Sông quê

LƯU MÊLAN| 15/01/2010 09:28

Mùa hạn, lòng sông trồi lên những cát là cát. Những người đàn bà quê tôi ra sông, bới những hố trong cát lấy nước sạch về làng.

Sông quê

Phố đã bắt đầu cuối năm. Trong những cửa hàng ào ra đường màu đỏ của bánh trái, hàng hóa, người đi chợ Tết đã lác đác nói cười. Tôi cũng trở về đón nhận vòng tay quê hương.

Núi, đá màu đen, đất màu nâu và mây màu xám trắng, những bông hoa dại ven bờ còn e ấp búp màu tim tím ỏn ẻn đưa theo gió. Con sông như còn lạ lẫm che mặt bằng làn sương mỏng manh.

Mùa hạn, lòng sông trồi lên những cát là cát. Những người đàn bà quê tôi ra sông, bới những hố trong cát lấy nước sạch về làng. Những đôi quang gánh ấy đi vào tuổi bé dại tôi bằng những nụ cười, và cái dáng uyển chuyển thành thơ. Đòn gánh nhịp nhịp, cong vồng sức nặng. Bàn chân để lại những hũm trắng nước mỏng manh và nặng nhọc.

Đã qua thời ấy. Bao lần nhìn sông buồn muốn khóc. Nước ít làm cây cầu Đạo Long bắc qua khúc thượng nguồn này như dài ra. Con người đi qua cây cầu ấy, đen nhẻm, hắt hiu, lầm lũi hơn.

Sông quê. Mùa mưa thì nước làm lụt. Ngày xưa nhìn lũ, thấy chú bác chèo thuyền ra vớt gỗ trôi, quê kỉnh kêu bằng rều, lũ trẻ con nhìn mà khoái chí. Giờ nhớ lại, cứ thấy đau đau, vớt được chẳng là bao mà cái giá phải trả đôi khi quá xót xa! Nhỏ, ít nhìn thấy chia ly, chỉ thấy sao con người ta dũng mãnh giữa cơn cuồng nộ thiên nhiên, nên lũ trẻ cứ vỗ tay reo hò cổ vũ.

Giờ. Hết. Mỗi lần trở về quê, nhìn thẳng về núi Chà Bang, núi thiêng của người Chăm Ninh Thuận, cái đuôi đẹp sừng sững của dãy Trường Sơn, con sông Dinh ngậm dòng nước mắt. Trong mà buồn. Nước trôi đi, chẳng trở lại, cứ như chảy máu dần cho đến kiệt sức. Chỉ còn cát khô rang những bàn chân bỏng rát.

Mà, cũng hết cảnh ấy rồi, nhà ai cũng có nước máy. Mấy mùa hạn, cúp điện, cúp nước, chạy ngang qua con sông, xao xác buồn.
Lũ trẻ con cũng buồn rưng rưng. Những vỏ hến nằm phơi sáng chói gắt, đáy trắng, lõm bõm chỗ những búi cỏ voi người ta trồng chăn gia súc. Nhiều mùa, chẳng có nước vào mùa gieo hạt. Trâu bò giờ cũng ít dần, chỉ còn máy cày, máy kéo. Chỉ có dê, cừu là nhiều, mà nhìn chúng, cứ thấy sao lòng mình như cũng khô đi. Chúng được nuôi vì thị trường cần, vì thành phố gần đó cần những dê núi, cừu nướng...

ột vùng trắng, trống, nhiều đoạn thấy những con mương xây phơi bụng, đất nứt, lại thấy con sông như đang ẩn mình phía dưới, đợi mùa. Nhớ quê, nhớ những vệt bánh xe bò ghim vào những con đường đất chạy dọc ngang ký ức. Con sông cũng vắt ngang đường đi, sông một bên, đường một bên. Cứ ngỡ sao ta không là con thuyền, xuôi xuống thị xã, chẳng muốn đi trên con đường nhựa bốc hơi khét nghẹt, nóng đến cháy da cháy thịt.

Bao mùa nắng hạn, mưa dầm qua, bao lần đường cát bỏng trắng ấy ngập nước, cuồn cuộn nước rồi cằn khô. Mỗi lần về, thấy con sông lại nổi lên những trảng cát, cứ nghĩ nếu mà xây một cái tháp rùa nơi ấy, chắc chẳng khác tháp rùa ở Hồ Gươm, Hà Nội. Dân Ninh Thuận đi xa, chẳng bao giờ, không bao giờ quên quê hương. Mà làm sao quên nổi? Cái đẹp tháp rùa ấy nói lên điều gì cơ chứ, hỡi trời!?

Giờ Tết lại về, chợt quên chợt nhớ sông quê. Qua Tháp Chàm, bỗng thấy dòng sông hiện ra, nhấp nháy đầy ánh sáng, gió sông thổi đến mát rượi. Vài ông Tây, bà đầm đứng chụp hình bên cạnh những chiếc xe đạp cao lêu khêu, hướng về núi Chà Bang, hai đỉnh mù sương như núi lửa hùng vĩ ấy. Bỗng muốn trào nước mắt, nói bác xe ôm“ : Dừng, cho con xuống chỗ này chút”.

Những ông Tây, bà đầm nhìn tôi, rơm rớm cười nói như những người bạn. Hình như, trong họ cũng có một con sông quê hương cho riêng mình...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Sông quê
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO