Định danh mạng xã hội: Nên nhưng cần…
Vấn đề "Định danh tài khoản mạng xã hội" đã được đề cập trong thời gian qua nhưng việc thực thi vẫn có ý kiến cần xem xét kỹ nhiều góc khác.
Những năm gần đây, bên cạnh những lợi ích tích cực mà mạng xã hội (MXH) mang lại, cũng kéo theo không ít hệ lụy. Do người dùng có thể thoải mái lập tài khoản mà không cần định danh, nên các tính năng của mạng xã hội đã bị nhiều người lạm dụng để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật như công kích, bêu xấu, bóc phốt (là tiếng lóng được dùng trên mạng xã hội)nghĩa là đưa ra những thông tin công khai lên mạng xã hội cho nhiều người cùng biết, những thông tin khi bóc phốt thường không tốt đẹp hoặc là nói về việc làm sai trái của người khác nhằm làm xấu hình ảnh của cá nhân hoặc tổ chức nào đó trước công chúng ngày càng phổ biến.
Các mạng xã hội như YouTube, Facebook, TikTok được người Việt Nam sử dụng nhiều. Đây cũng là các kênh lan truyền tin giả, tin sai lệch chủ yếu trên mạng xã hội. Khi các tài khoản trên mạng có dấu hiệu vi phạm pháp luật, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ có cơ chế phối hợp với Cục An toàn thông tin, Trung tâm Internet Việt Nam, Cục phát thanh truyền hình và thông tin điện tử xác thực chủ tài khoản đó là ai và xử lý vi phạm.
Cách đây không lâu, nghệ sĩ Tự Long có bài đăng khuyên khán giả xem chương trình truyền hình nên giữ tâm thế thoải mái, vui vẻ, đừng nên chê bai lẫn nhau. Sau đó, nhiều khán giả của một chương trình phát sóng cùng thời điểm với Anh trai vượt ngàn chông gai chỉ trích Tự Long hám "fame" đã nặng lời chỉ trích tieu cực khiếm nhã nghệ sĩ này. Tự Long lên tiếng và cho rằng khán giả nên thưởng thức nghệ thuật một cách văn minh hơn.
Ngày 1/9, thông qua fanpage chính thức, Tự Long lên tiếng về vấn đề bình luận trái chiều và bày tỏ bức xúc với ý kiến đáp trả: “Nếu chỉ vì thần tượng của mình mà quên đi những giá trị tốt đẹp, hay bỏ qua cả những giá trị chuẩn mực về đạo đức, thì liệu có đáng hay không?”, Tự Long viết.
Ngoài việc dùng tài khoản ảo, ăn cắp tài khoản của người khác để lợi dụng mạng xã hội chửi bới, xúc phạm người khác, không ít cá nhân sử dụng tài khoản ảo hoặc thật để lừa đảo, livestream bán hàng kém chất lượng và các nội dung xuyên tạc, để lại hậu quả nặng nề, tác động xấu đến đời sống xã hội.
Từ trước đến nay MXH vẫn được coi là nơi ẩn danh, nhiều người nghĩ rằng không ai phát hiện và xử lý được mình. Vì thế, việc định danh cá nhân trên MXH được đa số người dùng, chuyên gia lĩnh vực đồng tình, cho rằng đó là một trong những việc nên làm, phải làm nhanh và làm sớm nhất có thể.
Ông Trần Anh Tuấn - Phó Chủ tịch Hội Tin học TP.HCM cũng bày tỏ quan điểm đồng tình và cho rằng, việc định danh trên cơ sở số điện thoại của cá nhân người sử dụng cũng cần thiết, vì hiện nay vẫn còn hiện tượng sử dụng tài khoản ảo, số điện thoại ảo, thậm chí tài khoản ngân hàng cũng ảo.
Tuy nhiên, một trong những vấn đề được nhiều người quan tâm đó là việc bảo mật thông tin cá nhân trên không gian Internet, đặc biệt khi xác thực bằng số điện thoại.
Theo ông Nguyễn Đình Thắng - Phó Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam, theo quy định định danh, chủ sở hữu tài khoản sẽ phải cung cấp thông tin của bản thân, như tên thật, số điện thoại, địa chỉ email hoặc giấy tờ tùy thân nhằm chứng minh danh tính của mình. Việc định danh tài khoản MXH là cần thiết nhưng hiện nay ở Việt Nam, các nền tảng MXH chủ yếu là đa quốc gia và xuyên biên giới. Những tiêu chuẩn và bảo mật thông tin cá nhân cũng phải theo luật quốc tế. Đây là một điều thực sự khó, hầu như rất khó có thể can thiệp định danh bằng thông tin danh tính người khác, để xác minh chính chủ, nếu không có sự phối hợp của các tổ chức nền tảng MXH.
Ông Thắng đề xuất, để gỡ bỏ tài khoản vi phạm, giải pháp căn cơ nhất là định danh người bán qua sàn thương mại điện tử (TMĐT). Hiện một số quốc gia đã áp dụng việc định danh người bán qua sàn TMĐT. Nếu như một người sử dụng số định danh cá nhân đăng ký tài khoản trên các sàn TMĐT, nếu có hành vi buôn bán hàng giả thì áp dụng chế tài như khóa sàn giao dịch, khóa tài khoản, việc quản lý này cũng giúp cơ quan thuế cũng dễ dàng thu thuế.
Cho rằng, việc định danh chỉ có thể thực hiện tốt khi quản lý tốt các nền tảng MXH đa quốc gia. Song, chuyên gia An ninh mạng Ngô Minh Hiếu (Hiếu PC) cho rằng đó là một điều thực sự khó vì liên quan đến những vấn đề vi phạm về quyền riêng tư, cá nhân trên nền tảng đó mà Nhà nước khó có thể kiểm soát được.
Chuyên gia Hiếu cho biết thêm, hiện tại người dùng tại Việt Nam chủ yếu sử dụng những nền tảng MXH đa quốc gia, những doanh nghiệp quản lý mạng xã hội xuyên biên giới lại chưa có đại diện pháp lý tại Việt Nam. Khi vi phạm và bị cơ quan chức năng yêu cầu gỡ bỏ, xử lý… đa phần doanh nghiệp tìm cách né tránh.
Ngoài ra, việc định danh có thể khiến một bộ phận người dùng quan ngại vì sợ phải "lộ" thông tin cá nhân, đồng nghĩa với việc các dữ liệu ngày tháng năm sinh, quê quán, địa chỉ cư trú… cũng đều hiển thị. Vậy việc quản lý, bảo mật những dữ liệu này để không bị sử dụng vào mục đích xấu cũng là vấn đề cần phải suy ngẫm.
Với mục tiêu đến năm 2025 có 55% dân số tham gia mua sắm trực tuyến với giá trị mua hàng 600 USD tức khoảng 13 triệu đồng/người/năm, gấp đôi năm nay, doanh số thương mại điện tử có thể đạt 35 tỷ USD, giới chuyên gia cho rằng, nếu chúng ta không có biện pháp để thanh lọc những đối tượng lợi dụng thương mại điện tử để lừa đảo sẽ rất khó đạt được mục tiêu của mình.