Thương lái: Một mắt xich trong xuất khẩu gạo

NGUYÊN NGỌC| 02/12/2009 08:41

Tỏ ra xót cho nông dân không trữ được lúa chờ đến khi giá cao, khuyên nông dân hãy theo dõi dự báo để định thời điểm bán lúa có lợi nhất, nhưng lại không dám chịu trách nhiệm nếu như nông dân vì nghe theo dự báo sai mà bán lúa bị lỗ.

Thương lái: Một mắt xich trong xuất khẩu gạo

Tỏ ra xót cho nông dân không trữ được lúa chờ đến khi giá cao, khuyên nông dân hãy theo dõi dự báo để định thời điểm bán lúa có lợi nhất, nhưng lại không dám chịu trách nhiệm nếu như nông dân vì nghe theo dự báo sai mà bán lúa bị lỗ. Đó là thái độ của không ít quan chức các bộ, ngành và hiệp hội liên quan đến sản xuất, xuất khẩu lúa gạo. Họ dường như lúc nào cũng đổ lỗi cho các tầng nấc trung gian là thương lái, coi như là kẻ chuyên o ép nông dân để hưởng lợi.

Phân tích về chuỗi giá trị thương mại lúa gạo của VN hiện nay, chủ yếu có hai kênh chính là xuất khẩu và thị trường nội địa. Với kênh xuất khẩu, lúa từ nông dân qua các nấc trung gian là thương lái, DN kinh doanh sơ chế rồi mới đến DN xuất khẩu. Đối với kênh thị trường nội địa, cũng qua các khâu từ nông dân tới các nấc trung gian rồi mới đến tay người tiêu dùng. Hình thức giao dịch nông sản phổ biến hiện nay là không có hợp đồng giữa nông dân với những người thu gom là hàng xáo và thương lái; mua bán thông qua ký kết hợp đồng giữa DN với nông dân, qua chợ đầu mối, trung tâm giao dịch nông sản rất hạn chế.

Nhìn tổng thể, rõ ràng DN xuất khẩu gạo, nhà phân phối lớn tại nội địa không trực tiếp tổ chức thu mua của nông dân, nếu có cũng rất ít, như thế thì hàng xáo, thương lái có công hay là người chỉ biết kiếm lợi nhuận? Thấy nông dân làm trên 50% khối lượng công việc trong chuỗi cung ứng, những người mua bán gạo chỉ làm 10% công việc nhưng lại hưởng tới 67% giá trị tăng thêm, người ta vội bảo họ hưởng trên sự ép giá nông dân.

Người làm ra hạt gạo luôn muốn mình hưởng lợi nhiều nhất, nhưng có lắng nghe họ nói thật bụng mới thấy họ không trách hàng xáo, thương lái, mà trách chính những DN lớn, trách chính các bộ và Hiệp hội Lương thực VN (VFA) không tổ chức thu mua tận nơi. Đại diện VFA luôn bảo rằng, do nông dân còn thói quen bán lúa tại ruộng, tại nhà, nên công ty lương thực không có khả năng đến tận nơi. Xét xem, có bao nhiêu hộ nông dân có đủ vốn để trữ lúa chờ giá, nếu có chăng thì việc vận chuyển, liên hệ được công ty để bán được lúa có dễ dàng không. Trong khi, những người hàng xáo vào tận đồng sâu để mang lúa đi, trao tiền ngay.

Đại diện một sở nông nghiệp đã phải thốt lên rằng: “Đừng lên án, chỉ trích thương lái, mà hãy nhìn nhận vai trò của họ, khuyến khích họ tính toán lợi nhuận hợp lý để chia sẻ lợi nhuận cho nông dân. Song bù lại, họ cần được hưởng những cơ chế thuận lợi để phát huy sự linh hoạt trong thu mua, lưu thông lúa hàng hóa, việc mà các công ty lương thực không làm nổi”.

Hãy công bằng nhìn lại giá lúa gạo từng khâu, xem ai là người ấn định. Nông dân không thể ấn định giá, ngoại trừ những khi hiếm hoi, giá lúa đột ngột tăng cao, DN tranh mua, bởi họ là người xa nhất với người tiêu dùng cuối cùng, khó nắm bắt thông tin và sự thay đổi thị trường, không giỏi phán đoán giá cả, thiếu vốn, lệ thuộc thời tiết, thiếu hệ thống bảo hiểm rủi ro, đường sá đi lại khó khăn, chi phí giao dịch cao.

Hàng xáo, thương lái, những người bị chỉ trích nhiều nhất hiện nay, là trung gian giữa người trồng lúa và nhà máy xay xát gạo, là người vận chuyển, mua hàng thanh toán sòng phẳng (cả thiếu sòng phẳng), vốn nhỏ nhưng linh họat và chịu đựng khó khăn, chịu rủi ro chậm trễ thanh toán của nhà máy. Họ thu mua lúa gạo hay bất cứ nông sản nào cũng dựa trên dự báo thị trường và giá đầu ra từ các nguồn tin cậy, chứ chưa chắc có khả năng ấn định giá. Giá gạo mỗi ngày hầu như là do thương nhân chợ đầu mối thông báo, rồi thương lái, hàng xáo mới theo đó thu mua.

Các công ty xuất khẩu hoặc phân phối lớn hiểu biết thị trường, nắm nguồn khách hàng và nắm bắt thông tin từ nguồn nhiều nhất, tiếp cận được vốn ngân hàng và huy động các nguồn khác; có kho tàng, dễ tiếp cận phương tiện vận chuyển, có thế mạnh trong thương lượng giá. Chẳng lẽ một người hiểu biết hơn, có nhiều thế mạnh hơn lại hưởng lợi ít so với nông dân, thương lái?

Nói như vậy không có nghĩa là bao biện cho hàng xáo, thương lái. Hệ thống phân phối yếu kém, nhiều tầng nấc trung gian chắc chắn làm tăng chi phí và ảnh hưởng giá bán lẫn lợi nhuận. Tuy nhiên, muốn nông dân hưởng được lợi của xuất khẩu gạo, thì cần bỏ bớt trung gian bằng cách cải thiện phương thức hợp tác các thành phần trong chuỗi giá trị thương mại. Các nhà trung gian (hàng xáo, thương lái) cần được khuyến khích đầu tư vào hệ thống kho hàng, sấy, phân loại, sơ chế xay xát và đánh bóng. Còn khi chưa hình thành một chuỗi liên kết chuyên nghiệp thì lực lượng hàng xáo, thương lái tham gia thị trường không thể thiếu. Họ cần được tôn trọng và đối xử bình đẳng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Thương lái: Một mắt xich trong xuất khẩu gạo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO