Điện ảnh “dẫn lối” cho du lịch địa phương
Điện ảnh đã và đang được khẳng định là kênh quảng bá hữu hiệu danh lam thắng cảnh, giá trị văn hóa, di sản của các vùng miền đến với công chúng, giúp thu hút du lịch và thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Hiệu quả và tiềm năng
Việt Nam có nhiều lợi thế, tiềm năng để quảng bá du lịch thông qua điện ảnh. Thực tế nhiều năm qua cho thấy, những cảnh quay đẹp trong các bộ phim đã tạo ra sức thu hút khách du lịch, giúp các điểm đến, địa danh, sản phẩm, dịch vụ du lịch xuất hiện trên màn ảnh rộng trở nên nổi tiếng, đóng góp tích cực vào sự phát triển du lịch của nhiều tỉnh, thành phố như: Phú Yên, Hà Giang, Quảng Ninh, Quảng Bình... Tại Hội thảo Du lịch, Điện ảnh và Thể thao: Kiến tạo tương lai - đường dài chung bước do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) phối hợp với UBND tỉnh Bình Định tổ chức ngày 3/9 ở TP.Quy Nhơn, ông Hà Văn Siêu - Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam cho biết, 2/3 lượng khách tìm kiếm và hứng thú đi du lịch trên quốc tế là thông qua các tác phẩm điện ảnh. Đây là một trong những tài nguyên vô tận của Việt Nam, nếu như chúng ta biết khai thác những giá trị về cảnh quan, về con người, về các bối cảnh Việt Nam.
Dẫn chứng về sức ảnh hưởng của điện ảnh tác động đến sự phát triển du lịch, lãnh đạo Sở VH-TT-DL tỉnh Hà Giang cho biết, nhờ điện ảnh mà Hà Giang được đông đảo du khách, người dân trong nước và quốc tế biết đến, ghé thăm đem lại nguồn thu lớn cho địa phương. Từ đó, các điểm đến Hà Giang dần được khẳng định, giành được nhiều giải thưởng điểm đến lớn ở châu Á. Mới nhất, bộ phim Tết ở làng Địa Ngục với bối cảnh quay chính tại làng Sảo Há (Hà Giang) - nơi còn lưu giữ gần như vẹn nguyên hình ảnh mộc mạc ngôi làng cổ của người dân tộc Mông, sau khi công chiếu đã giúp cho địa danh này trở thành điểm đến rất được “săn đón” hiện nay.
Khi phim Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh ra mắt, theo thống kê từ Sở VH-TT-DL tỉnh, số du khách đến tỉnh Phú Yên tăng gấp 2,5 lần, từ 750.000 lượt năm 2014 lên 1,8 triệu lượt khách vào năm 2019. Đầu tháng 11 tới, Ngày xưa có một chuyện tình - cũng chuyển thể từ tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh, chọn bối cảnh chính tại Phú Yên sẽ ra rạp, hứa hẹn gây “thương nhớ” về làng quê thanh bình, đậm nét văn hóa đặc trưng của miền Trung.
“Cánh cửa” đang mở
Nhận thấy tiềm năng rất lớn từ điện ảnh đối với du lịch, nhiều địa phương đang “mở cửa” chào đón các dự án phim ảnh. Hà Giang đã đầu tư hạ tầng giao thông, có nhiều chính sách để thu hút các đoàn làm phim đến địa phương khai thác bối cảnh phim, xây dựng những tác phẩm điện ảnh, nhất là các thể loại phim hành động, phim hài, phiêu lưu, giả tưởng. Thừa Thiên - Huế rất tích cực ủng hộ các ê kíp chọn cố đô làm bối cảnh và các phim Gái già lắm chiêu 5, Mắt biếc… đã giúp quảng bá rất tốt cho một số địa điểm, công trình ở Huế. Sắp tới, bộ phim Hoàng hậu cuối cùng được UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế hỗ trợ, tạo điều kiện quay ở quần thể di tích Huế. Trong đó có Điện Kiến Trung - nơi ăn ở, làm việc của vua Bảo Đại, hoàng hậu Nam Phương cùng các hoàng tử, công chúa được chọn làm bối cảnh chính.
“Điện ảnh có một sức lan tỏa rất rộng lớn và góp phần kích cầu cho du lịch. Quá trình làm phim cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa “kiềng 3 chân” đó là Nhà nước, chính quyền và doanh nghiệp - doanh nhân. Chính vì vậy, cần có một cơ chế về miễn thuế, giảm thuế cho những đoàn phim đến quay tại địa phương”.
(Ông Đỗ Lệnh Hùng Tú - Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam)
Công tử Bạc Liêu ra rạp vào tháng 12 tới là dự án điện ảnh đầu tiên được UBND tỉnh Bạc Liêu cấp phép ghi hình, nhằm góp phần quảng bá những dấu ấn văn hóa đặc sắc của địa phương lên màn ảnh rộng. Phim bấm máy tại một số di tích nổi tiếng như nhà Công tử Bạc Liêu, Nhà hát Cao Văn Lầu, cánh đồng muối huyện Đông Hải...
UBND TP.HCM đã tạo mọi điều kiện hỗ trợ đoàn làm phim Địa đạo - Mặt trời trong bóng tối. Không chỉ là câu chuyện giáo dục cho thế hệ trẻ về tinh thần yêu nước, chống giặc ngoại xâm, phim còn là một kênh giới thiệu về địa đạo Củ Chi - nơi đang được Thành phố xây dựng hồ sơ trình UNESCO công nhận là Di sản thế giới. Mỗi năm, nơi này thu hút hơn một triệu du khách trong và ngoài nước đến tham quan, tỷ lệ tăng từ 10-20%/năm.
Mới đây, lãnh đạo tỉnh Bình Định đã bày tỏ mong muốn các chuyên gia, nhà làm phim quan tâm giúp đỡ để khai phá các tiềm năng du lịch, điện ảnh và trở thành “phim trường” điện ảnh tầm cỡ, thu hút du khách, bạn bè quốc tế. Ngay sau đó đã có bốn nhà sản xuất phim ký biên bản ghi nhớ mang dự án đến quay hình ảnh tại Bình Định.
Sau khi Luật Điện ảnh (sửa đổi) 2023 có hiệu lực, một số địa phương đã phối hợp với các tổ chức, doanh nghiệp thúc đẩy tổ chức Liên hoan phim quốc tế, chương trình xúc tiến du lịch - điện ảnh để mời gọi, thu hút cả các nhà làm phim quốc tế. Việt Nam hiện có ba LHP quốc tế tổ chức tại TP. Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM không chỉ là lễ hội của ngành điện ảnh, mà còn được địa phương xây dựng thành thương hiệu tầm vóc quốc tế nhằm góp phần kích cầu cho du lịch.
Ngày 31/8/2024 Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Chỉ thị số 30/CT-TTg về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam, trong đó yêu cầu UBND các tỉnh, thành chủ động cân đối, bố trí nguồn ngân sách, nguồn lực để ưu tiên phát triển các sản phẩm, dịch vụ công nghiệp văn hóa là thế mạnh, có sức cạnh tranh; đồng thời tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư vào công nghiệp văn hóa. Đẩy mạnh liên kết vùng, địa phương trong khai thác và kinh doanh các sản phẩm, dịch vụ công nghiệp văn hóa.
Công nghiệp điện ảnh là một ngành kinh tế văn hóa mũi nhọn, có sự phát triển đột phá trong bối cảnh kinh tế thị trường, hội nhập và toàn cầu hóa. Kích cầu du lịch thông qua điện ảnh là hướng đi nhiều tiềm năng, nếu khai thác tốt sẽ có thể tạo ra những bước đột phá cho phát triển du lịch.
Từ năm ngoái, Giải thưởng Cánh diều vàng của Hội Điện ảnh Việt Nam đã được tổ chức cố định ở TP.Nha Trang, là dịp lớn giới thiệu hình ảnh, tiềm năng phát triển kinh tế - xã hội của Khánh Hòa, thu hút các dự án điện ảnh trong và ngoài nước đến quay phim.