Lịch sử để lại bài học cho thấy, việc "giải phẫu" và tách rời hoàn toàn kinh tế Mỹ - Trung không phải là lựa chọn thực sự khôn ngoan. |
"Phân tách kinh tế"
Trước tiên, cần biết rằng, "phân tách" hay tách rời kinh tế (decouple) là thuật ngữ dùng để chỉ việc Mỹ và Trung Quốc cắt đứt chuỗi cung ứng phức tạp vốn đang gắn kết hai nền kinh tế này. Dù đã được đề cập chính thức lẫn không chính thức nhiều lần, song đến nay, nội hàm của thuật ngữ này vẫn chưa có sự thống nhất, bởi phân tách kinh tế còn có thể được định nghĩa là sự chấm dứt dòng chảy thương mại và công nghệ, vốn đang thúc đẩy tiềm năng tăng trưởng của hai bên.
Đề cập đến việc tách rời 2 nền kinh tế Mỹ và Trung Quốc một lần nữa vào sáng 7/9/2020 (giờ Mỹ), Tổng thống Mỹ Donald Trump cho rằng, Mỹ sẽ không "mất tiền" nếu kịch bản này xảy ra. "Nhắc đến 'phân tách', thì đó là một từ hay. Chúng ta đã mất hàng tỷ USD, và nếu chúng ta không giao thương với họ (Trung Quốc), chúng ta đã không mất hàng tỷ USD", ông Trump nói, đồng thời cam kết sẽ đưa việc làm từ Trung Quốc trở lại Mỹ.
"Chúng ta sẽ đưa nước Mỹ trở thành cường quốc sản xuất của thế giới và sẽ chấm dứt sự phụ thuộc vào Trung Quốc một lần và mãi mãi. Dù là tách rời kinh tế hay áp thuế mạnh tay như những gì tôi đã làm, chúng ta cũng sẽ chấm dứt sự phụ thuộc vào Trung Quốc, vì chúng ta không thể dựa vào Trung Quốc", ông Trump tuyên bố.
Link bài viết
Kịch bản không khả thi
Được biết, ông Trump đã xem việc cứng rắn với Trung Quốc là một phần quan trọng trong chiến dịch tái tranh cử vào tháng 11 sắp tới, sau một thời gian dài gọi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình là "bạn tốt" để cân bằng cán cân thương mại Mỹ - Trung.
Tuy nhiên, phân tách kinh tế Mỹ - Trung trên thực tế lại là "ca giải phẫu" nguy hiểm, có khả năng tác động đến triển vọng tăng trưởng trong dài hạn của cả hai bên, chứ không dễ dàng như những gì ông Trump tuyên bố.
Dù kinh tế Mỹ và Trung Quốc được đánh giá là ngày càng xa nhau, do mâu thuẫn phát sinh từ hàng loạt vấn đề trong nhiều năm qua, từ thương mại, cách xử lý Covid-19, vấn đề Hồng Kông, cho đến chính sách với các tập đoàn công nghệ Trung Quốc, nhưng trên thực tế, hàng Trung Quốc vào Mỹ đang ngày một tăng.
Dù chịu ảnh hưởng tiêu cực bởi đại dịch, giá trị hàng Mỹ xuất sang Trung Quốc đạt 8,6 tỷ USD vào tháng 4/2020, tăng so với mức đáy 10 năm vào tháng 2/2020 là 6,8 tỷ USD, và tiếp tục tăng đều trong 4 tháng kế. Đến tháng 8/2020, con số này là 9,04 tỷ USD.
Ở chiều ngược lại, giá trị hàng nhập khẩu từ Trung Quốc cũng vọt lên 31,1 tỷ USD vào tháng 4/2020, từ mức 19,8 tỷ USD trước đó 1 tháng. Con số này tiếp tục tăng lên, và đến tháng 7/2020 đã đạt 40,7 tỷ USD.
Giá trị xuất nhập khẩu của Mỹ và Trung Quốc từ tháng 8/2019 - 7/2020. Ảnh: ustradenumbers |
Ngoài ra, số liệu từ Bộ Nông nghiệp Mỹ cũng cho thấy, xuất khẩu đậu tương sang Trung Quốc đạt gần 424.000 tấn trong tháng 4/2020, hơn gấp đôi tháng trước đó. Đồng thời, trong cuộc điện đàm gần đây về thoả thuận thương mại giai đoạn 1, cả Washington lẫn Bắc Kinh đều phát đi tín hiệu cho thấy, Trung Quốc sẽ tuân thủ cam kết và mua thêm 200 tỷ USD nông sản, sản phẩm công nghiệp, năng lượng cũng như dịch vụ Mỹ trong 2 năm.
Trong khi đó, theo một báo cáo từ Rhodium Group, quý đầu năm nay, doanh nghiệp Mỹ đã công bố các dự án đầu tư mới trị giá 2,3 tỷ USD vào Trung Quốc. Bất chấp Covid-19, con số này chỉ giảm nhẹ so với trung bình quý vào năm ngoái - yếu tố cho thấy rất ít công ty Mỹ muốn giảm sự hiện diện tại thị trường tỷ dân, và thị trường sẽ chao đảo nếu hai nền kinh tế lớn nhất thế giới tách rời.
Link bài viết
Chỉ là hù doạ?
Trên thực tế, Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer cách đây hơn 2 tháng đã nói với các nghị sĩ Mỹ rằng, việc "tách rời hoàn toàn" khỏi Trung Quốc là không thực tế; và bản thân chính quyền Trump cũng đã phải rất nỗ lực để có thể kiểm soát thiệt hại sau khi Tổng thống Mỹ tuyên bố cân nhắc "tách rời hoàn toàn khỏi Trung Quốc" vào giữa tháng 6 qua.
Riêng Ngoại trưởng Mike Pompeo, khi được phỏng vấn trên một chương trình radio về viễn cảnh chiến tranh lạnh mới, đã khẳng định rằng, kinh tế Mỹ hiện đã gắn chặt với Trung Quốc nhiều hơn so với Liên Xô.
Trong khi đó, các quan chức khác và giới phân tích cũng cho rằng, kinh tế Mỹ - Trung hiện đã gắn bó chặt chẽ tới mức việc phân tách là phi thực tế. Tuy nhiên, Washington sẽ tiếp tục gây áp lực để Bắc Kinh tạo sân chơi bình đẳng hơn.
Theo Bill Reinsch – cố vấn cấp cao tại Trung tâm Quốc tế học và Chiến lược, kinh tế Mỹ và Trung Quốc đã mất hơn 2 thập niên để cùng nhau phát triển. Do đó, việc tách rời sẽ không dễ dàng.
Thêm nữa, lịch sử cũng để lại bài học cho thấy, việc "giải phẫu" và tách rời hoàn toàn kinh tế Mỹ - Trung không phải là lựa chọn thực sự khôn ngoan. Cách đây 2 năm, chính quyền Trump đã từng áp lệnh trừng phạt đối với Rusal - công ty nhôm lớn thứ hai thế giới tính theo sản lượng sản xuất chính có trụ sở tại Moscow, để trả đũa cho hành vi can thiệp vào bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016 của Nga.
Theo đó, các nhà sản xuất ô tô tại châu Âu sẽ phải trả những khoản tiền phạt lớn nếu còn tiếp tục làm ăn với Rusal, bất chấp việc sản phẩm nhôm của công ty này là vật liệu thiết yếu đối với họ. Rốt cục, trước sức ép của ngành sản xuất ô tô tại châu Âu, ông Trump đã phải dỡ bỏ lệnh trừng phạt.
Kinh tế Mỹ - Trung hiện đã gắn bó chặt chẽ tới mức việc phân tách là phi thực tế. |
Do đó, có thể thấy, dù Tổng thống Trump có tuyên bố như thế nào, thì việc triệt để chấm dứt quan hệ kinh tế Mỹ - Trung là bất khả thi. Bất cứ hành động nào của Washington, dù là tấn công hay tự vệ, cũng sẽ kéo theo phản ứng tương tự từ Bắc Kinh.
Đơn cử, ngăn chặn Huawei tiếp cận công nghệ Mỹ sẽ dẫn đến nguy cơ Trung Quốc trả đũa. Còn nếu Mỹ tách Trung Quốc khỏi hệ thống công nghệ của Mỹ, thì Trung Quốc cũng sẽ tách Mỹ khỏi hệ thống công nghệ của Trung Quốc, khiến nền kinh tế số một thế giới nhiều khả năng đánh mất quyền tiếp cận các hệ thống công nghệ khác.