Đô thị thông minh, mô hình hứa hẹn sẽ giúp giải nhiều bài toán khó trong quản lý đô thị. |
Đô thị thông minh: Mới mà không mới
Kể từ những năm 1990, chính phủ tại một số quốc gia cũng như nhiều chuyên gia nghiên cứu đã bắt đầu sử dụng và phổ biến thuật ngữ smart city, thành phố thông minh hay cộng đồng thông minh. Thế nên, có thể nói, smart city là một thuật ngữ không mới. Tuy nhiên, dù xuất hiện và tồn tại đã lâu, song cho đến nay, quá trình định hướng, xây dựng cũng như phát triển đô thị thông minh tại nhiều nước vẫn còn gặp phải những trở ngại nhất định; bởi lẽ, thế giới vẫn chưa có một khái niệm hay định nghĩa thống nhất nào về đô thị thông minh cả.
Theo tham luận A Unified Definition of a Smart City tại Hội nghị Quốc tế về Chính phủ Điện tử (EGOV) năm 2015, hiện có hơn 36 định nghĩa khác nhau về đô thị thông minh. Nguyên nhân đằng sau việc này, trước nhất, nằm ở chỗ, đô thị thông minh là một khái niệm rất rộng; và các tiêu chí để được gọi là thông minh cũng chưa thống nhất.
Những định nghĩa sớm nhất và có thể xem là phổ biến nhất về đô thị thông minh gắn sự thông minh với việc ứng dụng các nền tảng công nghệ thông tin trong việc quản lý một số chức năng của thành phố. Trong quyển sách From Intelligent to Smart Cities, Mark Deakin - giáo sư ngành quy hoạch vùng và đô thị thuộc trường đại học Edinburgh Napier tại Scotland, đã định nghĩa về đô thị thông minh như sau: Đô thị thông minh là mô hình thành phố ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông (ICT - Information and Communications Technology) nhằm đáp ứng những nhu cầu cho cư dân của nó, với sự tham gia tất yếu từ cả cộng đồng trong quá trình xây dựng và phát triển.
Link bài viết
Theo giáo sư Deakin, một thành phố được xem là thông minh khi sở hữu các yếu tố sau: Có sự đa dạng trong ứng dụng công nghệ kỹ thuật số và công nghệ điện tử cho thành phố cũng như cộng đồng; Có ứng dụng ICT để nâng cao chất lượng cuộc sống và môi trường làm việc trong khu vực; Có sự tích hợp ICT vào các hệ thống của chính phủ; Có sự đẩy mạnh kết nối giữa con người và ICT, với mục tiêu tạo ra sự đổi mới và cải tiến thông tin mà nó mang lại.
Định nghĩa đa dạng, song ngày càng hội tụ
Dù định nghĩa trên có vẻ khá đầy đủ, song theo thời gian, khái niệm đô thị thông minh không chỉ dừng ở mức đó. Dưới sự tác động của biến đổi khí hậu, tình hình địa chính trị thế giới, cách mạng công nghiệp lần thứ 4 cũng như sự xuất hiện của các công nghệ mới mang tính đột phá, bài toán xây dựng và phát triển đô thị thông minh ngày càng được mở rộng.
Giờ đây, các nghiên cứu mới nhằm thống nhất khái niệm đô thị thông minh còn đưa vào xem xét cả yếu tố phát triển bền vững, chất lượng cuộc sống và dịch vụ đi kèm cho cư dân. Đồng thời, việc đánh giá về mức độ thông minh cũng trở nên quan trọng; không chỉ đơn thuần là thông minh nữa, mà là phải thông minh tới mức nào. Các biến số như sự tác động tới nền kinh tế, điều kiện cơ sở hạ tầng, sự đổi mới, khả năng phục hồi, giao thông và phát triển đô thị v.v. đã được chính phủ một số nước và các nhà nghiên cứu cân nhắc thêm vào bảng đánh giá xếp hạng mức độ thông minh.
Hầu hết các quốc gia trên thế giới đều hào hứng với smart city và tham vọng xây dựng thành công nhiều đô thị thông minh trong tương lai.
Dù vậy, tín hiệu đáng mừng là các định nghĩa về đô thị thông minh ngày càng trở nên hội tụ hơn. Và, nếu nói một cách đơn giản, phổ biến nhất, có thể hiểu đô thị thông minh là mô hình thành phố ứng dụng ICT để nâng cao chất lượng và khả năng hoạt động của các dịch vụ đô thị như năng lượng, chiếu sáng, cấp thoát nước, giao thông cũng như nhiều tiện ích khác v.v. nhằm phục vụ cho mục tiêu giảm thiểu tiêu hao tài nguyên, tránh hao phí và cắt giảm chi phí nói chung. Mục tiêu bao trùm của đô thị thông minh là nâng cao chất lượng cuộc sống của cư dân tại đó thông qua các nền tảng công nghệ cao.
Xu hướng phát triển trên thế giới và tại ASEAN
Vì những mục tiêu nói trên, một khi được hoàn thành, sẽ giúp giải nhiều bài toán khó trong quản lý đô thị, nên hầu hết các quốc gia trên thế giới đều hào hứng với smart city và tham vọng xây dựng thành công nhiều đô thị thông minh trong tương lai.
Tại Mỹ, theo một báo cáo từ Liên đoàn các Thành phố Liên bang (NLC), có tới 66% thành phố ở xứ sở cờ hoa cho biết đang đầu tư vào các công nghệ phục vụ xây dựng đô thị thông minh và 25% trong số những nơi chưa có bất cứ kinh nghiệm gì đang nghiên cứu làm thế nào để phát triển đô thị thông minh. Ở bên kia quả địa cầu, vào năm 2012, với mục tiêu xây dựng 300 đô thị thông minh trước khi kết thúc năm 2019, Ủy ban châu Âu (EC) đã chính thức công bố sáng kiến mang tên European Innovation Partnership on Smart Cities and Communities (EIP-SCC). Thông qua sáng kiến này, có 78 thành phố tại châu Âu đã bắt tay vào quá trình phát triển đô thị thông minh.
Còn tại ASEAN - một trong số những khu vực có tốc độ phát triển nhanh nhất trên thế giới, đô thị thông minh thực sự là một giải pháp đáng chú ý để ứng phó với tốc độ đô thị hóa như hiện nay. Và, ở thời điểm hiện tại, một số quốc gia trong khu vực ASEAN đã sở hữu những thành tựu nhất định trong quá trình xây dựng đô thị thông minh. Năm 2017, một bảng xếp hạng 100 đô thị thông minh trên thế giới dựa trên nhiều tiêu chí như: giao thông, phát triển bền vững, quản lý nhà nước, quá trình số hóa, tiêu chuẩn sống, kinh tế sáng tạo v.v.. đã được EasyPark Group - một công ty tiên phong trong phát triển đô thị thông minh thực hiện. Theo bảng xếp hạng, Singapore là thành phố được xếp ở vị trí thứ 2, còn thủ đô Kuala Lumpur của Malaysia đứng ở hạng 84.
Link bài viết
Được biết, thông qua dự án quốc gia Smart Nation, Singapore hướng đến khai thác sức mạnh từ công nghệ kỹ thuật số với mục tiêu trở thành một đô thị đáng sống, đẳng cấp thế giới và có sự cạnh tranh mạnh mẽ hơn về mặt kinh tế. Một số điểm nổi bật trong dự án, có thể kể đến như việc xây dựng cổng thanh toán điện tử, hệ thống xe tự lái khu vực nội đô, hệ thống nhận diện điện tử, mạng lưới cảm biến không dây v.v..
Bên cạnh đó, chính phủ của đảo quốc sư tử còn chú trọng tích hợp Internet of Things (IoT - Internet vạn vật) vào đời sống thường nhật của người dân. Các dịch vụ công cũng được cung cấp thông qua nền tảng điện tử. Và, tất cả những tiện ích này, đều được tiếp sức bởi Big Data. Những nước còn lại cũng không hề chịu kém cạnh trong cuộc đua xây dựng đô thị thông minh. Indonesia, quốc gia với mục tiêu trở thành nền kinh tế số lớn nhất khu vực đã có kế hoạch xây dựng ít nhất 100 đô thị thông minh trong vòng 2 năm tới, và đang từng bước biến Jakarta trở thành một đô thị thông minh thông qua nhiều dự án như Jakarta Smart City Project, Jakarta One Card, Bandung’s Command centre v.v..
Tại Việt Nam, đáng chú ý phải kể đến dự án đô thị thông minh trục Nhật Tân - Nội Bài, được hợp tác xây dựng bởi tập đoàn BRG và tập đoàn Sumitomo (Nhật Bản). Được biết, dự án có tổng vốn đầu tư gần 4,2 tỷ USD, được xây dựng đồng bộ trên diện tích khoảng 272 hecta. Sau khi hoàn thành, thành phố dự kiến sẽ hội tụ nhiều nền tảng công nghệ đang được áp dụng tại những khu đô thị hiện đại ở Nhật như điện năng lượng mặt trời, xe buýt tự lái, hệ thống điều hòa không khí tổng thích hợp với khí hậu Hà Nội v.v..