Phải đọc lại bài của Rolnick

Chuyên gia kinh tế VŨ QUANG VIỆT| 28/09/2011 08:30

Nhiều người đã bàn về chuyện này, cả trên báo chí Việt Nam hiện nay. Nếu các bạn để ý thì thấy vấn đề này cũng đang là vấn đề nóng ở Bangladesh. Hiệp hội Ngân hàng (NH) ở đó đã đồng thuận quyết định trần lãi suất ký gửi, bởi vì họ cũng đang gặp khó khăn khi một số NH cạnh tranh giành khách hàng bằng cách trả lãi suất ký gửi cao và như vậy phải cho vay với lãi suất cao hơn để tồn tại.

Phải đọc lại bài của Rolnick

Nhiều người đã bàn về chuyện này, cả trên báo chí Việt Nam hiện nay. Nếu các bạn để ý thì thấy vấn đề này cũng đang là vấn đề nóng ở Bangladesh. Hiệp hội Ngân hàng (NH) ở đó đã đồng thuận quyết định trần lãi suất ký gửi, bởi vì họ cũng đang gặp khó khăn khi một số NH cạnh tranh giành khách hàng bằng cách trả lãi suất ký gửi cao và như vậy phải cho vay với lãi suất cao hơn để tồn tại.

Nếu lãi suất cao rủi ro thất bại trong việc làm ăn sẽ cao, khả năng trả nợ của người đi vay sẽ giảm đi. Nguyên lý cơ bản của kinh tế là lợi nhuận cao rủi ro cao.

Nhiều chi nhánh NH vượt trần lãi suất sẽ giúp NH “mẹ”có nguồn vốn dồi dào để cho vay, có thêm lợi nhuận? Câu hỏi được đặt ra là thế thì tại sao không để tự do cạnh tranh, kẻ nào hành động vượt quá khả năng sẽ thì phải chấp nhận rủi ro, tự đào hố chôn mình.

Điều này có thể dễ dàng chấp nhận với việc cạnh tranh trong sản xuất phi tài chính, nhưng trong hoạt động NH và tài chính thì cần hết sức thận trọng, sự sụp đổ của NH kéo theo sự sụp đổ của nền kinh tế, nhất là trong trường hợp Việt Nam, khi khả năng quản lý hệ thống tài chính còn rất và lại đang phải đối phó với lạm phát cao và thiếu hụt ngân sách cao.

Cũng xin nói thêm là việc quy định trần lãi suất ký gửi có lịch sử khá đặc biệt ở Mỹ mà chúng ta cần tham khảo. Trước năm 1933, hệ thống NH Mỹ không có trần. Sự sụp đổ của hệ thống tài chính trong cuộc đại khủng khoảng hồi đó đã khiến Quốc hội Mỹ thông qua luật về trần lãi suất ký gửi và cả lãi suất cho vay.

Trần lãi suất của tiền ký gửi có thể rút ra bất cứ lúc nào (demand deposit) là zero. Ngoài ra, trần lãi suất ký gửi để dành có thời hạn (saving deposit) cũng do Quốc hội quyết theo Luật NH (Banking Act) năm 1933.

Luật này kéo dài cho đến năm 1980 là thời bắt đầu của chính sách xóa bỏ các quy chế kiểm soát, tạo sự cạnh tranh mà nhiều nhà kinh tế cho rằng đã là nguyên nhân kìm hãm sự phát triển của kinh tế Mỹ. Do đó, luật về trần lãi suất ký gửi bị xóa vì một số nhà kinh tế lý luận rằng không có liên hệ thuận giữa lợi nhuận (lãi suất) và độ rủi ro trong hoạt động NH.

Đến năm 1999, thời Tổng thống Clinton, Luật NH lại còn thay đổi triệt để hơn nữa nhằm xóa bỏ việc ngăn chặn NH thương mại dùng tiền ký gửi đầu tư vào chứng khoán và các công cụ tài chính đầy rủi ro khác, để tự do hóa thêm tính cạnh tranh trong đầu tư tài chính.

Việc thả lỏng kiểm soát đang được nhiều nhà kinh tế coi là yếu tố gây ra cuộc khoảng hoảng tài chính ở Mỹ năm 2007 và lan rộng khắp thế giới và sẽ còn tiếp tục kéo dài có thể cả thập kỷ nữa. Cũng nên để ý là việc xóa bỏ kiểm soát trần lãi suất là dựa vào nghiên cứu của George J. Bentson (1964) và Albert H. Cox (1966).

Sau này, dựa vào thông tin về thời kỳ trước năm 1933 đầy đủ hơn, Arthur J. Rolnick (1987) Phó chủ tịch và Giám đốc Nghiên cứu của chi nhánh NH Trung ương ở Minnesota đã tìm thấy sự liên hệ và phản bác lại Bentson và Cox. Nhưng lúc đó đã muộn. Chính vì thế mà giới kinh tế lại phải đọc lại bài của Rolnik.

Tôi không muốn bàn về những chi tiết vụn hiện nay ở Việt Nam như việc NH cố tình vi phạm trần lãi suất và nên làm gì. Đây là vấn đề hiệu lực của nền hành chính và kỷ cương quốc gia. Luật ra mà không thi hành hình như là hiện tượng phổ biến trong mọi lĩnh vực. Vấn đề này nằm ngoài biện pháp kinh tế.

Tuy nhiên, khi đặt ra luật thì cần có sự hợp lý và vô tư để không ai chịu thiệt và không chỉ một giới được lợi. Có ba vấn đề cần lưu ý. Thứ nhất, khi đặt trần lãi suất ký gửi thì phải bảo đảm là nói chung và về dài lâu người bỏ tiền không bị thiệt. Trần lãi suất ký gửi phải đi gần với tốc độ lạm phát. Nếu lãi nhận được thấp hơn lạm phát trở thành quy luật thì ký gửi tiền sẽ cạn dần, và NH chắc chắn sẽ rơi vào khủng hoảng.

Điều này đã xảy ra trong thời lạm phát phi mã những năm 1980 -1990 ở Việt Nam. Tất nhiên, trong ngắn hạn, lãi suất có thể thấp hơn và cũng có thể cao hơn lạm phát, nhưng không thể là quy luật. Thứ hai, nếu đã đặt trần lãi suất ký gửi thì cũng phải đặt trần lãi suất cho vay. Nếu không thế thì mục đích của việc bảo vệ hệ thống NH ổn định không phải là lý do cho việc quy định trần lãi suất.

Thứ ba, không nên cứng nhắc mà phải uyển chuyển, tức là thay vì đặt trần lãi suất cho vay một cách cố định thì đặt nó bằng trần lãi suất cộng với tỷ lệ chi phí và tỷ lệ lợi nhuận đã từng đạt ở mức cao nhất trong thời bình thường trước đây. Nó phải đủ cao để có thể tạo sự cạnh tranh lãi suất cho vay ở mức thấp hơn trần. Khi trần lãi suất ký gửi thay đổi thì trần lãi suất cho vay cũng tự động thay đổi.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Phải đọc lại bài của Rolnick
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO