhà nước, người con ưu tú của TP.HCM” do Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh và Thành ủy TP.HCM tổ chức, GS. TS. Lê Văn Lợi, phó giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh nêu rõ, cố Thủ tướng Phan Văn Khải đã phấn đấu và cống hiến trọn đời cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Ông là tấm gương sáng về sự tận tụy cho các thế hệ sau, đặc biệt là những người trẻ.
Trình bày tham luận, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM Phạm Đức Hải nhắc lại, ông Sáu Khải là người con của vùng đất Sài Gòn – Chợ Lớn – Gia Định, mang trong mình bản sắc gần gũi – mộc mạc của người dân Nam Bộ, cộng với Củ Chi “đất thép thành đồng”. Ông Sáu Khải để lại dấu ấn không thể phai mờ, nhất là giai đoạn công tác tại TP.HCM, với những lo toan, trăn trở, nhưng vẫn tận tình và đôn hậu. Đứng trước khó khăn - thử thách, ông Sáu Khải không bao giờ chao đảo hay có suy nghĩ rút lui. Tất cả đều in đậm trong lòng đảng bộ và nhân dân TP.
PGS. TS. Bùi Đình Phong từ Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh thì nhấn mạnh tầm nhìn và tư duy đối ngoại của ông Sáu Khải. Ví dụ chuyến thăm Mỹ năm 2005. Ông Sáu Khải đã đặt những viên gạch quan trọng trong quan hệ 2 nước, mở ra nhiều cơ hội cho kinh tế Việt Nam hội nhập và phát triển, cũng như tái khẳng định đường lối đối ngoại tự chủ và đa phương của đất nước.
Phát biểu bế mạc hội thảo, Phó Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Hồ Hải nêu rõ, trên mọi cương vị công tác, từ ở TP.HCM đến Trung ương, ông Sáu Khải đều có những đóng góp to lớn, thể hiện hình ảnh nhà lãnh đạo tài ba, năng động và sáng tạo. Ông đã chỉ đạo, dẫn dắt đất nước vượt qua những thời khắc khó khăn, để đạt được thành tựu to lớn.