Hỗ trợ lãi suất chỉ là nhất thời

CÁC NGỌC (thực hiện)| 04/11/2009 08:25

Dự báo nền kinh tế nước ta trong năm 2010 tiếp tục phục hồi và sẽ đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn năm 2009, có thể lấy lại đà tăng trưởng như thời kỳ trước suy thoái kinh tế thế giới.

Hỗ trợ lãi suất chỉ là nhất thời

Dự báo nền kinh tế nước ta trong năm 2010 tiếp tục phục hồi và sẽ đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn năm 2009, có thể lấy lại đà tăng trưởng như thời kỳ trước suy thoái kinh tế thế giới. Tuy nhiên, Chính phủ vẫn quyết định kéo dài các biện pháp hỗ trợ nền kinh tế để đảm bảo tránh cú sốc do đột ngột chấm dứt các gói kích thích kinh tế đang thực hiện, cũng để các DN thích ứng dần khi nền kinh tế trở lại tăng trưởng bình thường. Tiến sĩ Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nhận định:

Chính phủ cần thiết có các giải pháp hỗ trợ tiếp theo trong năm 2010, nhưng phải có điều chỉnh hợp lý về nội dung chính sách, phạm vi và mức độ hỗ trợ, nhằm đảm bảo phục hồi nền kinh tế một cách vững chắc, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội và tạo tiền đề tăng trưởng nhanh và bền vững trong những năm tiếp theo. Theo tôi, vẫn tiếp tục đầu tư nhưng có thể không cần dùng các biện pháp ưu đãi.

* Báo cáo tình hình thực hiện gói kích cầu thứ nhất, Ngân hàng Nhà nước cho biết, cơ chế hỗ trợ lãi suất có một số quy định chưa phù hợp với thực tế, một số biểu hiện chưa tích cực đã bộc lộ, nếu kéo dài sẽ phát sinh tâm lý ỷ lại, ảnh hưởng lớn đến tính cạnh tranh và phát triển bền vững. Theo ông, nếu triển khai gói kích thích kinh tế tiếp theo, làm sao để đảm bảo đồng vốn đưa ra được kiểm soát tốt?

- Bản thân gói kích cầu không chủ yếu hỗ trợ lãi suất cho DN, đó chỉ là một phần nhỏ thôi. Mục tiêu của Chính phủ lần này là tăng những gói liên quan đến cơ cấu nền kinh tế, liên quan đầu tư dài hạn. Tôi cũng đồng ý nên tăng những khoản này, chứ không nên ưu tiên về điều kiện, vì như thế có thể làm méo mó tác động kích thích tăng trưởng. Cứ coi như tăng các khoản đầu tư thông thường nhưng với tốc độ, quy mô lớn hơn để tăng cầu lên, chứ không ưu đãi, vì ưu đãi dễ phát sinh những vấn đề khó kiểm soát, phải giám sát xem đầu tư vào chỗ nào, xử lý vốn ra sao...

Về vay hỗ trợ lãi suất, có ý kiến nói tốt, nhưng cũng có ý kiến là còn nhiều vấn đề. Để có kết luận thì phải qua kiểm toán, thanh tra. Tuy nhiên phải hiểu, gói kích cầu trước chủ yếu mang tính “giải cứu”, nên các điều kiện tương đối thoáng, không khắt khe lắm. Về tổng thể, tôi cho như thế là được. Ở vào tình huống khẩn cấp thì không thể ngồi suy xét từng phần trăm được, phải chấp nhận một hướng cơ bản và lợi ích cơ bản.

* Theo ông, trong năm tới Chính phủ nên tập trung đầu tư vào lĩnh vực nào để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế tốt hơn?

- Một số ý kiến cho rằng nền kinh tế còn yếu nên phải kích cầu tiếp. Nhưng theo tôi, phải xác định rõ yếu chỗ nào, chỗ yếu đó kích vào có giải quyết được gì không. Ngoài ra, điểm yếu phải được khắc phục bằng một chiến lược, bằng tái cơ cấu chứ không phải chỉ là kích cầu. Thế thì, để giải quyết những điểm yếu cơ bản của nền kinh tế, quan trọng nhất là phân bổ lại nguồn lực, chứ chỉ tập trung nguồn lực vào những ngành khai thác tài nguyên, hoặc dành nhiều ưu đãi cho những DN làm ăn kém hiệu quả thì không ổn. Như vậy đây là chương trình rất lớn, liên quan đến mô hình tăng trưởng, đến tư duy hội nhập vào chuỗi giá trị toàn cầu, nên không thể trong thời gian ngắn mà làm được. Nên đặt vấn đề dài hạn, nếu chỉ kích cầu ngắn hạn thì không bao giờ giải quyết được điểm yếu của nền kinh tế, vì kích cầu chỉ là để cứu nguy nhằm thoát khỏi một tình thế nhất thời thôi.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Hỗ trợ lãi suất chỉ là nhất thời
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO